Đại sứ TQ cảnh báo New Delhi “chắc chắn sẽ thất bại” nếu chống lại Bắc Kinh
- Nhật Minh
- •
Đặc phái viên hàng đầu của Bắc Kinh tại New Delhi đã nhắc nhở Ấn Độ nên duy trì “quyền tự chủ chiến lược” thay vì tham gia bất kỳ liên minh nào chống lại nước láng giềng của mình. Lời nhắn này được đưa ra vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ tập trung tại Washington trong Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên, với Bắc Kinh là mục tiêu được các bên nhắm tới.
Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm “tập hợp và trấn áp Trung Quốc” sẽ “thất bại” – một tuyên bố ám chỉ Đối thoại An ninh Tứ giác do Hoa Kỳ lãnh đạo.
“Điều đáng chú ý là một số quốc gia đang đi ngược lại xu hướng”, ông Sun nói với hơn 100 đại diện từ các cộng đồng kinh doanh, văn hóa và học thuật ở Ấn Độ trong một cuộc họp trực tuyến hôm thứ Tư (29/9).
“Vì ích kỷ, họ giữ tâm lý chiến tranh lạnh có tổng bằng không, ráo riết tìm kiếm các liên minh quân sự và bè phái khép kín và độc quyền về ý thức hệ trong vòng tròn nhỏ để nhắm vào bên thứ ba, gây ra các cuộc chạy đua vũ trang, căng thẳng, chia rẽ và đối đầu trong khối, biến châu Á – Thái Bình Dương thành một đấu trường của các cường quốc và gây mất ổn định thế giới,” ông Sun nói, theo bản ghi được công bố trên trang web của đại sứ quán.
“Những hoạt động này sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ và chẳng dẫn đến đâu.”
Ông Sun cảnh báo rằng Ấn Độ nên duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình và không tham gia các liên minh khép kín và độc quyền hoặc ‘bán liên minh’ chống lại Trung Quốc.
Trong hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần trước, bốn nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã lặp lại cam kết của họ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở “không bị chèn ép” – một lời chỉ trích đối với Trung Quốc.
“Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ cho biết trong một tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh.
Bắc Kinh đang lo ngại sâu sắc về các “bè phái” mà họ coi là một phần trong chiến lược của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ kể từ tháng 6 năm ngoái khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao tranh tại khu vực biên giới nằm ở phía Tây dãy Himalaya, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Hai quốc gia đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc cải thiện mối quan hệ kể từ đó, và tình trạng bất ổn vẫn tiếp tục.
Đã có báo cáo rằng hai bên đang tăng cường xây dựng lực lượng quân sự dọc theo biên giới tranh chấp, làm dấy lên lo ngại họ có thể đụng độ một lần nữa trước mùa đông, SCMP đưa tin.
Hôm thứ Tư, ông Sun nói rằng việc hai nước có những khác biệt là bình thường, nhưng họ nên quản lý các tranh chấp và cùng nhau hướng tới sự ổn định.
Ông Sun nói: “Chúng ta nên đặt các vấn đề biên giới vào đúng vị trí trong quan hệ song phương và tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và có thể chấp nhận được thông qua tham vấn bình đẳng”.
Ông kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hợp tác chống đại dịch, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu cũng như thương mại song phương.
Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng di động của Trung Quốc vì lý do an ninh và tìm cách hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty và lĩnh vực nhạy cảm, nhưng ông Sun cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ có thể hưởng lợi từ sự hợp tác nhiều hơn.
Nhật Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ Bộ tứ kim cương Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong