Các tập đoàn hàng đầu thế giới khó tiếp tục chính sách “đu dây” tại TQ (P1)
Đi cùng thực trạng đối đầu giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với các nước phương Tây và Mỹ ngày càng gia tăng, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới cũng ngày càng nhận thấy khả năng khó khăn khi đồng thời vừa muốn đứng về Mỹ lên án thảm họa nhân quyền tại Trung Quốc (về đạo nghĩa), lại vừa muốn kiếm tiền từ Trung Quốc (về mặt lợi ích).
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vốn bị Mỹ và các nước phương Tây tẩy chay về mặt ngoại giao cuối cùng đã bế mạc ngày 20/2, điều này có thể khiến một số tập đoàn đa quốc gia thấy nhẹ nhõm vì họ chi tiền tài trợ nhưng không mang lại hiệu quả quảng bá.
Các nhà tài trợ chính của Thế vận hội Mùa đông bao gồm các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Coca Cola, Intel và P&G; của của Hàn Quốc như tập đoàn điện tử khổng lồ Samsung; hay của Nhật Bản như Toyota, Panasonic, Bridgestone…
Mặc dù các nhà tài trợ này đều thực hiện các hoạt động quảng bá ở Trung Quốc, nhưng ở bên ngoài Trung Quốc thì họ lại rất kín tiếng do không muốn chịu lên án từ công luận thế giới vì tiếp tay cho những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương.
Dù vậy, gần đây tập đoàn Intel và công ty ô tô điện Tesla của Mỹ đã bị ĐCSTQ đàn áp vì các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
PHẦN 1: TRƯỜNG HỢP CÔNG TY MỸ
Intel cúi đầu trước ĐCSTQ khi giúp Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Trang web tiếng Trung của tập đoàn điện tử khổng lồ Intel trụ sở Trung Quốc tràn ngập nội dung tuyên truyền về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, cho biết họ muốn cùng Bắc Kinh xây dựng tương lai tốt đẹp. Việc áp dụng các công nghệ mới [của Intel] như Al, 5G và VR đã khiến lễ khai mạc Thế vận hội này không có khán giả nhưng bớt trống trải hơn khi vẫn có được “tiếng reo hò”.
Intel cho biết, các nhà chức trách ĐCSTQ cũng sử dụng điều này để truyền đạt cho thế giới niềm tin “chiến thắng đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán)”. ĐCSTQ đã tuyên truyền rằng chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt phản ánh tính ưu việt của chế độ mà họ xây dựng, cho dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một dịp hiếm hoi đã 2 lần chỉ trích Bắc Kinh rằng chính sách chống dịch cực đoan của họ khiến kinh tế toàn cầu bị trì hoãn phục hồi.
Mặc dù tháng 9 năm ngoái, Intel đã xây dựng Trung tâm Trải nghiệm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nhưng tháng 12 năm ngoái họ đã buộc phải xin lỗi về “vấn đề Tân Cương”.
Nguyên do vì thực hiện chính sách của Mỹ chống lại cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương, trước đây trong một bức thư ngỏ Intel đã yêu cầu các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ đảm bảo không sử dụng bất kỳ lao động, sản phẩm hoặc dịch vụ mua từ Tân Cương.
Sau khi bức thư được truyền thông ĐCSTQ tiết lộ, Intel đã bị truyền thông xã hội Trung Quốc công kích dữ dội. Vài ngày sau, Intel đã gỡ bỏ bức thư về Tân Cương và đưa ra một tuyên bố bằng tiếng Trung trên mạng xã hội cho biết đoạn viết về Tân Cương trong bức thư chỉ nhằm mục đích bày tỏ sự tuân thủ và tính hợp pháp, không phải lập trường của Intel “tôn trọng tính nhạy cảm của vấn đề này ở Trung Quốc”.
Tại Trung Quốc, Intel hiện có hơn 10.000 nhân viên, trong 6 năm liên tiếp, đây là khu vực có doanh thu lớn nhất của Intel, chiếm khoảng 1/4 tổng doanh thu toàn cầu.
Tháng Ba năm ngoái, trong cuộc tẩy chay các công ty nước ngoài ở Trung Quốc vì sự cố bông Tân Cương, ngoài thương hiệu quần áo Thụy Điển H&M bị truyền thông của ĐCSTQ đào bới đã ra tuyên bố tẩy chay bông Tân Cương trên trang web nước ngoài của họ thì còn có một số thương hiệu khác của Nhật Bản như Nike, Adidas, Uniqlo cũng bị dư luận ĐCSTQ tẩy chay vì lý do tương tự.
Khốn khó của Tesla ở Trung Quốc
Ngoài Intel, vào cuối năm ngoái nhà sản xuất ô tô điện Tesla cũng đã bị Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo (CAIR) có trụ sở tại Washington D.C. chỉ trích vì “hỗ trợ kinh tế cho nạn diệt chủng” sau khi công ty này vừa mở một phòng trưng bày ở Tân Cương.
Nhưng vấn đề Tesla gặp phải ở Trung Quốc khó giải quyết hơn là áp lực từ các tổ chức quốc tế. Vụ việc gần đây nhất là ngày 18/2 khi Tesla thu hồi 26.000 xe Tesla sản xuất tại Trung Quốc theo yêu cầu của Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc, lý do vì lỗi phần mềm bị cáo buộc không đạt tiêu chuẩn.
Trước đó, ngày 26/1, Tesla đã kiện một người nổi tiếng trên Internet Trung Quốc có nick “xiaogangxz” với hàng chục triệu người theo dõi, cáo buộc người này đưa tin sai lệch về dữ liệu xe điện Tesla gây tổn hại danh tiếng của Tesla.
Năm ngoái, theo trang web thông tin doanh nghiệp Tianyancha tại Trung Quốc, có 9 vụ việc của Tesla tại Trung Quốc liên quan đến kiện tụng xâm phạm quyền lợi và uy tín của họ.
Đầu tháng Hai năm ngoái đã có 5 cơ quan chuyên trách của trung ương ĐCSTQ hẹn gặp giám đốc điều hành của Tesla Trung Quốc, phản ánh xe điện của họ gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn. Hệ quả sau đó Tesla đã đưa ra lời xin lỗi rằng họ “chân thành tiếp thu góp ý sai phạm”.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Trung Quốc năm ngoái (15/3), các cơ quan truyền thông và cổng thông tin lớn của ĐCSTQ đã sôi nổi đưa tin và đăng lại vụ tai nạn của Tesla trước đó vài ngày (11/3), thông tin này liên tục lọt vào danh sách tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ngày 19/4 lại thêm vụ việc khi tại Triển lãm ô tô Thượng Hải có một phụ nữ mặc chiếc áo phông in dòng chữ “mất phanh” đã đột nhập qua hàng rào an ninh chặt chẽ và leo lên xe Tesla tại triển lãm để phản đối. Sự kiện lại kéo theo làn sóng chỉ trích Tesla từ các cơ quan truyền thông lớn của ĐCSTQ, theo đó có những cơ quan nhà nước đã cấm xe Tesla vào bãi đậu xe của họ.
Về vấn đề này, mặc dù phó chủ tịch Tao Lin của Tesla Trung Quốc chất vấn rằng có ai đó thao túng đằng sau, đồng thời chỉ ra dữ liệu cơ sở của Tesla cho thấy vụ tai nạn là do tài xế chạy quá tốc độ, nhưng sau đó vì áp lực mạnh từ dư luận Trung Quốc mà Tesla vẫn một lần nữa phải công khai xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi đã bị hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã chỉ trích là “thiếu chân thành”.
Helen Raleigh, một doanh nhân và nhà văn người Mỹ cho biết giới chức ĐCSTQ đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và tình cảm chống Mỹ của người Trung Quốc đang trỗi dậy để phá hủy hình ảnh của Tesla. Bà nói: “Những cuộc đấu tranh của Tesla ở Trung Quốc là lời cảnh báo cho tất cả các công ty phương Tây”.
Không giống như các công ty đa quốc gia khác, ngay từ đầu quyết định xây dựng nhà máy ở Trung Quốc của Tesla đã được coi là vì yếu tố chính trị và gây tranh cãi. Bởi vì khi chính quyền ĐCSTQ thu hút Tesla đến Trung Quốc với các điều kiện ưu đãi đặc biệt, đó là thời điểm bắt đầu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và Mỹ đang có kế hoạch di dời chuỗi công nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc.
Khi Tesla ký thỏa thuận xây dựng tại Thượng Hải – Trung Quốc tháng 7/2018, chính quyền và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc không chỉ cung cấp cho họ các điều kiện ưu đãi như vốn vay, đất đai, thuế suất (15%) mà còn thay đổi cả vấn đề chính sách trước đó buộc các công ty nước ngoài phải có cổ phần hợp tác với đối tác Trung Quốc, nhờ đó Tesla ở Trung Quốc trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc có 100% vốn nước ngoài.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh giới chức trách ĐCSTQ muốn đưa Tesla vào Trung Quốc với hy vọng rằng thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc phát triển, từ đó giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong thị trường xe điện quốc tế.
Nhưng khi Tesla vào Trung Quốc được 2 năm, sau khi thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng và sản xuất xe điện của Trung Quốc, ĐCSTQ đã trở mặt và bắt đầu đàn áp Tesla, buộc nhiều lần Tesla phải công khai xin lỗi, còn người sáng lập là nhà tài phiệt Musk cũng đã trong nhiều dịp khác nhau lên tiếng ca ngợi ĐCSTQ.
Ngày 1/7 năm ngoái khi ĐCSTQ đã kỷ niệm 100 năm thành lập, Musk gọi sự bùng nổ kinh tế mà ĐCSTQ đã đạt được là “thực sự đáng kinh ngạc”.
Ngày 6/12 năm ngoái, Musk đã nói tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng CEO rằng Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay tình hình đang thay đổi theo hướng kinh tế Trung Quốc có thể lớn gấp 2 – 3 lần Mỹ. Đồng thời Musk còn cho biết rằng nhìn chung Tesla có mối quan hệ tốt đẹp với ĐCSTQ; nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng ông không phải công cụ cho ĐCSTQ, giống như ông sẽ không phải công cụ cho Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào.
Phân tích: Lo ngại Starlink sẽ vô hiệu hóa tường lửa
Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) người Mỹ gốc Hoa hiện làm việc tại Đại học Nam Carolina của Mỹ có chỉ ra rằng ĐCSTQ muốn lôi kéo Musk vì nhà tài phiệt này còn có một số công ty rất hùng mạnh chứ không chỉ có Tesla.
Giáo sư Tạ Điền nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ lo ngại kế hoạch Space X và Star link của Musk, đặc biệt là kế hoạch Star link với hàng chục ngàn vệ tinh cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho toàn thế giới, như vậy có nghĩa là bức tường lửa mà ĐCSTQ đã bỏ ra số tiền cùng nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ để xây dựng sẽ trở nên vô ích.
Ông nói: “ĐCSTQ đãi ngộ cho Tesla thành lập nhà máy ở Trung Quốc với mục tiêu để kìm hãm Musk. Nhưng rõ ràng ĐCSTQ đã không đạt được mục đích”.
Ngày 3/12 năm ngoái, ĐCSTQ đã khiếu nại với Liên Hợp Quốc về Space X, nói rằng vệ tinh này đã 2 lần tiếp cận trạm vũ trụ của Trung Quốc gây ra mối đe dọa va chạm. Cuối năm ngoái Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã công khai lên án Musk, sau đó các cơ quan truyền thông lớn của ĐCSTQ cũng theo đó thúc đẩy hành động tuyên truyền trấn áp.
Ngày 28/12 năm ngoái, Tân Hoa xã của ĐCSTQ đăng lại một bài từ tờ Thời báo Hoàn Cầu, theo đó cáo buộc dự án Starlink liên kết với chiến lược không gian của Mỹ để Mỹ có lợi thế chiến lược về không gian và trên bộ, gây ra mối đe dọa đối với các nước khác.
Trước những hành vi của ĐCSTQ, giới quan sát phương Tây có cảnh báo rằng vấn đề đầu tư vào Trung Quốc hiện nay không còn chỉ là vấn đề thương mại đơn thuần mà còn là lựa chọn chính trị. Nhà cầm quyền toàn trị ĐCSTQ thù địch với thế giới tự do dân chủ nên bất kỳ sự hợp tác hay thỏa hiệp nào cũng đồng nghĩa tiếp tay cho tội ác. Giáo sư Tạ Điền nhận định rằng cuộc đối đầu hiện nay giữa ĐCSTQ và phương Tây là cuộc đối đầu giữa chế độ toàn trị bất nhân và nền văn minh nhân loại, ĐCSTQ lợi dụng công nghệ và nguồn vốn của phương Tây để giành quyền lực, từ đó chi phối phương Tây và thống trị thế giới bằng những giá trị bất nhân của chủ nghĩa cộng sản.
Từ khóa Elon Musk Tesla intel Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Tập đoàn hàng đầu thế giới