Biểu tình lớn diễn ra khắp nơi ủng hộ Palestine
- Nhật Tân
- •
Biểu tình và diễu hành hàng trăm ngàn người tại các thành phố lớn ở Châu Âu, Trung Đông, và Châu Á, ủng hộ người Palestine và kêu gọi ngừng bắn.
- Biểu tình ở New York hôm 26/10:
- Biểu tình ở London ngày 28/10:
Ngoài cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì diễu hành lớn nhất là ở thủ đô London (Luân Đôn) của Anh hôm Thứ Bảy 28/10, hối thúc Thủ tướng Rishi Sunak kêu gọi ngừng bắn. Cuộc chiến ở Gaza tiến vào giai đoạn kịch tính khi 2,3 triệu người dân bị phong tỏa suốt 22 ngày trong bom đạn và không còn các nhu yếu phẩm để sinh tồn. Kêu gọi ngừng bắn từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tỏ ra không có tác dụng gì.
The Guardian (Anh) báo cáo cuộc diễu hành 100.000 người (cảnh sát cho rằng khoảng 50.000 đến 70.000), bất chấp việc Ngoại trưởng James Cleverly đã nói ngay trước lúc diễn ra biểu tình rằng những lời kêu gọi ngừng bắn “sẽ không giúp gì được nữa trong tình huống này” và điều ấy đã làm mất tinh thần của không ít người tham gia biểu tình.
“Lần đầu tiên trong đời tôi xấu hổ vì [tôi] là người Anh,” một người điều hành công ty Heff Morales (56 tuổi) nói. “Tôi đã theo sát các việc này một thời gian rồi! Lập trường của nước Anh chúng ta thật kinh khủng, nhắm mắt trước nạn diệt chủng đang diễn ra.”
Nadia (56 tuổi), vợ của ông tỏ ra tức giận khi Anh quốc là một trong số vài nước bỏ phiếu phản đối “một cuộc tạm đình chiến vì nhân đạo” ở Gaza, nói rằng không tưởng tượng nổi “họ đã phủ quyết và ủng hộ chiến tranh!”
“Nào có là đòi hỏi nhiều nhặn gì,” cựu lãnh đạo Đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn (74 tuổi) nói với đám đông biểu tình, “chỉ là yêu cầu ngừng bắn, khi mà trẻ em đang bị giết chết bởi những quả bom đánh xuyên vào trong căn phòng ở ngôi nhà của chúng.”
“Đây là vết ô nhục vĩnh viễn không bao giờ tẩy sạch nổi của chính quyền Anh quốc khi bỏ phiếu phản đối ngừng bắn,” ông nói.
Trong đám đông người biểu tình, một người dân London cầm lá cờ Palestine cỡ lớn trong tay, Saad Mia (47 tuổi), vẫn cố gắng khích lệ mọi người hãy đừng buông bỏ hy vọng dù nó chỉ còn rất mỏng manh.
“Chính phủ là đại biểu cho chúng ta, chính phủ rồi sẽ yêu cầu ngừng bắn,” bà nói. “Đây là điều đa số dân chúng muốn mà.”
Một nỗi lo lắng lan tràn ở cuộc biểu tình, khi mà quân Israel cắt điện thoại và Internet ở Gaza, khiến tình hình nơi dải đất này không thể truyền được ra bên ngoài, và thân nhân không cách nào liên lạc với nhau được nữa kể từ Thứ Sáu.
“Israel muốn làm gì thì làm! Họ muốn xóa bỏ người Palestine rồi,” Shazmin Naeem (24 tuổi) lo lắng rằng Israel đang muốn che giấu tội ác chiến tranh của mình. “Những gì chúng tôi theo dõi được từ các phóng viên ở Gaza đã biến mất. Điều gì đang xảy ra? Chúng tôi muốn biết sự thật!”
Bạn gái của anh, Iqra Asim-Amin (17 tuổi) nói rằng cô cảm thấy “còn đáng sợ hơn khi không biết được gì đang diễn ra.”
“Họ muốn hủy diệt tất cả. Tôi đến đây vì nhân đạo,” Helena Martins (36 tuổi) đến từ Brazil nói.
Biểu tình ở London kéo dài suốt từ cảng Victoria bên bờ sông Thêm cho tới nhà Quốc hội, hô vang khẩu hiệu “Từ sông cho đến biển, Palestine sẽ được tự do!” bất chấp rằng trước đó có những tuyên bố rằng khẩu hiệu này có kèm ngụ ý kích động bạo lực.
Đến quãng 2h30 chiều, căng thẳng lên cao và cảnh sát vũ trang đụng độ với những người biểu tình và tìm cách chặn không cho qua phố Downing, nơi có văn phòng của Thủ tướng. Đấm đá và đánh đập đã diễn ra, và các sỹ quan cảnh sát yêu cầu những người biểu tình phải rời đi.
Sau cuộc biểu tình và diễu hành, cảnh sát London thông báo có 2 người biểu tình bị bắt giữ, và 1 cảnh sát phải được đưa vào bệnh viện.
The Guardian bình luận rằng cuộc biểu tình lần này không có làn sóng hô vang từ “jihad” (chiến đấu vì tín ngưỡng, cách nói của người Hồi giáo) như cuộc biểu tình nhỏ hơn vào tuần trước cũng ờ London. Dù sao thì sau vụ lần trước, cảnh sát London đã tuyên bố sẽ lập tức can thiệp nếu “jihad” được hô lên ở đám đông.
- Biểu tình và diễu hành ở London 28/10:
- Biểu tình ở Berlin, Đức:
Reuters (Anh) báo cáo rằng ở Malaysia, quốc gia mà Hồi giáo chiếm 64% dân số, một đám đông lớn biểu tình, giương các biểu ngữ và hô vang ở bên ngoài cửa Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kuala Lumpur.
Theo Reuters phân tích, những gì quân đội và chính phủ Israel, cùng với Mỹ và đồng minh, làm những ngày qua đã khơi dậy lòng trắc ẩn của dân chúng. Rất nhiều người dân trên thế giới phản đối Hamas, nhưng mà, thảm trạng của người dân Palestine đã khiến họ trở nên bất mãn hơn. Đặc biệt là ở các quốc gia đông người Hồi giáo.
Theo con số báo cáo từ Bộ Y tế Gaza, số người Palestine bị bom đạn Israel giết chết đã lên 7,650 người.
Reuters chỉ ra rằng trong khi truyền thông và các chính khác phương Tây, bao gồm đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden, tìm cách nói rằng con số này là con số do Hamas phóng đại, và rằng số người Palestine không chết nhiều thế, nhưng mà, không ít các chuyên gia và tổ chức độc lập khác, đã cất tiếng nói và chỉ ra rằng họ tin vào con số này của Bộ Y tế Gaza.
Cùng ngày Thứ Bảy tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan nói trước sự kiện biểu tình trên 100.000 người rằng “Israel là tội phạm chiến tranh.”
Ông cũng nhắc lại những luận điểm mà ông từng nói trước đó ở Quốc hội, rằng những giọt nước mắt cá sấu của phương Tây là biểu hiện trắng trợn của đạo đức giả, và rằng Hamas là các chiến binh thánh chiến, là các “lực lượng vì tự do” đang phản kháng để giữ lấy đất đai và quyền được sống của nhân dân mình.
Reuters cũng báo cáo về biểu tình của những nơi khác có đông người Hồi giáo như ở Baghdad, ở Bờ Tây, ở Lebanon (Li-Băng).
Tại Châu Âu, người dân ủng hộ Palestine cũng tràn ra các đường phố Copenhagen, Rome và Stockholm.
Một số thành phố ở Pháp trước đó đã ban lệnh cấm biểu tình và diễu hành kể vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến an ninh. Nhưng bất chấp điều ấy, một đám diễu hành nhỏ vẫn diễn ra ở thủ đô Paris, và hàng trăm người cũng ra diễu hành ở Marseille.
Hàng ngàn người ở thủ đô Wellington của New Zealand đã hô vang “Tự do cho Palestine” ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội, phất cờ của Palestine.
Từ khóa xung đột ở Dải Gaza Israel tấn công Gaza Palestine Hamas dải Gaza Dòng sự kiện Xung đột Israel - Hamas