Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) sẽ nhậm chức vào thứ Hai tới (20/5), chính quyền Biden thông báo sẽ cử một phái đoàn đến tham dự lễ nhậm chức. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đi với tư cách cá nhân.

Mike Pompeo
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo làm chứng trong phiên điều trần trước Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Cuộc cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đồi Capitol, ngày 30/1/2024 ở Washington, DC. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Chia sẻ với VOA, ông Pompeo cho biết muốn nói với tân tổng thống rằng miễn là đặt Đài Loan lên hàng đầu, ông Lại Thanh Đức sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân Mỹ.

Ông Pompeo hiện là thành viên nổi bật tại Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson. Hôm thứ Tư (15/5), ông nói với VOA rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục thông lệ trước đây, cho phép các phái đoàn đến Đài Loan.

Ông Pompeo nói, điều thú vị là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cảm thấy không thoải mái với việc người Mỹ đến thăm Đài Loan. Sự không hài lòng cho thấy điểm yếu cốt lõi của họ. Nếu không thể chấp nhận được ngay cả việc ai đó đi du lịch đến Đài Loan, thì điều đó sẽ cho mọi người biết rằng ĐCSTQ coi việc nắm giữ quyền lực của mình là rất mong manh và đầy rủi ro.

Cựu ngoại trưởng nói, ông Tập Cận Bình không đại diện cho đại đa số người dân Trung Quốc.

Hôm thứ Hai (13/5), trong cuộc họp báo, chính quyền Biden nói với giới truyền thông rằng họ sẽ làm theo tiền lệ, và cử một phái đoàn gồm các cựu quan chức Bryan Deese, Richard Armitage, cùng cựu Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan Richard Bush và Chủ tịch đương nhiệm Laura Rosenberger tới Đài Bắc, để dự lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức.

Hãng AP đưa tin, hôm thứ Ba (14/5), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), nói với giới truyền thông rằng: “Cách Hoa Kỳ đối xử với chính quyền Đài Loan vào ngày 20/5 và sau đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình trên eo biển Đài Loan và các chính sách tương lai trong quan hệ Mỹ – Trung”.

Ông kêu gọi Hoa Kỳ thực hiện lời hứa của Tổng thống Biden là không ủng hộ “sự độc lập của Đài Loan”.

Cựu Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông sẽ tới Đài Bắc với tư cách cá nhân để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Lại Thanh Đức.

Ông Pompeo đã tham dự một hội nghị chuyên đề về “Luật chống ly khai” của ĐCSTQ chống lại Đài Loan do Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson tổ chức vào ngày hôm đó.

Ông không biết ĐCSTQ sẽ làm gì trước và sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức, nhưng nếu có thì cũng không phải vì việc người Mỹ sang Đài Loan.

Ông nói, đó là vì ông Tập Cận Bình là một nhà độc tài độc ác muốn hủy hoại cuộc sống và hạnh phúc của người dân Đài Loan. Ông giải thích rằng ĐCSTQ luôn bị ám ảnh bởi việc thống nhất Đài Loan.

Cựu Ngoại trưởng nhận định, điều này là sai trái và vô đạo đức, vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm tất cả các cam kết mà Hoa Kỳ và Đài Loan đã đưa ra trong nhiều thập kỷ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư (15/5), người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ sẽ cử phái đoàn không chính thức tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Lại Thanh Đức.

Cô Jean-Pierre nói, Hoa Kỳ mong muốn được làm việc với chính quyền của ông ấy, cùng thúc đẩy lợi ích và giá trị chung, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ không chính thức lâu đời giữa hai nước.

Theo thông lệ trước đây, Hoa Kỳ sẽ cử một phái đoàn không chính thức đến tham dự lễ nhậm chức. Cô cho biết, Bộ Ngoại giao hiện đang xử lý sự việc.

“Luật chống ly khai”

Hôm thứ Tư (15/5), trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao dưới thời Pompeo, hiện là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cho biết rằng ông Lại Thanh Đức đã nhấn mạnh rằng ông sẽ không tuyên bố độc lập, nên ĐCSTQ không có lý do gì để phản ứng thái quá.

Ông nói rằng ĐCSTQ cáo buộc Đảng Dân Tiến là một “nhóm phần tử nhỏ” đòi độc lập cho Đài Loan. Nhưng yêu cầu dân chủ của người dân Đài Loan là rất rõ ràng, tỷ lệ tham gia bầu cử cũng cao nhất trong số tất cả các nền dân chủ mới nổi.

Ông nói: “Một ngày nào đó, tôi nghĩ rằng khi Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục đạt đến cùng một cấp độ về hệ thống chính trị và tự do, việc thống nhất hay không sẽ là chuyện tự nhiên.”

Ông cho rằng tổ chức một cuộc thảo luận về “Luật chống ly khai” là điều đương nhiên. Không phải là việc khiêu khích bên nào, mà là hy vọng thúc đẩy hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Tại hội nghị chuyên đề về “Luật chống ly khai”, hai Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ là ông Tom Cotton và bà Marsha Blackburn đều đề cập rằng “Luật chống ly khai” của ĐCSTQ chỉ được Bắc Kinh sử dụng để tạo cớ phát động một cuộc chiến vũ trang tấn công Đài Loan.

Hoa Kỳ nên tăng cường khả năng quân sự và hỗ trợ Đài Loan tăng cường khả năng răn đe, tăng cường hợp tác kinh tế với Đài Loan để cải thiện khả năng phục hồi của Đài Loan và giúp mở rộng sự tham dự quốc tế của Đài Loan.

Thượng nghị sĩ Blackburn nói, tất nhiên Trung Quốc không được quản lý bằng luật pháp, mà được quản lý bởi tư tưởng của ĐCSTQ. Vì vậy, “Luật chống ly khai” được sử dụng như một công cụ tuyên truyền có hại, giúp quan chức của ĐCSTQ che giấu những lời đe dọa hành động quân sự chống lại Đài Loan bằng một lớp vỏ hợp pháp.