Con đường nhập cư châu Âu yêu thích của giới nhà giàu Trung Quốc đang dần biến mất
- Bình Minh
- •
Bồ Đào Nha là một điểm dừng chân tốt cho những người Trung Quốc giàu có, muốn thoát khỏi sự phong tỏa của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sự ngột ngạt và căng thẳng chính trị ở Trung Quốc. Thời tiết ôn hòa, lối sống thoải mái, giá cả phải chăng và thị thực nhà đầu tư cho phép nhập cảnh khắp EU – tất cả chỉ với 350.000 Euro (khoảng 8 tỷ VNĐ).
Lợi thế này đã thu hút hàng ngàn người Trung Quốc trong thập kỷ qua. Nhờ vậy, vào thời kỳ đỉnh cao năm 2014, Chính phủ Bồ Đào Nha có thể nhận được 1 tỷ USD tiền đầu tư mỗi năm.
8 năm trôi qua, làn sóng này đang dần biến mất.
Con đường nhập cư của người giàu Trung Quốc bị thu hẹp
Không phải là Golden Visa (Thị Thực Vàng) của Bồ Đào Nha thiếu nhu cầu. Ngược lại, khi chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm suy yếu nền kinh tế, nhiều người giàu Trung Quốc đang tìm cách rời đi, hoặc ít nhất là đang cân nhắc một kế hoạch dự phòng như vậy.
Các nhà tư vấn và luật sư về vấn đề di dân ở Trung Quốc cho biết, các yêu cầu đã tăng gấp 3 – 5 lần so với năm ngoái trong mùa xuân vừa qua khi Thượng Hải bị phong tỏa. Theo một số ngân hàng, các yêu cầu về chuyển tiền ra nước ngoài cũng tăng theo cấp số nhân.
Công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners ước tính rằng trong năm nay, 10.000 cư dân có giá trị ròng cao đang tìm cách rút 48 tỷ USD khỏi Trung Quốc. Trong quá khứ, một số người đã sử dụng chương trình Golden Visa như một lối thoát.
Tuy nhiên, hiện nay, các trở ngại đang gia tăng từ chính phủ 2 phía. Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng trở nên rõ ràng hơn về việc thắt chặt các chương trình cư trú và quốc tịch theo đầu tư.
Các luật sư về nhập cư cho biết việc di cư đang trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây do thời gian xử lý hộ chiếu tăng lên và các yêu cầu về giấy tờ cũng trở nên khó khăn hơn. Việc chuyển một số tiền lớn ra khỏi Trung Quốc cũng trở nên khó hơn sau khi bị các đối tác nước ngoài rút vốn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, hiện đang cảnh báo rằng các giá trị của khu vực này “không phải để bán”.
10 quốc gia thành viên hiện đang đưa ra các kế hoạch như vậy dưới một số hình thức khác nhau. Cộng hòa Síp và Malta đã loại bỏ chương trình Thị Thực Vàng của họ sau khi bị EU giám sát. Quy trình đăng ký của Bồ Đào Nha yêu cầu phỏng vấn trực tiếp, điều gần như không thể thực hiện được trước các hạn chế đi lại dưới thời đại dịch của ĐCSTQ.
Áp lực kép này khiến những người giàu nhất Trung Quốc ngày càng có ít sự lựa chọn hơn. Năm 2022, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không còn là nhóm lớn nhất có được thị thực vàng của Bồ Đào Nha.
Chương trình Thị Thực Vàng của Bồ Đào Nha được hình thành cách đây một thập kỷ. Vào thời điểm đó, quốc gia này đang nỗ lực khôi phục hệ thống tài chính công của mình, sau khi nhận được gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu vào năm 2011.
Một phần khác của kế hoạch này là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả tổng hợp là chào đón làn sóng đầu tư lớn nhất của Trung Quốc mà nước này từng chứng kiến.
Giới siêu giàu của Trung Quốc đã đặt cược lớn và giành được cổ phần trong lĩnh vực phân phối năng lượng, chăm sóc sức khỏe, tài chính, xây dựng và hàng không của Bồ Đào Nha. Các số liệu chính thức cho thấy, Bồ Đào Nha đã cấp khoảng 10.000 thị thực đầu tư kể từ năm 2012, hầu hết đều dành cho công dân Trung Quốc.
Chương trình của Bồ Đào Nha cấp quyền cư trú, để đổi lấy những người nộp đơn có khoản đầu tư bất động sản tối thiểu là 350.000 Euro (358.400USD), hoặc một quỹ mạo hiểm 500.000 Euro được địa phương phê duyệt. Yêu cầu đầu tư thấp nhất ở châu Âu chỉ sau Hy Lạp này thường được sử dụng như một bàn đạp để có được quốc tịch EU.
Tuy nhiên, chỉ có 16% người nộp đơn thành công trong năm nay là người Trung Quốc, giảm so với 81% trong năm 2014, theo số liệu từ Sở Di trú Bồ Đào Nha và trang web Nhập cư của Business Inside.
Bồ Đào Nha buộc phải thay đổi quy tắc sau khi Trung Quốc tràn vào
Theo Bloomberg, ông Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu của Đại học Harvard, cho biết điều này hoàn toàn đối lập so với đầu những năm 2010. Khi đó các quốc gia như Bồ Đào Nha đều đẩy các công ty quốc doanh ra khỏi hầu hết mọi lĩnh vực.
Năm 2016, ông cũng có mặt tại đó khi Lusa – hãng thông tấn công cộng của Bồ Đào Nha, ký thỏa thuận hợp tác với Tân Hoa Xã – kênh truyền thông của ĐCSTQ. Hiện giờ một thỏa thuận như vậy có vẻ khó xảy ra.
Bắt đầu từ năm nay, Bồ Đào Nha đã hạn chế chương trình Thị Thực Vàng ở Thủ đô Lisbon, thành phố Porto và các khu vực ven biển mật độ cao, đẩy đầu tư vào các vùng nông thôn kém phát triển.
Bà Alexandra Victoria-Bonte, đồng sáng lập công ty One Stop Properties có trụ sở tại Lisbon, cho biết giới chức Bồ Đào Nha buộc phải thay đổi các quy định vì nhiều nhà đầu tư đưa tài sản của họ lên Airbnb hoặc bỏ trống.
Điều này làm dấy lên lo ngại về tác động đối với cộng đồng địa phương và khả năng chi trả nhà ở. Đặc biệt là ở Lisbon, nhiều người dân địa phương bị người nước ngoài đẩy ra ngoài.
Theo Bloomberg, ông Paulo Silva, người đứng đầu công ty tư vấn bất động sản Bồ Đào Nha Savills cho biết, thị thực vàng hiện chỉ chiếm 3% các giao dịch bất động sản ở Bồ Đào Nha.
Ông Luis Santos, đối tác quản lý của Alpac Capital – công ty chuyên nghiên cứu các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Bồ Đào Nha, cho biết ban đầu ít người chất vấn về sự thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc. Nhưng nó đã thu hút nhiều sự chú ý hơn khi Hoa Kỳ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù sự nhiệt tình của Bồ Đào Nha đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đã giảm đi đáng kể, nhưng giới siêu giàu của Trung Quốc dường như vẫn phải lòng Bồ Đào Nha. Bloomberg đưa tin, theo bà Anabela Campos, đồng tác giả cuốn “Negocios da China“ (Nghiệp vụ Trung Quốc), gần đây nhà sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, đã đến thăm Lisbon nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư khả thi.
Từ khóa Người Trung Quốc Di dân Bồ Đào Nha Người giàu Trung Quốc Dòng sự kiện