Bộ Tứ họp bàn về việc “chèn ép”‘ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, khí hậu, COVID-19
- Lê Vy
- •
Biến đổi khí hậu, COVID-19 và “sự chèn ép” của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ đứng đầu chương trình nghị sự khi các Ngoại trưởng của Bộ Tứ – một nhóm không chính thức gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ – triệu tập tại Melbourne vào thứ Sáu (11/2). Ngoài ra, thảo luận được cho là cũng sẽ mở rộng về cuộc khủng hoảng đang leo thang giữa phương Tây và Nga về Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Australia trong tuần này trong bối cảnh Washington tiếp tục căng thẳng với Moscow về vấn đề Ukraine. Nga đã tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine và khiến phương Tây lo ngại về một cuộc xâm lược, nhưng Nga phủ nhận họ có kế hoạch như vậy.
Chính quyền Biden muốn cho thế giới thấy rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của họ vẫn ở châu Á – Thái Bình Dương và một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn ở một khu vực khác trên thế giới không làm nước này sao lãng các ưu tiên chính.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp song phương với ông Blinken, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết ngoài hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến COVID-19, hai nhà ngoại giao hàng đầu cũng sẽ thảo luận về Trung Quốc, Triều Tiên và Ukraine.
Hôm thứ Năm, ông Blinken cho biết Washington đang làm việc “24/7” về cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng tái khẳng định sự tập trung của Mỹ vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – khu vực mà ông cho rằng sẽ định hình phần lớn thế kỷ 21.
Ông nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải hiện diện, chúng ta gắn bó và dẫn đầu trong khu vực này.”
Cả ông Blinken và bà Payne đều cho biết yếu tố chính của cuộc thảo luận Bộ Tứ sẽ tập trung vào việc thiết lập một môi trường khu vực không bị “chèn ép”, ám chỉ tới tham vọng kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Phát biểu với các phóng viên trên máy bay trên đường đến Melbourne, ông Blinken mô tả Bộ Tứ là một “cơ chế mạnh mẽ” để cung cấp vắc-xin trên toàn thế giới cũng như chống lại “hành động xâm lược và cưỡng bức” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà không nêu đích danh tên Trung Quốc.
Theo Reuters, các Ngoại trưởng sẽ làm việc để thúc đẩy các mục tiêu đó nhưng không có khả năng công bố các cam kết mới, vì việc này phải chờ đến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ ở Nhật Bản vào tháng 5 mà Tổng thống Joe Biden dự kiến tham dự.
Chuyến đi của ông Blinken diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố vào tuần trước rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là “không có giới hạn”.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bất đồng về các vấn đề từ Hồng Kông và Đài Loan đến Biển Đông và các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Lê Vy
Xem thêm:
Từ khóa Liên minh chống Trung Quốc Bộ tứ kim cương