Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ tập trung vào nguy cơ Trung Quốc
- Tiêu Nhiên
- •
Được cho phép của Quốc hội Mỹ, ngày 27/10 Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược quốc phòng mới xem Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguy cơ lớn nhất đối với an ninh Mỹ, qua đó đề xuất thúc đẩy trong vài thập kỷ tới cần tăng cường hơn nữa năng lực quân sự.
Sau khi vào đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, lần này Chiến lược quốc phòng Mỹ (cứ 4 năm một lần lại có cập nhật) đưa ra nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. “Trung Quốc sẽ vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới”, Bộ trưởng Quốc phòng Austin viết trong phần giới thiệu chiến lược. “Tôi rút ra kết luận này dựa trên cơ sở những nỗ lực của ĐCSTQ liên quan thúc đẩy uy quyền độc tài trong định hình lại Ấn Độ Dương và hệ thống quốc tế, đồng thời nhận thức sâu sắc về những ý định được thể hiện rõ ràng của họ trong hiện đại hóa và mở rộng quân sự nhanh chóng.”
Hồ sơ chiến lược của Mỹ cảnh báo ĐCSTQ đang tìm cách phá hoại các liên minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang tiến hành các hoạt động cưỡng chế đối với Đài Loan và gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho nước Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở và hệ thống công nghiệp của Mỹ.
Nguồn tin từ tờ WSJ cho hay, Chiến lược quốc phòng Mỹ được phát hành 4 năm một lần và tài liệu được công bố với 2 bài bình luận kèm theo: Một bài về học thuyết và kế hoạch hạt nhân của Mỹ, bài còn lại về việc bảo vệ lãnh thổ và lực lượng của Mỹ đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của địch thủ.
Tài liệu chỉ ra khả năng chiến tranh mạng và không gian của ĐCSTQ và Nga có thể đe dọa căn cứ công nghiệp quốc phòng, hệ thống động viên quân sự và công nghệ định vị toàn cầu, gây nguy cơ nghiêm trọng cho Mỹ hơn nhiều những thế lực khủng bố nước ngoài khác.
Chiến lược phòng thủ của chính quyền Mỹ thời ông Trump được công bố vào tháng 1/2018 cũng liệt kê ĐCSTQ và Nga là hai mối đe dọa lớn. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền đương nhiệm Biden cho biết tài liệu chiến lược mới được xây dựng dựa trên chiến lược thời Trump nhưng nhấn mạnh hơn vào tham vọng của ĐCSTQ.
Một số cựu quan chức và nhà lập pháp lưỡng Đảng đã đặt câu hỏi liệu các hành động của Lầu Năm Góc có đủ nhanh để chuẩn bị cho quân đội Mỹ phát triển khả năng hay không. Các cựu quan chức và chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc cũng đã nêu quan ngại về khả năng trong 5 năm tới ngăn chặn xâm lược của Trung Quốc [đối với Đài Loan].
“Vẫn còn thiếu phần then chốt của nan đề răn đe: Trọng tâm của Bộ Quốc phòng để tăng tốc đáng kể và mở rộng việc triển khai các khả năng mới cần thiết để răn đe ĐCSTQ trong 5 năm tới”, hai cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ là Michèle Flournoy và Michael A. Brown vào tháng trước đã viết trên tờ Foreign Affairs. “Lầu Năm Góc đang phát triển các khả năng tấn công và phòng thủ mà để thiết kế, chế tạo và triển khai điều này sẽ mất nhiều thập niên, trong khi các công nghệ mới nổi đang thay đổi bản chất của chiến tranh nhanh hơn thế.”
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã bác bỏ những chỉ trích đó trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (27/10), nói rằng việc Lầu Năm Góc chi hàng tỷ đô la cho vũ khí cho thấy họ đang tập trung vào nhu cầu “quản lý rủi ro trong ngắn hạn”.
Ngoài ra, đánh giá tư thế vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong cộng đồng quốc phòng Mỹ. Nhìn chung, đánh giá biểu dương nỗ lực hiện đại hóa của bộ 3 hạt nhân Lục quân, Hải quân và Không quân Mỹ. Đánh giá tư thế hạt nhân lặp lại quan điểm của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Obama rằng vai trò cơ bản của vũ khí hạt nhân là răn đe tấn công hạt nhân và Washington sẽ chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp cực đoan nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Một điểm gây tranh luận là quyết định từ bỏ kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình phóng từ biển được trang bị vũ khí hạt nhân, dự kiến được triển khai vào năm 2035. Phe ủng hộ cho rằng kế hoạch đó sẽ cung cấp cho Mỹ giải pháp thay thế là một cuộc tấn công hạt nhân nhẹ hơn.
Về vấn đề này, Ủy viên Mike Rogers của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện lưu ý rằng các quan chức quân đội ủng hộ kế hoạch này, ông cho biết các nhà lập pháp sẽ thúc đẩy tài trợ. Ông nói: “Đất nước chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân chưa từng có từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên”.
Trong khi đó Bộ trưởng Austin cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Mỹ đã có một kho vũ khí hạt nhân khá lớn nên không cần một loại vũ khí như vậy.
Ngoài ra, một báo cáo riêng về đánh giá phòng thủ tên lửa cũng đã được công bố hôm thứ Năm (28/10). Việc ĐCSTQ phát triển tên lửa siêu thanh và việc Nga sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái ở Ukraine đã gây chú ý mới đến vai trò tiềm năng của hệ thống phòng thủ.
Từ tháng Ba, cơ quan chức năng Mỹ đã có phiên bản tuyệt mật của Chiến lược quốc phòng mới được lưu hành nội bộ Lầu Năm Góc cho mục đích lập kế hoạch và ngân sách, sau đó phiên bản này được chia sẻ với Quốc hội. Phiên bản đã được giữ kín cho đến khi Nhà Trắng công khai chiến lược an ninh quốc gia.
Từ khóa Lầu Năm Góc Chiến lược Quốc phòng