Đi ngược với đồng thuận quốc tế, Bắc Kinh chuẩn bị thừa nhận Taliban
- Thành Dung
- •
Các kênh truyền thông Mỹ đã biết rằng nếu Taliban thành công trong việc lật đổ chính quyền Kabul vốn được phương Tây ủng hộ, Trung Quốc sẵn sàng công nhận Taliban là kẻ thống trị hợp pháp của Afghanistan. Tiền cảnh này làm suy yếu cơ hội cuối cùng của chính quyền Biden trong việc kiểm soát mạng lưới phản loạn và chống lại chiến lược cô lập quốc tế và áp lực chính trị đối với Taliban của Mỹ.
Theo U.S.News đưa tin trích dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ và nước ngoài, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang chuẩn bị chính thức thiết lập quan hệ với các phần tử phản loạn Hồi giáo.
Trước đó, bằng các cuộc tấn công quân sự không ngừng, Taliban đã kiểm soát gần 2/3 lãnh thổ Afghanistan, bao gồm một nửa trong số 34 tỉnh, và tổ chức này đang áp sát Kabul.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 13/8 cho biết: “Nếu Taliban mong muốn được quốc tế công nhận tính hợp pháp, thì những hành động [của họ trên chiến trường] sẽ không đem đến cho họ tính hợp pháp mà họ theo đuổi. Họ có thể lựa chọn dốc toàn lực vào tiến trình hòa bình như họ đang làm với chiến dịch quân sự. Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục họ làm vậy.”
Bắc Kinh nhận được cam kết cần thiết từ Taliban
Đối với Bắc Kinh, họ đã đạt được thỏa thuận từ Taliban về việc không để bất kỳ chiến binh Duy Ngô Nhĩ nào ẩn náu ở Afghanistan và cố gắng gây ra xung đột ở miền tây Trung Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Tân Cương. Cam kết này vượt xa bất kỳ kết quả nào mà Mỹ có thể đạt được trong việc đối phó với các mối đe dọa đang diễn ra từ các thành viên Al-Qaida hợp tác với Taliban.
Bất kỳ hình thức ổn định nào ở Afghanistan cũng sẽ cho phép Trung Quốc hưởng lợi từ các khoản đầu tư kinh tế trước đây vào khu vực này, bao gồm cả quyền khai thác khoáng sản ở Afghanistan.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ giám sát việc tái thiết Afghanistan, ẩn chứa một quan điểm ít được biết đến rằng Trung Quốc gần đây đã gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế của họ ở Afghanistan, khuyến khích “Hành lang Wakhan” (Wakhan Corridor): Hoàn thành một con đường quốc lộ trên vùng đất liên kết hai nước. Báo cáo dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Công chính Afghanistan cho biết, “Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến đầu tư vào Afghanistan, đặc biệt là trong ngành khai thác mỏ, và con đường quốc lộ này cũng sẽ tốt cho việc này.” Taliban gần đây đã chiếm phần lớn đất đai khu vực này, rõ ràng là để kiểm soát các cửa khẩu biên giới ở miền bắc Afghanistan.
Một lý do khác khiến Trung Quốc tìm kiếm sự ổn định ở Afghanistan là họ đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khu vực ở nước láng giềng Pakistan, đây là một phần của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của ĐCSTQ. Trên thực tế, Pakistan dường như là trung tâm của mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Taliban, Bắc Kinh dựa vào đó để giải thích những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Ngược lại, thông qua đầu tư kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh vào Pakistan, Pakistan cũng chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là “Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan” (China-Pakistan Economic Corridor) đi qua khu vực phía bắc nơi mà mạng lưới Taliban tìm kiếm tị nạn, hiển nhiên, ít nhất là có một số đồng lõa với quân đội có ảnh hưởng của Pakistan.
Trung Quốc đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Pakistan trong một thời gian dài và Pakistan có biên giới vùng núi dài với Afghanistan. Nhiều người Afghanistan cho rằng Pakistan đã bí mật giúp đỡ Taliban bằng cách cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các trại huấn luyện của Taliban và hỗ trợ y tế cho các chiến binh bị thương.
Ismail Khan, một lãnh chúa lớn mạnh gần thành phố Herat kết đồng minh với Mỹ nói với hãng tin AP trong tuần này: “Tôi có thể công khai nói với người Afghanistan rằng cuộc chiến này không phải là giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Đây là cuộc chiến giữa Pakistan và dân tộc Afghanistan. Taliban là nguồn lực của họ và làm việc như người đầy tớ [cho Pakistan]”.
Đồng thời, Bắc Kinh có thể nhìn thấy cơ hội giao thiệp với kẻ thống trị tiếp theo không thể tránh khỏi của Afghanistan. Afghanistan tiếp giáp với Trung Quốc, nhưng về cơ bản vẫn chưa được khai thác trong kế hoạch mở rộng kinh tế khu vực của Bắc Kinh.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại công ty RAND, viết rằng: “Bắc Kinh được cho là đã tích cực tham gia với Kabul để xây dựng đường cao tốc Peshawar – Kabul, tuyến đường này kết nối Pakistan và Afghanistan khiến Kabul trở thành người tham gia vào kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Trung Quốc, tức sáng kiến ‘Một Vành đai, Một Con đường’.”
Ông Grossman chỉ ra: “Bắc Kinh vẫn đang xây dựng một tuyến đường cao tốc chính xuyên qua ‘Hành lang Wakhan’, đây là tuyến đường kết nối tỉnh Tân Cương phía tây Trung Quốc với khu vực vùng núi của Afghanistan, rồi thông với Pakistan và Trung Á để bổ sung cho mạng lưới đường bộ hiện có xuyên qua khu vực này của Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, những lối đi mới này sẽ cho phép Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng cường thương mại với khu vực này và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Afghanistan. Nếu Taliban lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi rất nhiều.”
Tháng trước, phát ngôn viên của Taliban là Suhail Shaheen cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Trung Quốc là một quốc gia thân thiện và chúng tôi hoan nghênh họ [hợp tác để] tái thiết và phát triển Afghanistan … Nếu [người Trung Quốc] có đầu tư, tất nhiên chúng tôi sẽ đảm bảo cho họ an toàn.”
Quốc tế kêu gọi tiến trình đàm phán hòa bình
Chính quyền Biden đã nhiều lần đe dọa Taliban rằng trừ khi tổ chức này quay trở lại tiến trình hòa bình để đạt được một giải pháp chính trị, nếu không sẽ không có “tính hợp pháp quốc tế”.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính quyền Kabul ở Qatar vẫn đình trệ, mặc dù các nhà ngoại giao vẫn đang nhóm họp, bởi vì Mỹ, các nước châu Âu và châu Á đã cảnh báo rằng những thành quả trên chiến trường sẽ không dẫn đến sự công nhận về mặt chính trị.
Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad đã tham gia cuộc đàm phán và cho biết: “Chúng tôi yêu cầu ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào các thành phố, thúc giục thực hiện giải quyết chính trị, đồng thời cảnh báo rằng một chính phủ áp đặt bằng vũ lực sẽ là một quốc gia bị loại trừ.”
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc kêu gọi Taliban dừng ngay cuộc tấn công và đàm phán “có thiện chí” để tránh một cuộc nội chiến kéo dài. Trong lời kêu gọi đầu tiên mạnh mẽ nhất đối với các nhóm chiến binh Hồi giáo, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng ông “vô cùng lo lắng trước những dấu hiệu ban đầu cho thấy Taliban đang áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các khu vực do họ kiểm soát, đặc biệt là nhằm vào phụ nữ và nhà báo”. Ông nói: “Đặc biệt đáng sợ và đau lòng khi thấy các báo cáo về việc các trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan bị tước đoạt các quyền mà họ không dễ dàng có được.”
Sự tiến công nhanh chóng của Taliban thể hiện sự sụp đổ đáng kinh ngạc của lực lượng Afghanistan sau khi Mỹ dành gần 20 năm và 830 tỷ USD để cố gắng thành lập một quốc gia hoạt động bình thường. Sau vụ tấn công khủng bố ở New York, Mỹ vào ngày 11/9/2001, quân đội Mỹ đã lật đổ Taliban vì Al Qaeda đã lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công ngày 11/9 dưới sự bao che của chính quyền Taliban.
Sự mong đợi ổn định của ĐCSTQ và cộng đồng quốc tế khác biệt thế nào?
Khi Mỹ rút quân, Bắc Kinh đã bắt đầu chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp mà họ cho là thực tế hơn. Những sự kiện khẩn cấp này sẽ khiến Bắc Kinh và Taliban có được thứ mà họ cần trong tương lai không xa. Những người nghiên cứu kỹ khu vực này không cảm thấy ngạc nhiên trước viễn cảnh này.
Ông Tyler Jost, giáo sư tại Đại học Brown, người nghiên cứu về các quyết sách an ninh quốc gia của Trung Quốc, cho biết: “Nếu bạn đoán rằng một chính phủ mới có khả năng lên nắm quyền, thì việc đặt ra một số điều kiện sẽ rất hữu ích nếu những người này lên nắm quyền thành công. Bạn có thể có được cơ hội tốt để thương lượng với họ. Trong trường hợp này, bất kỳ mối liên hệ tiềm năng nào giữa các tổ chức Hồi giáo và Tân Cương đều có thể trở thành tâm điểm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Đối với họ mà nói thì đây là ưu tiên cốt lõi.”
Các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức ĐCSTQ và các lãnh đạo Taliban đã trở nên thường xuyên hơn và rõ ràng hơn, bao gồm hội nghị cấp cao được tổ chức tại Thiên Tân, thành phố ven biển phía đông bắc Trung Quốc cách đây hai tuần. Tại hội nghị thượng đỉnh này, trên bề mặt họ nói khoác rằng họ cần tham gia vào tiến trình hòa bình của Mỹ ở Doha.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu các quan chức tại hội nghị này hay các phái đoàn khác của Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng với Taliban ý định công nhận chính quyền Taliban hay chưa, mặc dù hành vi trơ trẽn của mạng lưới nổi dậy này trong những tuần gần đây cho thấy họ cho rằng đe dọa cô lập quốc tế của Mỹ là không quan trọng.
Tuy nhiên, về tương lai của Afghanistan, Trung Quốc không đặt kỳ vọng cao vào kết cấu hệ thống chính quyền Taliban giống như Mỹ và các đối tác phương Tây của Mỹ. Ông Tyler Jost nói: “Bắc Kinh không nhất thiết giống như Mỹ nhấn mạnh các yếu tố quan trọng đối với tương lai của Afghanistan, chẳng hạn như duy trì các cuộc bầu cử dân chủ hoặc nhân quyền. Theo truyền thống, Bắc Kinh không coi trọng hai yếu tố này trong ngoại giao của mình.”
Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson, nói rằng vẫn chưa rõ liệu ý định của Trung Quốc đối với Taliban có mang lại những gì họ tìm kiếm hay không.
Ông Sun Yun nói rằng Afghanistan có khả năng rơi vào một cuộc nội chiến kéo dài, điều này sẽ làm suy yếu các thỏa thuận mà Trung Quốc hoặc bất kỳ thế lực nước ngoài nào khác tìm kiếm ở đó. Tuy nhiên, từ các động thái mới nhất của Trung Quốc có thể thấy, Mỹ đã không thành công trong việc thay đổi mục tiêu của mình ở Afghanistan. Ông Sun Yun nói thêm: “Về cơ bản, điều ám thị đó là công nhận tính hợp pháp của Taliban tương đương với sự thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan.”
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Taliban Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Taliban Kabul Afghanistan