Hơn một năm sau khi ông Hun Manet nhậm chức đứng đầu Chính phủ Campuchia, có quan điểm chỉ ra người tiền nhiệm Hun Sen – cha của ông Hun Manet – vẫn đứng sau thao túng chính trị.

328964984 2304407523063569 5207469900832377080 n
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Facebook ông Hun Sen)

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức tại Viêng Chăn, Lào từ ngày 6 – 11/10, Thủ tướng Hun Manet của Campuchia khá kín tiếng, dù đã gặp các nhà lãnh đạo khác, ông Hun Manet không đưa ra bất kỳ phát biểu công khai nào trước giới truyền thông.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Hun Manet chưa tổ chức họp báo giải thích các chính sách của mình, đặc biệt là ý định làm sao duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và các nước phương Tây.

Hun Manet
Ông Hun Manet, Chỉ huy Quân đội Hoàng gia Campuchia, chụp ảnh trước buổi gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại phủ thủ tướng ở Tokyo vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: FRANCK ROBICHON/POOL/AFP via Getty Images)

Cha ông  Hun Manet là cựu Thủ tướng Hun Sen thì vẫn thường xuyên bày tỏ quan điểm trước hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Ông Hun Sen chính thức từ chức vào năm 2023 sau 40 năm nắm quyền, trao lại quyền lực cho con trai cả Hun Manet. Do không có phe phản đối thực sự, con trai cả của ông Hun Sen đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội và trở thành thủ tướng, không gặp bất cứ trở ngại gì.

Vào tháng 2, chính ông Hun Sen đã đảm nhận chức Chủ tịch Thượng viện – một vị trí danh dự và mang tính nghi lễ lớn sau Quốc vương Norodom Sihamoni – cho phép ông chào đón các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm như ông đã làm khi còn là thủ tướng.

Nhiều tháng sau, ông công khai khẳng định quyền lực. Trước đại diện chính phủ và các chức sắc nước ngoài, ông Hun Sen tuyên bố: “Cuộc đời chính trị của tôi vẫn chưa kết thúc (…) Tôi là cha của Thủ tướng”.

Theo yêu cầu của ông, lễ khởi công dự án gây tranh cãi là kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD giữa sông Mê Kông và Vịnh Thái Lan thậm chí còn được dời sang ngày 5/8 – ngày sinh nhật lần thứ 72 của ông Hun Sen.

Gia đình trị

Ông Hun Sen từng là thành viên của Khmer Đỏ, lên nắm quyền vào năm 1985, đã đưa Campuchia bị tàn phá bởi nội chiến và diệt chủng theo con đường hiện đại hóa.

Dù đã từ chức nhưng ông vẫn là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Á, nhận được ủng hộ của tầng lớp thượng lưu trung thành, trong khi hầu hết mọi phe đối lập đều bị nhà nước hoặc các tòa án đàn áp chính trị hóa.

Ngoài con trai cả Hun Manet, con trai nhỏ Hun Many của ông Hun Sen đã trở thành Phó thủ tướng, còn con trai thứ ba là Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Quốc gia. Con cái một số thân tín của ông cũng giữ các vị trí lãnh đạo.

Sebastian Strangio, tác giả cuốn “Campuchia của Hun Sen”, nói rằng Hun Manet “là gương mặt mới của hệ thống cũ”. Ông nói với AFP: “Năm vừa qua đã cho thấy rõ rằng Hun Sen vẫn là nhân vật chính trị quyền lực và có ảnh hưởng nhất ở Campuchia, ông ta tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định”.

Ông nói thêm rằng chức vụ chủ tịch Thượng viện Campuchia “đáng ra phải là một nhiệm vụ danh dự, nhưng giờ đây đã trở thành một trục quyền lực khác trong hệ thống chính trị Campuchia”.

Tiếp tục đàn áp dân chủ

Ông Hun Manet tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, trong nhiều năm đã được người cha đào tạo bằng cách trao cho những chức vụ quan trọng. Nụ cười và giọng nói hiền lành của Hun Manet trái ngược hoàn toàn với gương mặt nghiêm nghị của ông Hun Sen. Hun Sen thường dùng biện pháp mạnh trấn áp các nhà báo đưa tin về các vấn đề nhân quyền và tham nhũng.

Giáo sư Sophal Ear tại Đại học bang Arizona Mỹ, cho biết ông Hun Manet đã áp dụng “cách tiếp cận kỹ trị và chừng mực hơn” so với phong cách độc tài của cha mình.

Giáo sư Ear tin rằng “dường như có quyền lực kép, trong đó ông Hun Sen vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể đối với các quyết định quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính sách đối ngoại và an ninh”.

Theo giáo sư, nếu ông Hun Manet chịu trách nhiệm quản lý hàng ngày thì các quyết định chiến lược quan trọng hơn sẽ có sự tham gia của hai cha con.

Nhiều chuyên gia cho rằng những thách thức mà ông Hun Manet phải đối mặt bao gồm: phục hồi kinh tế, các vấn đề về hiệu quả hoạt động trong nội bộ đảng, và sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và các nước phương Tây.

Kể từ năm 2023, việc chế độ đàn áp các đối thủ và những người chỉ trích vẫn tiếp tục. Ví dụ, nhà báo Mech Dara từng đoạt giải thưởng về điều tra nạn buôn người liên quan đến lừa đảo trực tuyến, đã bị bắt vào tháng 9 năm nay với cáo buộc tội “kích động bạo loạn”.

Vào tháng 7, một lãnh đạo phe đối lập đã bị phạt 1,5 triệu USD vì nói rằng tình hình dân chủ của Campuchia đang “xấu đi” dưới sự cai trị của ông Hun Manet.