Chiến tranh Nga – Ukraine có phải là nguyên nhân dẫn đến lạm phát toàn cầu?
- Lý Tịnh Nhữ
- •
Gần đây, lạm phát đã lan rộng ra thế giới và ngày càng trở nên nghiêm trọng, không chỉ lương thực, thực phẩm mà nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày cũng tăng mạnh, kéo theo chi phí sinh hoạt cơ bản tăng nhanh, khiến người dân các nước cảm thấy áp lực kinh tế trong cuộc sống. Vậy nguyên nhân của lạm phát toàn cầu là gì? Nó có liên quan gì đến cuộc chiến Nga – Ukraine không? Liệu có thể thoát khỏi lạm phát trong năm nay hay tình hình sẽ tiếp tục xấu đi? Vision Times đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Tạ Điền, giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, về vấn đề này.
Lạm phát toàn cầu đang nghiêm trọng, lương thực nằm trong số bị ảnh hưởng đầu tiên
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát toàn cầu này là do chiến tranh Nga – Ukraine. Ông Tạ Điền cho rằng trước hết, lạm phát toàn cầu đối với những người bình thường mà nói, điều nghiêm trọng nhất là giá lương thực tăng. “Giá lương thực toàn cầu nhìn chung đã tăng khoảng 20-40%, đặc biệt là lúa mì.”
“Tại sao giá lương thực trên quốc tế lại tăng nhanh? Một nghiên cứu của Tổ chức Nông lương Quốc tế đã đưa ra cảnh báo sớm nhất là vào năm ngoái vào năm 2021. Năm ngoái, do biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn hán, lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, đã có nhiều vùng sản xuất ngũ cốc bị giảm sản lượng trên diện rộng.
Và chúng ta cũng biết rằng trong hai năm qua, vì dịch bệnh nên chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phá vỡ và chi phí vận chuyển tăng cao. Virus Trung Cộng (virus corona mới) và đại dịch đã khiến nhiều công ty phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, ngừng sản xuất. Bao gồm rất nhiều công ty vận chuyển đường thủy, đường biển. Việc vận chuyển quốc tế này có một hiện tượng rất độc đáo, chẳng hạn như tàu chở hàng hoặc tàu du lịch thường được đăng ký tại Panama, nhưng chủ sở hữu có thể là người Nhật, người Mỹ, người châu Âu và những người nước ngoài khác. Nhưng những thuyền viên này được tuyển dụng khắp nơi trên thế giới. Việc tuyển dụng thuyền viên trên khắp thế giới, một là giá rẻ, hai là không bị hạn chế bởi nhiều hiệp ước và luật pháp. Ví dụ, nếu họ muốn tuyển dụng những thuyền viên này ở Mỹ, trên thực tế, họ phải tuân thủ rất nhiều luật ở Mỹ. Còn tàu chở hàng chạy trên vùng biển quốc tế, họ tuyển thuyền viên các nước đang phát triển ở nước ngoài, chi phí rất thấp. Đây là hiện tượng phổ biến ở tàu chở hàng trên biển và tàu du lịch.
Nhưng vì dịch bệnh dẫn đến đóng cửa, sau khi những người đi biển này về đến đất nước của họ hoặc đi bất cứ đâu, họ xuống tàu là không thể quay lại. Ngoài ra nhân viên ở bến tàu cũng gặp vấn đề tương tự. Do đó, toàn bộ chuỗi vận tải quốc tế và ngành vận tải biển bị tắc nghẽn nghiêm trọng, làm cho giá vận chuyển đường biển và chi phí vận tải tăng, dẫn đến giá cả chung và vật giá leo thang. Cộng với giá thực phẩm và năng lượng tăng, cũng kéo theo mọi thứ tăng giá theo.
Điều này có liên quan gì đến cuộc chiến Nga – Ukraine không? Có một số mối quan hệ. Chúng ta biết rằng Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu lương thực lớn, và đặc biệt Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn, vì vậy cuộc chiến đã khiến giá lúa mì và phân bón tăng nhiều hơn. Nhưng liệu sự lạm phát này có phải do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra? Tôi không nghĩ là do cuộc chiến này gây ra. Chúng ta biết rằng cuộc chiến Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2 năm nay, và cuộc chiến này đã làm trầm trọng thêm sự gia tăng giá lương thực, khi giá lương thực tăng, nó sẽ dẫn đến lạm phát nói chung tăng cao hơn.”
Lạm phát của Mỹ bắt đầu trước chiến tranh Nga – Ukraine
Tiến sĩ Tạ Điền nhấn mạnh rằng lạm phát toàn cầu này, chẳng hạn như ở Mỹ, thực sự bắt đầu vào năm 2021.
“Trước năm 2021, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, lạm phát của Mỹ về cơ bản dưới 2%, chỉ 1,9 hoặc 1,7%. Nhưng kể từ khi ông Biden nhậm chức, ông ta đã thực hiện một loạt biện pháp như tăng chi tiêu chính phủ, in tiền giấy, thâm hụt ngân sách quy mô lớn, chi tiêu quy mô lớn; cùng với những hạn chế của ông đối với khai thác và sản xuất năng lượng ở Mỹ, đã dẫn đến việc Mỹ không thể tự cung cấp năng lượng, và giá dầu thô tăng, giá xăng tăng. Do đó, thực tế lạm phát ở Mỹ từ năm 2021 đã là rất cao, trước chiến tranh Nga – Ukraine là 5 – 7%, bây giờ có lẽ vào khoảng 7,9%.”
Nguyên nhân giá dầu thế giới tăng?
Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng giá dầu tăng trên toàn thế giới thực sự liên quan đến việc Mỹ đã ngừng khai thác dầu thô ngoài khơi và dầu đá phiến.
“Mỹ từng là nhà xuất khẩu, giờ là nhà nhập khẩu. Còn OPEC, thực tế là họ không tăng sản lượng. Hiện giờ họ đang ngồi hưởng lợi ích từ việc giá dầu tăng cao. Giá dầu tăng, và tất nhiên thu nhập của đất nước họ tăng. Trừ khi có một số áp lực chính trị từ các quốc gia khác, hoặc từ Mỹ, để tăng sản lượng và hạ giá dầu. Nhưng rõ ràng họ đã không làm điều đó, hoặc Mỹ không gây được bất kỳ ảnh hưởng nào đối với họ. Không giống như thời kỳ Tổng thống Trump. Tất nhiên sau khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta đã biết rằng việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga đã bị cản trở, vì vậy nó khiến giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh hơn nữa.”
Nga sẽ đình chiến vì bị trừng phạt kinh tế?
Theo tìm hiểu, một số phương tiện truyền thông đã phân tích và đặt câu hỏi liệu các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga có thể buộc ông Putin ngừng chiến hay không? Tiến sĩ Tạ Điền nói:
“Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây rõ ràng đã giáng vào nền kinh tế Nga, nền kinh tế Nga có thể giảm tới 6 – 7% trong năm nay. Chúng ta thấy đồng rúp mất giá ngay lập tức, và Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất từ 9% lên 20% trong một đêm. Lãi suất tăng sẽ dẫn đến mức sống của người Nga giảm, đồng rúp mất giá cũng sẽ thu hẹp khối tài sản của họ.
Nhưng điều này dường như không đủ để khiến ông Putin ngừng chiến. Tôi cho rằng Nga có lẽ có khả năng chịu đựng được các lệnh trừng phạt, bởi vì bản thân các lệnh trừng phạt không hoàn toàn triệt để. Ví dụ, hệ thống tài chính SWIFT trừng phạt, nhưng lại để lại một cửa sau. Các biện pháp trừng phạt năng lượng cũng chưa thực sự được quán triệt. Nga vẫn đang vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên đến các nước Tây Âu và Đức mỗi ngày, với mức hàng tỷ đô la mỗi ngày.
Hiện tại cuộc chiến mới chỉ mới hơn một tháng. Tôi nghĩ rằng nếu cuộc chiến này kết thúc trong hai tháng, thì nó sẽ không phải kết thúc vì các lệnh trừng phạt kinh tế, mà là các mục tiêu chiến lược của Nga đã đạt được, và Ukraine đã không mong đợi hoặc mong đợi không được sự hỗ trợ thực sự và đáng kể từ phương Tây. Họ cũng không có khả năng phản công hiệu quả, giờ chỉ biết phòng ngự một cách bị động.”
Lạm phát toàn cầu tiếp tục xấu đi?
Ngoài ra, còn có một báo cáo khác chỉ ra rằng lạm phát toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, liệu nó có trở thành xu hướng dài hạn hay thế giới đang bước vào chu kỳ siêu lạm phát? Tiến sĩ Tạ Điền phân tích và chỉ ra, năm nay có thể khó thoát khỏi tình trạng lạm phát.
“Tôi nghĩ rằng ít nhất lạm phát và tình trạng giá cả tăng cao này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay, hoặc thậm chí sang năm sau. Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Hiện giờ tôi không thể nhìn ra. Đầu tiên, như chúng ta đã nói, Nga và Ukraine là 2 quốc gia xuất khẩu ngũ cốc đứng thứ nhất và thứ nhì trên thế giới. Ukraine luôn được mệnh danh là kho lương thực của châu Âu. Chiến tranh đã tiếp diễn cho đến cuối tháng Ba, và thời điểm tốt để gieo trồng vụ xuân và bón phân cho lúa mì vụ đông đã bị bỏ lỡ. Sản lượng ngũ cốc của năm nay ở Ukraine chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Cùng với việc giảm sản lượng lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng do thảm họa thời tiết khắc nghiệt năm 2021 mà tôi vừa đề cập, nhiều nước xuất khẩu lương thực sẽ giảm hoặc thậm chí cấm xuất khẩu để ngăn chặn nạn đói. Điều này đã xảy ra nhiều lần trước đây, ở các nước như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ đều đã từng làm thế. Một khi có bất kỳ sự biến đổi nhỏ nào đối với sản lượng lương thực, họ sẽ ngừng xuất khẩu và giữ lại ngũ cốc cho mình. Việc ngừng xuất khẩu cũng sẽ đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa. Đối với các nước phát triển, tác động này có thể không quá lớn, và những người bình thường sẽ không bị đói. Nhưng đối với một số nước nghèo, nhiều người có thể sẽ phải chịu đói hoặc thậm chí chết đói.
Giá lương thực không chỉ liên quan đến giảm sản lượng mà còn liên quan đến mắt xích thông vận tải. Đó là vấn đề mất kết nối chuỗi cung ứng quốc tế mà chúng ta đã đề cập trước đó. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, và đôi khi ngay cả khi thực phẩm được sản xuất ra, cũng không thể giao hàng đến nơi cần đến và còn gây ra tình trạng khan hàng, thiếu lương thực. Vấn đề dây chuyền vận chuyển bị đứt đoạn sẽ thực sự ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm. Ví dụ, ở Mỹ, chúng ta thấy giá thịt, trái cây, rau, pho mát, sữa, trứng, tất cả đều đang tăng. Vì đối với những công ty này, họ đều gặp vấn đề về chuỗi cung ứng, chuỗi vận chuyển, họ đều có chi phí vận chuyển. Đặc biệt là ở các quốc gia phương Tây có lãnh thổ tương đối rộng lớn, chẳng hạn như Mỹ, Úc và Canada. Chúng ta biết rằng hầu hết những thứ này được vận chuyển bằng xe tải, và giá xăng dầu đã trực tiếp cộng thêm vào giá sản phẩm đó. Ngoài ra còn có vấn đề về lao động, thực tế những thứ này đều có liên quan đến giá cả.
Chính là nói, 3 thành phần lớn nhất của giá tiêu dùng là giá thực phẩm, giá năng lượng và giao thông vận tải. Nếu 3 mức giá này tăng lên, các mức giá khác cũng phải tăng theo. Vì vậy, vấn đề không đơn giản là chỉ tăng giá xăng dầu, vì giá xăng dầu đang tăng, tất cả các mặt hàng đều phụ thuộc vào các phương tiện vận chuyển sử dụng xăng dầu, từ các nhà sản xuất, vận chuyển xuyên biển, hay xuyên biên giới. Và sau đó khi đưa đến tay người tiêu dùng thì toàn bộ chi phí sẽ tăng lên.
Thêm vào đó là thời tiết khắc nghiệt, thiên tai và dịch bệnh. Về bệnh dịch, chúng ta cho rằng nó có liên quan đến nhân họa. Do đó, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, thảm họa nhân tạo, dây chuyền giao thông vận tải bị đứt đoạn, cộng thêm dịch bệnh, có lẽ nó là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu.”
Sau chiến tranh, toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn bất an?
Tiến sĩ Tạ Điền nói rằng sau cuộc chiến Nga – Ukraine lần này, thế giới có thể rơi vào tình trạng bất an hơn.
“Chúng ta biết rằng nhiều quốc gia, bao gồm NATO, Đức và Nhật Bản, đang tăng chi tiêu quân sự của họ, và nhiều quốc gia thậm chí có thể phát triển vũ khí hạt nhân và gia tăng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ vẫn trong tình trạng bất ổn và lo lắng. Còn có ảnh hưởng của đại dịch, cũng không biết bao giờ mới hết. Mặc dù vấn đề của chuỗi cung ứng quốc tế đang dần hồi phục, nhưng nếu giá năng lượng không giảm nhanh và nguyên nhân của lạm phát hiện nay không được giải quyết, tôi nghĩ lạm phát này có khả năng sẽ tiếp tục đến giữa năm sau. Còn năm nay có vẻ như nó sẽ tiếp tục xấu đi.”
Từ khóa lạm phát toàn cầu Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine lạm phát Tạ Điền