Chính thức: Twitter chấp thuận đề nghị “mua đứt” của CEO Musk với giá 44 tỷ USD
- Phan Anh
- •
Hôm 25/4 vừa qua, Twitter tuyên bố chấp thuận đề nghị của ông Elon Musk, CEO Tesla và SpaceX, theo đó, người giàu nhất thế giới hiện nay sẽ “mua đứt” công ty truyền thông xã hội với giá 44 tỷ USD (tức 54,20 USD/cổ phiếu).
Ông Elon Musk chia sẻ: “Tự do ngôn luận là nền tảng vận hành của một nền dân chủ và Twitter là nơi tranh luận các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại. Tôi cũng muốn làm cho Twitter trở nên tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cao giá trị sản phẩm với các tính năng mới, mở các mã nguồn thuật toán để tăng độ tin cậy, loại bỏ chương trình tạo thư rác (spam bot) và xác thực tất cả mọi người. Twitter có tiềm năng to lớn – tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai mở nó”.
Twitter cho biết giao dịch đã được ban lãnh đạo chấp thuận và có thể hoàn tất trong năm nay sau quy trình phê duyệt của các cổ đông. Trong khi đó, ông Musk có kế hoạch tư nhân hóa công ty khi hoàn thành giao dịch. Sau thông tin Twitter chấp thuận việc bán công ty nêu trên, giá trị cổ phiếu của Twitter đã tăng 5,7% ở mức 51,70 USD theo giá chốt phiên ngày 25/4. Được biết, Goldman Sachs, J.P. Morgan và Allen & Co. hiện đang làm cố vấn tài chính cho Twitter, còn Morgan Stanley là cố vấn về tài chính cho ông Musk.
Là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng khoảng gần 274 tỷ USD, ông Elon Musk đàm phán để mua Twitter với tư cách cá nhân và Tesla không tham gia vào thương vụ này.
Trước đó, CEO Elon Musk cho biết rằng ông đã huy động được 46,5 tỷ USD để sở hữu Twitter, theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Mỹ. Cụ thể, ông Elon Musk đã cam kết bỏ ra 21 tỷ USD từ tài sản cá nhân cộng thêm 12,5 tỷ USD vay ký quỹ, để có tiền thực hiện giao dịch mua Twitter. Ngoài ra, các ngân hàng và công ty, bao gồm Morgan Stanley, Bank of America, Barclays, MUFG, Societe Generale, Mizuho Bank và BNP Paribas, đã đồng ý cung cấp khoản vay 13 tỷ USD khác cho ông Musk, theo hồ sơ nộp lên SEC. Điều này khiến ban lãnh đạo của Twitter phải xem xét thương vụ một cách nghiêm túc hơn và nhiều cổ đông đã yêu cầu công ty không để vụt mất cơ hội thực hiện vụ mua bán, theo Reuters đưa tin hôm 24/4.
Động thái trên của ông Elon Musk được đưa ra sau khi Twitter không những không đáp lại lời đề nghị hỏi “mua đứt” Twitter với giá 43 tỷ USD từ ông, mà còn thông qua việc áp dụng chiến lược phòng thủ “thuốc độc (poison pill)” nhằm ngăn chặn khả năng vị tỷ phú này thâu tóm công ty.
Ông từng nói việc đề nghị “mua đứt” công ty này là vì lợi ích cộng đồng, nhằm đảm bảo mang lại sự tin cậy cho nền tảng chứ hoàn toàn không phải để kiếm tiền. Theo vị tỷ phú, Twitter sẽ không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và hãng này cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân.
Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi việc kiểm duyệt nội dung của Twitter, ông Musk giải thích rằng bài kiểm tra một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản. “Nếu bạn cho phép người bạn không ưa nói điều bạn không thích, đó là tự do ngôn luận”, ông nói.
Hồi đầu tháng 4, CEO Tesla và SpaceX tiết lộ đã sở hữu 9,2% cổ phần của Twitter, qua đó trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng này.
Tháng trước, tỷ phú Elon Musk từng chia sẻ ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội mới.
Ông Musk hiện có trên 80 triệu người theo dõi trên Twitter kể từ khi tham gia vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng này để đưa ra nhiều thông báo.
Theo danh sách tỷ phú dựa trên thời gian thực của tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của CEO Elon Musk của hãng Tesla và SpaceX đã đạt mốc kỷ lục 267,3 tỷ USD vào hôm 24/3 vừa qua. Vị CEO 50 tuổi này được dự đoán trở thành người đầu tiên tích lũy tài sản ròng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2024, theo phân tích xu hướng tăng trưởng trung bình hàng năm của Tipalti Approve.
Phan Anh (tổng hợp)