Khủng hoảng biên giới Trung – Ấn: Quân đội Trung Quốc bớt hung hăng?
- Yên Sơn
- •
Trung Quốc hôm thứ Sáu (3/8) vẫn có những phát ngôn hùng hồn về cuộc xung đột với Ấn Độ trên cao nguyên Doklam, thậm chí Bắc Kinh còn cảnh báo Delhi “về những hậu quả nghiêm trọng” nếu không rút quân. Tuy nhiên, trên thực địa, đã có dấu hiệu cho thấy lực lượng quân đội Trung Quốc đã không còn hung hăng như khi mới nổ ra căng thẳng vào tháng 6.
Tờ India Times (Ấn Độ), dẫn các nguồn tin giấu tên trong chính phủ nước này cho biết có những dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đã hạ dần thái độ khiêu khích trên cao nguyên Doklam, nơi họ đã mang quân đội và máy móc hạng nặng để xây dựng một con đường bên trong lãnh thổ Bhutan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi vào tháng 9/2014
Các nguồn tin nêu trên cũng nói rằng các nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng Trung – Ấn đã đạt được những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ này cũng nhấn mạnh rằng sẽ là quá sớm để vội vã phán xét về ý định của Trung Quốc. Một quan chức cao cấp Ấn Độ nói với tờ India Times rằng Ấn Độ sẽ không từ bỏ yêu cầu hai nước đều phải đồng thời rút quân.
Tờ báo Ấn Độ dẫn lời ông Liu Jinsong, phó chỉ huy lực lượng Trung Quốc tại Doklam, tuyên bố rằng: “Việc quân đội Ấn Độ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc bằng cách sử dụng lý do bảo đảm an ninh cho một bên thứ ba (Bhutan) là bất hợp pháp. Lực lượng này phải được thu hồi ngay lập tức, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
>>Trung Quốc doạ đổ quân vào Doklam, nói Ấn Độ “hãy sửa sai”
Ông Liu không nói rõ các hậu quả nghiêm trọng mà Ấn Độ sẽ phải hứng chịu là gì, nhưng đã trích dẫn lời chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Lựa chọn [biện pháp] quân sự là sự bảo đảm chủ quyền một cách cơ bản”.
Phó chỉ huy lực lượng Trung Quốc tại Doklam cũng nhắc lại tuyên bố được đưa ra hôm thứ Tư (2/8) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Ấn Độ đã giảm số lượng quân đội tại Doklam từ 400 xuống chỉ còn 40 lính.
Phát biểu sau đó tại Rajya Sabha (Quốc hội Ấn Độ), Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh về việc Delhi là kẻ xâm lược. Bà Swaraj khẳng định rằng chính Trung Quốc đã gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách vi phạm một thỏa thuận bằng văn bản giữa hai nước vào tháng 12/2012. Ngoại trưởng Ấn Độ nói: “Các chốt ranh giới ba điểm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và nước thứ ba sẽ được hoàn thiện với sự tham vấn của các nước liên quan. Kể từ năm 2012, chúng tôi đã không tổ chức bất kỳ cuộc thảo luận nào về giao lộ 3 bên này với Bhutan”.
Bà Swaraj nói thêm rằng chính hành động của Trung Quốc là nguyên nhân gây quan ngại tại khu vực biên giới. “Các lo lắng của chúng tôi bắt nguồn từ hành động của Trung Quốc trên thực địa, có tác động đến việc xác định điểm tam giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan và sự liên kết của ranh giới Ấn Độ-Trung Quốc trong khu vực Sikkim”.
Các nguồn tin trong chính phủ Delhi đã phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng Ấn Độ đã rút đi hầu hết quân đội của mình và nhắc lại rằng việc cùng rút quân có thể dẫn tới hóa giải được căng thẳng hiện nay. Một nguồn tin nói rằng: “Chúng tôi không gây hấn cho một cuộc đối đầu. Chúng tôi chỉ phản ứng lại việc quân đội [Trung Quốc] tới Doklam vì chúng tôi phải thể hiện cam kết của mình trong hiệp định an ninh với Bhutan và vì chúng tôi không thể để người Trung Quốc đến rìa hành lang Siliguri – [một dải đất hẹp kết nối các tiểu bang phía đông bắc với trung tâm Ấn Độ]” và nói thêm rằng quân đội Ấn Độ chỉ rút khỏi Doklam khi lực lượng của Trung Quốc cũng rút lui.
Các quan chức Ấn Độ không lung lay trước những phát ngôn gay gắt của Trung Quốc, vì giới chức Delhi hiểu rằng chính Bắc Kinh mới cần phải giảm căng thẳng vì họ đang phải tập trung nhiều hơn cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Thời điểm hiện tại Ấn Độ cho rằng kiềm chế là cần thiết để duy trì đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng. Do đó, để đáp lại những tuyên bố dài dòng và gay gắt của Bắc Kinh hôm thứ Tư, Delhi đã gò mình bằng việc lặp lại tuyên bố ngắn gọn chỉ 2 câu như hôm 30/6. Bhutan cũng đề cập tới tuyên bố của mình hôm 29/6. Các nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ấn Độ nói rằng nước này không muốn rơi vào một màn khẩu chiến với Trung Quốc, cho dù quân đội Ấn Độ mới đang là lực lượng có ưu thế trên thực địa ở cao nguyên Doklam.
Cuộc gặp mặt giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và người đồng cấp bên phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tại Bắc Kinh tuần trước đã mở ra các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai bên. Ông Doval được cho là đã làm rõ rằng Ấn Độ sẽ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng nhưng sẽ giữ vững lực lượng trên thực địa. Thực tế, trái ngược với những lời lẽ gay gắt ở mặt trận ngoại giao, Trung Quốc đã giảm nhiệt căng thẳng ở vùng biên tranh chấp.
Một nghị quyết rõ ràng có thể vẫn còn là điều gì đó xa vời, nhưng các quan chức của hai bên vẫn đang làm việc để vạch ra đường biên đáp ứng bất kỳ sự hiểu biết chung nào mà hai bên có thể đạt được.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến trong tháng 9 sẽ tới thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc để tham dự Hội nghị BRICS (Hiệp hội của năm nền kinh tế mới nổi gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Tại đây, ông Modi sẽ có lần thứ hai hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi xung đột tại cao nguyên Doklam nổ ra. Chắc chắn không bên nào muốn đưa mâu thuẫn này ra hội nghị đa phương và cả hai sẽ cố giữ cho vấn đề chỉ giới hạn trong địa hạt song phương.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Ấn Độ