Canada rút khỏi các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc
- Đức Thiện
- •
Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo The Globe and Mail hôm thứ Sáu (18/9) đã nói rằng thỏa thuận thương mại giữa Canada và Trung Quốc bây giờ không còn là mục tiêu theo đuổi đáng giá. Ông khẳng định Ottawa đã từ bỏ các cuộc đối thoại thương mại tự do với Bắc Kinh vốn được khởi động từ bốn năm trước.
Bộ trưởng Champagne cho biết Canada đã rút khỏi các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ song phương căng thẳng về việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei và Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada để trả đũa.
Ông Champagne nói rằng các cuộc đàm phán thương mại tự do Canada – Trung Quốc đã đình trệ từ hơn một năm trước.
Quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán hướng tới việc Canada trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 ký hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đánh dấu một bước đảo ngược chính sách lớn của chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau. Ông Trudeau đã theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc ngay từ khi lên cầm quyền vào năm 2015.
“Bây giờ tôi không thấy những điều kiện hiện hữu để các cuộc đàm phán tiếp tục vào thời điểm này”, ông Champagne nói với The Globe and Mail.
“Trung Quốc của năm 2020 không phải là Trung Quốc của năm 2016”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada nhấn mạnh.
Những bình luận mới nhất của ông Champagne là giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc đầu tiên sau nhiều nỗ lực ngoại giao toàn diện của Ottawa nhằm xoa dịu mối quan hệ với Bắc Kinh, đã thất bại. Những phát ngôn này cũng phù hợp hơn với xu hướng chung trong cách hành xử với Trung Quốc của các đồng minh của Canada như Mỹ, Úc và một số nước Liên minh châu Âu (EU).
Theo Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông), ngay từ khi bước vào nhiệm sở năm 2015, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cho thấy dấu hiệu quan tâm đến việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Trung Quốc.
Ông Trudeau đã thăm Trung Quốc vào tháng 9/2016 và vài tuần sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Canada để làm mới lại mối quan hệ đối tác song phương trong hàng chục lĩnh vực, trong đó có các cuộc tập trận quân sự chung.
Từ sau đó, việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và làm xói mòn nền tự trị của Hồng Kông đã khiến nhiều quốc gia dân chủ phương Tây không hài lòng, trong đó có Canada. Chính quyền Trudeau đã hủy bỏ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên hòn đảo bán tự trị này từ cuối tháng Sáu.
Sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu vào cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách bắt giữ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor.
Cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã bị Bắc Kinh cáo buộc phạm tội gián điệp.
Bà Mạnh Vãn Châu bị Mỹ truy nã vì tội rửa tiền và vi phạm các chế tài của Mỹ áp lên Iran. Hiện bà Mạnh vẫn đang trong tiến trình xét xử tại Canada để dẫn độ sang Mỹ.
Về trường hợp bà Mạnh, Bắc Kinh đã từng nói rằng họ có quyền đáp trả bất cứ sự can thiệp nào của Canada và phía Canada sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả các hệ lụy.
Trao đổi với The Globe and Mail, Bộ trưởng Champagne nói rằng: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đưa hai ông Michael trở về nhà”.
“Tất cả những sáng kiến và chính sách với Trung Quốc đã có hiệu lực vào năm 2016 cần được đánh giá lại”, ông Champagne khẳng định và nói thêm rằng Ottawa “đang xem xét tất cả những điều đó qua lăng kính về Trung Quốc của năm 2020”.
Bất chấp căng thẳng ngoại giao, theo Nam Hoa Tảo báo, Trung Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, chỉ đứng sau Mỹ. Từ đầu năm đến tháng Bảy, xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc đã tăng 23,6%, trong khi nhập khẩu tăng 13,9%.
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa Canada quan hệ Trung Quốc - Canada Dòng sự kiện François-Philippe Champagne