Ấn Độ đối phó với chiến lược gặm nhấm biên giới của Trung Quốc
- Brahma Chellaney
- •
Cắn những miếng to cả cây số, Trung Quốc đang nuốt dần đất vùng biên giới tại dãy Himalaya của Ấn Độ. Hàng thập niên qua, hai gã khổng lồ Châu Á đã có một cuộc chiến tranh không tiếng súng dọc theo tuyến biên giới vùng cao giữa hai nước. Dù vậy, gần đây Trung Quốc đang trở nên xác quyết hơn, đòi hỏi Ấn Độ phải có một chính sách kiềm chế mới.
Trung bình, mỗi ngày Trung Quốc tiến hành một đợt xâm nhập lén lút vào Ấn Độ. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ, Kiren Rijiju, cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chủ động xâm nhập vào các khu vực biên giới vắng người nhằm chiếm đóng. Và theo một cựu quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Tình báo Ấn Độ, nước này đã mất gần 2.000 km2 do sự xâm chiếm của PLA trong vòng một thập niên qua.
Chiến lược đằng sau các hành động của Trung Quốc đáng chú ý hơn quy mô của nó. Trên đất liền cũng như trên biển, Trung Quốc sử dụng các nguồn lực dân sự – người chăn nuôi gia súc, nông dân, và cả những đàn trâu bò – như là mũi nhọn của ngọn giáo. Một khi những người dân định cư tại một vùng đất tranh chấp, quân đội lập tức giành quyền kiểm soát vùng đất đó, mở đường cho việc thiết lập thêm các doanh trại lâu dài hoặc các đồn kiểm soát. Tương tự, trên Biển Đông, lực lượng hải quân Trung Quốc theo sau ngư dân để cắt ra các khu vực nhằm cải tạo các bãi san hô hay bãi đá. Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đều không sử dụng tên lửa, máy bay không người lái, hay súng đạn để đạt được mục tiêu của mình.
>> Ấn Độ – Trung Quốc, căng thẳng biên giới không lối thoát
Chiến dịch xâm lược phi bạo lực trên đất liền của Trung Quốc gặp ít sự phản đối hơn tham vọng trên biển của nó, vốn vấp phải sự thách thức từ Mỹ và luật pháp quốc tế (dù không mấy hiệu quả). Đôi khi các nhà lãnh đạo Ấn Độ thậm chí còn bỏ qua các hành động của Trung Quốc. Chẳng hạn, trong suốt buổi thảo luận chuyên đề gần đây tại Nga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đang có bất đồng về vấn đề biên giới, nhưng điều quan trọng là “trong 40 năm qua, không một viên đạn nào được bắn ra vì vấn đề đó.” Bộ ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh phát biểu của Modi, khen đó là các “nhận xét tích cực”.
Hơn nữa, người tiền nhiệm của Modi, Manmohan Singh, đã từng tuyên bố rằng, trong suốt 5.000 năm lịch sử, Ấn Độ và Trung Quốc chỉ có một cuộc chiến tranh vào năm 1962. Tuy nhiên, điều mà lịch sử tô hồng này chưa đề cập đến đó là Trung Quốc và Ấn Độ chỉ trở thành láng giềng sau khi Trung Quốc sáp nhập vùng đệm Tây Tạng vào năm 1951.
Với cách nghĩ dễ dãi của Ấn Độ, việc quốc gia này bị xem là “cọp giấy” cũng dễ hiểu. Trong khi Modi sử dụng cụm từ “từng bước nhỏ tiến tới hàng dặm” (inch toward miles) làm phương châm trong quan hệ hợp tác Ấn – Trung, PLA tiếp tục việc mở rộng lãnh thổ đáng ngờ bằng việc biến phương châm đó thành hoạt động xâm chiếm từ từ. Sau quá nhiều năm ở thế phòng thủ, Ấn Độ cần giành lại vị thế của mình.
Việc đầu tiên chính là chấm dứt các phát biểu nhàm chán. Lời kêu gọi của Modi về hòa bình và bình yên trên biên giới có thể là chân thành, nhưng giọng điệu của ông khiến Ấn Độ giống một người dễ bảo.
Thặng dư thương mại tăng nhanh của Trung Quốc với Ấn Độ, vốn đã tăng gấp đôi với khoảng 60 tỷ USD dưới thời Modi, kéo theo sự xác quyết về lãnh thổ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc phân định biên giới không rõ ràng – Trung Quốc bội ước lời hứa vào năm 2001 trong việc trao đổi bản đồ với Ấn Độ – đã tạo vỏ bọc cho các hành động xâm lấn của PLA. Trung Quốc chối bỏ các vụ xâm lấn và tuyên bố rằng quân đội của họ đang hoạt động trên “đất Trung Quốc”. Thế nhưng, với việc chấp nhận thương mại song phương – điển hình như sắt thép bán phá giá của Trung Quốc ở thị trường Ấn Độ – Ấn Độ đang vô tình giúp hình thành chiến lược bao vây của PLA.
Ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc trong khu vực đã gia tăng nhanh chóng trong thập niên qua, khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của tất cả các nền kinh tế Châu Á. Nhiều nước đang phát triển trong khu vực lần lượt hướng về Trung Quốc trong các vấn đề kết nối vận tải và an ninh khu vực. Tuy nhiên, như chính Modi đã nhấn mạnh, vẫn còn nhiều không gian cho Ấn Độ tham gia vào sự phát triển kinh tế của Châu Á. Một nền kinh tế Ấn Độ hội nhập hơn với khu vực mặc nhiên sẽ trở thành một đối trọng đối với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Ấn Độ cũng nên tăng cường lực lượng phòng vệ biên giới để nó trở thành một rào chắn vững chắc trước PLA. Lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ – Tây Tạng thiếu nguồn lực, dưới sự chỉ huy của Bộ Nội vụ, không thể xem như người gác cửa. Huấn luyện và trang bị cho các đơn vị đó một cách hợp lý, và đặt họ dưới sự chỉ huy của quân đội, sẽ là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng những ngày cánh cổng bỏ ngỏ đã kết thúc.
Nếu đảo ngược lại, rằng lực lượng Ấn Độ tìm cách xà xẻo lãnh thổ của Trung Quốc, PLA chắc chắn sẽ đáp trả không chỉ bằng lời. Thế nhưng nhiều lúc cảnh sát biên giới Ấn Độ đi tuần tra quanh khu vực thậm chí còn không mang theo vũ khí. Với phản ứng dễ dãi như vậy, Trung Quốc có thể làm điều họ muốn dọc theo biên giới phía Bắc của Ấn Độ. Sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho quân đội Pakistan, vốn thường bắn vào lính Ấn Độ dọc theo biên giới tranh chấp ở Kashmir, cần được xem xét dưới góc độ đó.
PLA đã bắt đầu cải tiến các “chiến dịch cắt lát salami” của họ tại Himalaya từ những năm 1950, khi cắt rời và giành cao nguyên Aksai Chin có diện tích bằng cả nước Thụy Sĩ. Sau đó, Trung Quốc giáng cho Ấn Độ một thất bại ê chề trong chiến tranh biên giới 1962, đảm bảo hòa bình, theo cách rêu rao của một tờ báo quốc doanh của họ năm 2012, theo điều kiện của Bắc Kinh. Ngày nay, Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận “bắp cải” tại biên giới, cắt đứt đường vào các vùng lãnh thổ mà đối phương đã kiểm soát trước đây và dần dần bao vây khu vực đó bằng các lớp dân thường và an ninh.
Trong bối cảnh đó, tín hiệu hòa bình thực sự tại Himalaya không phải là cho súng vào bao, mà chính là chấm dứt hoạt động xâm lấn ở biên giới. Cách tiếp cận dễ dãi của Ấn Độ đã thất bại trong việc kiềm chế Trung Quốc. Để ngăn cản các vụ xâm chiếm lớn hơn, Ấn Độ sẽ cần phản ứng một cách mạnh mẽ hơn.
Tác giả: Brahma Chellaney, Giáo sư ngành Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi và Nghiên cứu viên tại Viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có các cuốn Asian Juggernaut; Water: Asia’s New Battleground; và cuốn Water, Peace,and War: Confronting the Global Water Crisis.
Biên dịch: Nghiencuuquocte.org
Từ khóa Trung Quốc Ấn Độ