Hạ viện Hoa Kỳ hôm 7/12 đã thông qua phiên bản cuối cùng của Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2022 (NDAA). Đây là đạo luật chi tiêu quốc phòng hàng năm trong nhiều lĩnh vực. Mọi năm, nó bao gồm nhiều điều khoản nhắm tới việc chống chế độ Trung Quốc, nhưng trong phiên bản năm nay, nhiều điều khoản liên quan tới Trung Quốc đã bị loại bỏ hoặc làm giảm nhẹ, The Epoch Times đưa tin.

Nhìn chung, dự luật sẽ cho phép Bộ Quốc phòng nhận 768 tỷ đôla tài trợ cho năm tài chính 2022, nhiều hơn 25 tỷ đôla so với yêu cầu ban đầu của Tổng thống Biden.

Dự luật được thông qua tại Hạ viện với 654 phiếu thuận và 70 phiếu chống (gồm 51 đảng viên Đảng Dân chủ và 19 đảng viên Đảng Cộng hòa). Hiện tại, nó đang được chuyển sang Thượng viện để bỏ phiếu. 

Chống Trung Quốc

Một phần trọng yếu của đạo luật được dành cho việc tổ chức lực lượng quân sự tốt hơn để chống lại một PLA ngày càng hung hãn. Trong khi phạm vi cạnh tranh là toàn cầu, nhưng NDAA chỉ tập trung đặc biệt vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cụ thể, dự luật uỷ quyền 7,1 tỷ đôla cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), một nỗ lực chiến lược rộng lớn nhằm phát triển thêm lực lượng và tập trung vào các nỗ lực chiến lược trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hướng tới  chống lại chế độ Trung Quốc.

Mức chi phí đó cao hơn yêu cầu của các lãnh đạo Lầu Năm góc là 2,1 tỷ đôla. Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho rằng lãnh đạo quân đội quá tập trung đầu tư vào những hệ thống cụ thể mà không tập trung vào các vấn đề rộng lớn hơn để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.

Yêu cầu ban đầu của Lầu Năm Góc “tập trung một cách không thích hợp vào các nền tảng… chứ không phải vào việc cải thiện tình thế chung và kích hoạt năng lực tiềm tàng cần thiết để tăng cường khả năng răn đe tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương,” một tuyên bố chung của Uỷ ban Quân lực tóm tắt những thay đổi được thực hiện cho biết. 

“Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi với Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương như phương tiện để ưu tiên các nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong việc hỗ trợ tăng cường khả năng răn đe và tình thế quốc phòng của Mỹ, trấn an các đồng minh và đối tác, và tăng cường sự sẵn sàng cũng như năng lực tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chủ yếu là phía tây đường Đổi ngày Quốc tế.”

Tuyên bố cho biết nguồn tài trợ được gia tăng sẽ thiết lập một “đường cơ sở” để đo lường tính hiệu quả của PDI trong những năm tới. 

Dự luật DNAA cũng tuyên bố rằng mục tiêu cốt lõi là “duy trì hoặc khôi phục lợi thế quân sự tương đối của Mỹ đối với Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa.”

Để đạt mục tiêu này, dự luật ủng hộ tiếp tục các nỗ lực cung cấp đầy đủ năng lực quân sự bất đối xứng và huấn luyện cho Đài Loan nhằm tránh một cuộc xâm lăng “đã rồi” của Trung Quốc. Điều này phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan, yêu cầu Mỹ cung cấp cho Đài Loan khả năng tự bảo vệ.

Dự luật Quốc phòng cũng yêu cầu một phân tích nghiên cứu so sánh các chương trình hiện đại hoá quân sự Trung – Mỹ và yêu cầu Bộ Quốc phòng (DoD) thông báo cho Quốc hội nếu ĐCSTQ có số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vượt trội hơn. Những báo cáo được dự luật xác nhận như vậy sẽ được phân loại để công bố.

Dự luật cũng yêu cầu thiết lập một chiến lược lớn mới để đối phó với Trung Quốc sau khi công bố chiến lược an ninh quốc gia mới cho năm 2022 của Tổng thống, và tổ chức một hội đồng cố vấn mới trong cơ quan hành pháp nhằm tư vấn cho tổng thống những vấn đề chiến lược lớn đối với Trung Quốc.

Dự luật cấm các khoản tài trợ từ việc mua bán bất cứ sản phẩm nào được khai thác, sản xuất và chế tạo bởi lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

 

Những điều khoản chống Trung Quốc khác bị loại bỏ

Tuy vậy, còn có nhiều điều khoản liên quan tới việc chống Trung Quốc đã bị sửa đổi theo hướng giảm nhẹ hoặc loại bỏ hoàn toàn trong bản dự luật cuối cùng được Hạ viên thông qua tối thứ Ba. 

Chúng bao gồm:

  • Một điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về sự tuân thủ của Trung Quốc với điều 6 Hiệp ước về Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân; 
  • Một điều khoản làm giảm thiểu các mối đe dọa tài chính toàn cầu từ Trung Quốc bằng cách khuyến khích Mỹ hợp tác với Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ban Ổn định Tài chính; 
  • Một điều khoản thiết lập nhóm làm việc để phối hợp sản xuất chất chất bán dẫn giữa Mỹ và Đài Loan; 
  • Một điều khoản yêu cầu báo cáo về những nỗ lực chiến lược của Mỹ nhằm chống ảnh hưởng độc hại của Trung Quốc và Nga ở châu Phi; 
  • Một điều khoản bác bỏ việc áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc trong đường Chín đoạn;
  • Một điều khoản củng cố hoạt động gây ảnh hưởng ngoại giao để chống ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu; và
  •  Một điều khoản cấm sử dụng các khoản tài trợ của Lầu Năm góc vào bất kỳ nghiên cứu hay sản phẩm nào ở Trung Quốc đại lục;

Hai điều khoản cuối cùng được quan tâm đặc biệt vì việc loại bỏ chúng cho thấy một bước thụt lùi trong các hoạt động khắc phục ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua những chính sách cụ thể, giống như đơn thuần lập các báo cáo khả thi mà không cam kết hành động.

Hoạt động gây ảnh hưởng bị loại bỏ khỏi dự thảo cuối cùng của NDAA được gọi là “Chương trình Giám sát Trung Quốc.”

Chương trình cam kết 10 tỷ đôla hàng năm để đưa chuyên gia và nhà ngoại giao vào các vị trí giám sát ảnh hưởng độc hại của ĐCSTQ trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế và chính trị ở nước ngoài.

Dân biểu Claudia Tenney (đảng Cộng hòa – bang New York), người giới thiệu điều khoản này, bày tỏ sự thất vọng khi “Chương trình giảm sát Trung Quốc” bị loại bỏ trong phiên bản NDAA cuối cùng.

“Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của chúng ta và Mỹ có thể và cần phải làm nhiều hơn để  theo dõi các hoạt động có hại của họ,” bà viết.

Tenney cho biết bà sẽ tiếp tục thúc đẩy bỏ phiếu cho một dự luật riêng biệt, HR 5760, sẽ thiết lập Chương trình Giám sát Trung Quốc bên ngoài NDAA.

Ngân Hà (theo The Epoch Times)

Xem thêm: