Đảng Dân chủ muốn TT Biden từ bỏ quyền độc nhất về ra lệnh tấn công hạt nhân
- Như Ngọc
- •
Hàng chục thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ đã ký vào một bức thư yêu cầu Tổng thống Joe Biden từ bỏ quyền độc nhất của ông ta về ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ cũng đề nghị “xem xét sửa đổi” quyền chỉ huy và kiểm soát các lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Theo tờ Politico, lá thư do Dân biểu Dân chủ Jimmy Panetta (bang California), cùng hàng chục dân biểu Dân chủ khác ký tên, tuyên bố: “Việc trao cho một cá nhân quyền này sẽ dẫn đến các rủi ro thực sự. Các tổng thống [Mỹ] trước đây đã từng đe dọa tấn công các quốc gia khác bằng vũ khí hạt nhân hoặc đã từng biểu lộ cách hành xử khiến cho các quan chức khác phải bày tỏ quan ngại về óc suy xét của tổng thống đương nhiệm”.
Lá thư nói thêm rằng: “Mặc dù mọi tổng thống có lẽ sẽ tham vấn các cố vấn trước khi ra lệnh tấn công hạt nhân, nhưng không có yêu cầu [bắt buộc] phải làm vậy. Quân đội [Mỹ] có nghĩa vụ phải thực hiện lệnh [của Tổng thống] nếu họ đánh giá lệnh đó là hợp pháp theo các bộ luật chiến tranh. Căn cứ vào thực trạng hiện tại của lực lượng hạt nhân Hoa Kỳ, cuộc tấn công [hạt nhân] như thế sẽ xảy ra trong vài phút”.
Dân biểu Jimmy Panetta hôm thứ Tư (24/2) cũng đã viết trên Twitter: “Tôi đang kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ phải thiết lập [cơ chế] kiểm soát và đối trọng trong cấu trúc ra lệnh-và-kiểm soát [lực lượng] hạt nhân của chúng ta. Các tổng thống [Mỹ] trước đây đã từng đe dọa tấn công hạt nhân các quốc gia khác hoặc biểu lộ cách hàng xử đáng quan ngại, làm dấy lên nghi ngờ về óc suy xét của họ”.
ICYMI: I’m calling on @POTUS to install checks & balances in our nuclear command-and-control structure.
Past presidents have threatened nuclear attacks on other countries or exhibited concerning behavior that cast doubt on their judgment. Read more: https://t.co/Ntk8uvRqxO
— Rep. Jimmy Panetta (@RepJimmyPanetta) February 24, 2021
Theo lá thư nêu trên, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã đề xuất cần quy định nhiều quan chức hơn nữa – trong đó có phó tổng thống và chủ tịch Hạ viện – có vai trò trong việc “ra lệnh phóng [hạt nhân]”. Họ cũng đưa ra lập trường cần phải “yêu cầu xác nhận từ bộ trưởng quốc phòng rằng lệnh phóng [vũ khí hạt nhân] là hợp lệ và xác nhận từ tổng chưởng lý rằng lệnh đó là hợp pháp”. Các dân biểu này còn đề nghị rằng việc ra lệnh tấn công hạt nhân cần phải có tuyên bố chiến tranh của Quốc hội hoặc ủy quyền đặc biệt khác từ cơ quan lập pháp liên bang.
Từ hồi tháng Một, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tuyên bố bà có trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Đại tướng Mark Milley về việc ngăn chặn không cho Tổng thống Donald Trump tiếp cận mật mã hạt nhân.
Theo The Epoch Times, bà Pelosi nói bà đã nói chuyện với Tướng Milley hôm 5/1 “để thảo luận các biện pháp phòng ngừa sẵn có nhằm ngăn chặn một tổng thống bất ổn khỏi việc khởi xướng các hành vi thù địch quân sự hoặc tiếp cận các mật mã phóng [hạt nhân] và ra lệnh phát động một cuộc tấn công hạt nhân”.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của bà Pelosi, quyền lực độc nhất về ra lệnh tấn công hạt nhân thực tế vẫn duy trì cho Nhà Trắng kể từ khi Tổng thống Harry Truman ra lệnh ném hai quả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Đặc biệt, một trợ lý quân sự cầm vali màu đen – vali hạt nhân và thường được gọi là “nuclear football”, luôn đi theo sát tổng thống Mỹ. Một tổng thống Mỹ có quyền hợp pháp để có thể ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân bằng kho vũ khí của Mỹ, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm, và bom hạt nhân.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Đảng Dân chủ vũ khí hạt nhân Joe Biden Vali hạt nhân Dòng sự kiện