Cuộc đối đầu giữa Binh pháp Trung Quốc và Nghệ thuật đàm phán
- Trọng Đạt
- •
Ngạn ngữ Nhật có câu: “Ưng giỏi thì giấu vuốt”. Năm 1980 khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn nhỏ hơn của Hà Lan, Đặng Tiểu Bình phát động chính sách phát triển kinh tế rầm rộ với khẩu hiệu nổi tiếng: “Hãy giấu tài, dưỡng sức, chờ thời”. Con rồng Trung Quốc đã thức giấc, nhưng thay vì trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng kinh tế thế giới như lời Thứ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ Robert Zoellick tiên đoán năm 2005, Trung Quốc đã áp dụng những chính sách quân sự, kinh tế và chính trị bành trướng và lươn lẹo trên khắp thế giới, cũng như trong cuộc cạnh tranh và đối đầu với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia quốc yến tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 9/11/2017
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo thang, Mỹ và Trung Quốc dường như đang đứng trên 2 chiến tuyến của một cuộc xung đột toàn diện, bao gồm cả sự đối đầu trong ý thức hệ mà thế giới chưa từng chứng kiến từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy cuộc đối đầu đang manh nha giữa một thế lực mới nổi và một siêu cường cũ:
- Trung Quốc đã, đang quân sự hóa biển Đông bất chấp lời hứa của ông Tập Cận Bình sẽ không làm như vậy tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, khi gặp Tổng thống Obama năm 2015. Trung Quốc cũng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
- Năm 2015, Trung Quốc bị tố cáo đã tấn công Văn phòng Quản lý Nhân sự của Nhà Trắng và lấy cắp dữ liệu nhân sự chính phủ Hoa Kỳ. Hồi tháng 8/2017, FBI bắt một công dân Trung Quốc bị nghi giúp tạo ra phần mềm độc hại (malware) trong vụ tấn công trên.
- Trung Quốc làm nhái hàng Mỹ và ăn cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ thông qua hoạt động gián điệp. Bắc Kinh đặt ra luật lệ yêu cầu công ty Mỹ chia sẻ bí mật công nghệ với phía Trung Quốc để đổi lấy việc được tiếp cận thị trường nước này. Việc ăn cắp tác quyền tại Trung Quốc, vốn được bảo vệ bởi bằng sáng chế, ăn cắp bản quyền và thương hiệu, là tấn công trực tiếp tới nền pháp luật của Hoa Kỳ và khiến Mỹ tổn hại tới 600 tỷ USD một năm.
- Mỹ hiện bị vây hãm bởi tình báo và gián điệp Trung Quốc, những cá nhân và đơn vị lợi dụng mạng lưới trong ngành khoa học, học thuật và kinh doanh để xâm nhập vào các lĩnh vực phát minh, công nghệ và quân sự của Mỹ. Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, “Nhìn từ phương diện phản gián, Trung Quốc mang lại mối đe dọa lớn nhất và thách thức nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt”. Sự xâm nhập của tình báo kinh tế Trung Quốc được tiến hành ở cả 50 bang, ở “tất cả mọi thứ từ hạt ngô ở Iowa cho tới tua-bin gió tại Massachusetts”.
- Tờ Trung Hoa Nhật Báo đã đăng một bài dài 4 trang trên mục China Watch, phụ bản của tờ Des Moines Register – một tờ báo nổi tiếng của bang Iowa, Hoa Kỳ. Nội dung bài báo chỉ trích việc Mỹ đánh thuế và cảnh báo thương chiến đang khiến “các nhà nhập khẩu Trung Quốc nhìn về Nam Mỹ”. Bắc Kinh trắng trợn đề dòng “hoàn toàn được trả tiền và soạn thảo bởi Trung Hoa Nhật Báo, một ấn bản của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa”. Chính quyền Trung Quốc ngang nhiên sử dụng quyền tự do ngôn luận được pháp luật Mỹ bảo vệ nhưng lại chối bỏ quyền này của chính nhân dân mình, để tìm cách can thiệp vào ngôn luận chính trị của Hoa Kỳ.
- Sử dụng Một vành đai – Một con đường như bình phong để rải bẫy nợ, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự lên khắp thế giới, từ Châu Á tới Châu Phi, nơi Trung Quốc gần đây mới mở một căn cứ quân sự ở Djibouti, một vị trí hiểm yếu có thể đe dọa lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.
- Trung Quốc đã tìm cách áp đặt chủ quyền mạng thông qua “Vạn lý tường lửa”. Năm ngoái, Trung Quốc thông qua luật an ninh mạng yêu cầu các nhà mạng nước này phải tiết lộ thân phận của người dùng. Các công ty trong nước và nước ngoài cũng phải nộp báo cáo an ninh mạng và lưu trữ dữ liệu khách hàng tại Trung Quốc. Trung Quốc không cho phép người dân của họ quyền tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thế giới mạng. Chính phủ đầu tư những hệ thống phức tạp và khoản tiền khổng lồ để định hướng, dẫn dắt và phá hủy tư duy tự do của người dân.
Khác với các chính quyền Obama và Clinton, chính quyền Trump đã nhìn thẳng vào “con ưng đang nhe vuốt” Trung Quốc và coi đó là mối đe dọa hàng đầu. Trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc đã vừa có thế, vừa có lực, nghệ thuật đàm phán của Trump được áp dụng như thế nào?
Trong bài phát biểu gần đây, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence trình bày chiến lược đối đầu với mối đe dọa rộng khắp của Trung Quốc tới an ninh quốc gia Mỹ. Với Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2018, Mỹ tập trung vào việc hợp tác quân sự với các đồng minh tại Châu Á, cũng như chuyển trọng tâm đối đầu Trung Quốc tại Biển Đông, mặt trận chiến tranh mạng và kinh tế. Khi mà con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tạo ra các quốc gia vệ tinh lấy Trung Quốc làm trung tâm, thì những liên minh đa – song phương của ông Trump dần dần được dựng lên trên một nguyên tắc vững chắc và rạch ròi: công bằng, đối ứng, đôi bên cùng có lợi, những nguyên tắc tôn trọng đối phương và có thể gắn kết các quốc gia hơn nhiều việc áp dụng ngoại giao bẫy nợ rồi thôn tính chủ quyền mà Trung Quốc đang tiến hành.
Trên mặt trận tư tưởng, ông Trump cũng sẽ đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc. Luật pháp quốc tế yêu cầu tôn trọng chủ quyền và nội bộ của một quốc gia, nhưng đặt ngoại lệ là vấn đề nhân quyền mà Trung Quốc là một trong những quốc gia xâm phạm nhiều nhất. Thông qua tiềm lực kinh tế và đe dọa quân sự, Trung Quốc đang tổ chức những chiến dịch tinh vi nhất để truyền bá học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra khắp thế giới, thậm chí là ở Mỹ và Châu Âu. Nhưng xu hướng “Trung hóa” này đang bị chặn đứng ở Mỹ. Các viện Khổng tử đang lần lượt bị đóng cửa khắp nước Mỹ, chính quyền Trump đang dẫn đầu xu hướng quay trở lại truyền thống nước Mỹ, yêu nước, yêu Chúa, tôn trọng các giá trị thị trường tự do, tư hữu, tự do cá nhân, hoàn toàn đối chọi với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ.
Chiến dịch rải bẫy nợ của Trung Quốc với mục tiêu tạo ra các nước phụ thuộc, một kiểu chư hầu thời hiện đại, không những không tạo ra được các đồng minh tin cậy mà ngày càng khiến các nước nhỏ hơn nghi ngờ. Malaysia đã tuyên bố dừng các dự án tỷ đô với nhà thầu Trung Quốc vì lo ngại không trả được nợ. Đầu tư của Trung Quốc tại Maldives đang gặp trở ngại. Thêm nữa, Mỹ đã quyết định dành 60 tỷ USD để “đấu” với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại các nước nghèo Châu Phi và Châu Á. Đạo luật BUILD mới của Trump sẽ cho các nước nghèo, đang phát triển một cơ hội khác để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế ngoài lựa chọn rủi ro hơn là “chơi với Trung Quốc”.
Trung Quốc rất muốn chứng kiến sự giảm thiểu, nếu không nói là biến mất luôn hẳn quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc được cho là đã nắm giữ sinh mạng của chế độ Bắc Hàn, vốn là lá chắn ngầm của Bắc Kinh trước các đòn tấn công của Washington. Nghệ thuật trong đàm phán của Trump là khi ông “ve vãn” Trung Quốc và kết bạn với ông Tập Cận Bình để giải quyết trước, triệt để mối nguy số một của Mỹ khi đó là tên lửa hạt nhân Bắc Hàn. Kế sách kiểu như “điệu hổ ly sơn” của Trump đã giúp ông có được cuộc gặp trực tiếp với kẻ độc tài ẩn giật khét tiếng Kim Jong Un, và có được một “fair deal” (thỏa thuận công bằng) với Kim ngay trực tiếp chứ không phải thông qua Trung Quốc. Những gì diễn ra sau cánh gà trong cuộc gặp giữa 2 người vào tháng 6/2018 tại Singapore có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ, nhưng chỉ 4 tháng sau, chính quyền Trump tuyên bố Trung Quốc mới là mối đe dọa số 1 của họ, chứ không còn là Bắc Hàn nữa. Trung Quốc, tưởng rằng mình luôn là kẻ giật dây, đã bị ông Trump giật lại. Hai miền Triều Tiên đã loan báo sẽ giải giáp binh lính, một đường ray nối hai miền sẽ sớm được dựng lên. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên kết thúc, và Trung Quốc đã đánh mất con bài quý giá nhất mà họ nuôi dưỡng từ hơn nửa thập kỷ qua.
Từ Hy Lạp cổ đại cho tới Thế chiến II, các bài học lịch sử cho ta thấy rằng cuộc đối đầu giữa một cường quốc mới nổi và một siêu cường cũ rất dễ biến thành xung đột quân sự. Giống như cuộc chiến giữa giữa Sparta và Athens tại Hy Lạp cổ xưa, theo giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard, chiến tranh Mỹ-Trung vẫn có nhiều khả năng xảy ra hơn là không. Để tránh cái Bẫy Thucydides, Mỹ phải linh hoạt trong việc cạnh tranh, đối đầu và tác động có hiệu quả tới sự nổi lên của Trung Quốc để tránh một cuộc đụng độ quân sự trong khi bảo vệ toàn vẹn lợi ích Mỹ.
Trọng Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump nghệ thuật đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ Trung