Cựu Thống đốc của Solomon cảnh báo về quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
- Văn Phương
- •
Cựu thống đốc đảo Malaita của Quần đảo Solomon là ông Daniel Suidani, người đã bị cách chức vì phản đối sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho biết các nước đang hợp tác với Trung Quốc cần phải rất cẩn thận, vì hành xử của họ thường xung khắc các giá trị của cộng đồng quốc tế.
Ông Suidani nói với Epoch Times: “Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa vô thần, không tin vào Chúa, chúng ta cần phải rất cẩn thận về điều này [cho dù] chúng ta cần hữu nghị với những bên có các giá trị và nguyên tắc khác nhau”.
Ông Sudani là Thống đốc của Malaita, tỉnh đông dân nhất ở Quần đảo Solomon. Vào tháng 10/2019, văn phòng của ông đã đưa ra “Thông cáo Auki” nhằm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc. Thông cáo Auki khẳng định các quyền và tự do cơ bản của người dân Malaita, bao gồm sự bảo vệ của pháp luật, cũng như quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, đồng thời bác bỏ ý thức hệ của ĐCSTQ. Thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và chủ quyền của Malaita khỏi “các nhà đầu tư bóc lột”, bao gồm bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh khỏi sự khai thác quá mức của các công ty có liên hệ với ĐCSTQ, chẳng hạn như nạn phá rừng.
Tuy nhiên, sự xâm nhập liên tục của ĐCSTQ đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Quần đảo Solomon là Manasseh Sogavare trong vài năm qua áp dụng một loạt chính sách thân hơn với Bắc Kinh, bao gồm cả quyết định vào tháng 9/2019 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ dân chủ Đài Loan .
Ông Sudani vì chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ mà bị ảnh hưởng, bị cách chức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây tranh cãi vào tháng 2/2023. Một bài báo được công bố trên tờ Solomon Star cũng vu khống rằng ông thông đồng với Chính phủ Đài Loan và Mỹ trong âm mưu ám sát Thủ tướng. Ông Sudani cho biết vu khống đó cho Chính phủ Solomon lý do để bắt giữ ông.
Can thiệp nghiêm trọng từ ĐCSTQ
Khi Chính phủ Quần đảo Solomon xích lại gần hơn với Bắc Kinh cũng là lúc can thiệp từ ĐCSTQ có thời cơ không ngừng gia tăng.
Vào tháng 8/2022, Chính phủ ông Sogavare đã đồng ý vay 66 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng 161 tháp viễn thông của Huawei trên khắp đất nước, trong kế hoạch này bao gồm 24 tháp viễn thông ở tỉnh Malaita nhưng cuối cùng bị ông Sudani khi đó là Thống đốc tỉnh này từ chối.
Một báo cáo vào tháng 2/2023 của Tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Dân chủ (FDD), có trụ sở tại Washington D.C., cho biết ĐCSTQ đã sử dụng quỹ đen để mua chuộc 39 trong số 50 nghị sĩ của Quần đảo Solomon, đủ để khiến Chính phủ ông Thủ tướng Sogavare phải hoãn các cuộc bầu cử quốc gia đã lên lịch cho năm nay.
Chia sẻ với tờ Epoch Times, cố vấn Celsus Talifilu của ông Sudani chỉ ra rằng ĐCSTQ đã thâm nhập vào Quần đảo Solomon ở mức độ chưa từng có bằng cách sử dụng các phương pháp như: mua chuộc giới tinh anh, qua các biện pháp hợp pháp và nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau.
Canada cũng đã cảm nhận tác động từ can thiệp của Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Canada gần đây đưa tin rằng Bắc Kinh đã cố gắng can thiệp vào hai cuộc bầu cử vừa qua là cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021. Theo tin từ Global News (Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Canada) vào tháng 11/2022, các nguồn tin an ninh quốc gia Canada tiết lộ rằng trong cuộc bầu cử năm 2019, ĐCSTQ đã cung cấp tiền cho ít nhất 11 ứng viên liên bang.
Đấu tranh cho tự do
Trong vài tuần qua, ông Sudani đã luôn du lịch ở Bắc Mỹ. Khi đến Canada vào ngày 20/5 qua, ông nói vẫn kiên định trong việc bảo vệ đất nước của mình, đồng thời kêu gọi mọi người từ khắp các cộng đồng đa dạng của Canada cùng nhau chống lại sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh.
“Tôi rất yêu đất nước mình”, ông Sudani nói, “Và đó là lý do tại sao chúng ta cần tiếp tục truyền bá thông điệp về tự do”. Ông cũng nói: “Động lực khiến tôi tiếp tục, là chúng tôi muốn có các quyền tự do giống như người dân Bắc Mỹ và Đài Loan. Chúng tôi muốn trở thành một phần của một xã hội dân chủ được hưởng các quyền tự do như nhau”.
Ông Sudani kêu gọi người dân Canada tích cực tìm hiểu sự thật [về ĐCSTQ] và kiên cường đoàn kết đối mặt với hành vi ác ý và phá hoại từ Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta cần sát cánh cùng nhau chống lại những kẻ này (những “cánh tay nối dài” của ĐCSTQ), như thế chúng ta mới có thể sát cánh cùng nhau vì tự do, chúng ta mới kỳ vọng con cháu của mình có được tự do”.
Từ khóa Quần đảo Solomon Quan hệ Trung Quốc - Solomon Daniel Suidani