Diễn biến chiến tranh Nga-Ukraine: Hai nước đồng ý đàm phán tại biên giới Belarus-Ukraine
- Xuân Thành
- •
Ukraine đã đồng ý đàm phán với Nga tại biên giới Belarus-Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao. Trên chiến trường, quân Nga tiếp tục gặp phải “sự kháng cự mãnh mẽ” của quân và dân Ukraine. Lực lượng Nga tiến chậm ở khu vực phía Bắc, trong khi giành được “một vài chiến thắng nhỏ” ở miền Nam. Ukraine vẫn giữ vững được thủ đô Kiev dù bị lực lượng Nga bao vây nhiều phía.
Tổng thống Putin lệnh đặt các lực lượng vũ trang hạt nhân trong tình trạng báo động cao
Tổng thống Nga Putin hôm Chủ Nhật (27/2) đã đưa một yếu tố mới đáng báo động vào cuộc chơi khi ông ra lệnh cho lực lượng răn đe của Nga – ám chỉ các đơn vị bao gồm vũ khí hạt nhân – phải cảnh giác cao độ.
Ông trích dẫn các tuyên bố gây hấn của các nhà lãnh đạo NATO và các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt đối với Moscow.
“Như các bạn có thể thấy, không chỉ các nước phương Tây thực hiện các biện pháp không thân thiện đối với đất nước chúng ta về khía cạnh kinh tế – ý tôi là các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp mà mọi người đều biết rất rõ – mà cả các quan chức hàng đầu của các nước NATO chủ chốt cũng cho phép mình đưa ra những tuyên bố gây hấn liên quan đến đất nước của chúng ta,” ông Putin nói trên truyền hình nhà nước.
Phản ứng với tuyên bố của ông Putin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CNN: “Nếu bạn gắn tuyên bố này [của ông Putin] với những gì họ đang tiến hành trên thực địa ở Ukraine – phát động chiến tranh chống lại một quốc gia có chủ quyền, tiến hành xâm lược toàn diện Ukraine, thì tuyên bố này bổ sung thêm tính nghiêm trọng của tình hình”.
Ông Jens Stoltenberg nói thêm rằng đó là lý do NATO vừa cung cấp hỗ trợ Ukraine vừa tăng cường sự hiện diện của quân đội liên minh ở khu vực phía Đông trong vài tuần qua.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với ABC News: “Đây thực sự là mẫu hình mà chúng ta đã đang thấy Tổng thống Putin làm thông qua cuộc xung đột này. Mẫu hình đó là tự tạo ra các mối đe dọa không tồn tại để biện minh cho leo thang xâm lược và cộng đồng quốc tế và người dân Mỹ nên nhìn vấn đề qua lăng kính này”. Bà Psaki nói thêm rằng Mỹ chuẩn bị tăng cường viện trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự cho Ukraine.
Nga, Ukraine đồng ý đàm phán tại biên giới Belarus-Ukraine
Văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết các cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào thứ Hai (28/2, giờ địa phương) tại biên giới Ukraine-Belarus.
Theo BBC, các quan chức Nga và Ukraine đang tập trung tại một khu vực gần biên giới với Belarus để tiến hành đàm phán.
Trước đó, phía Nga nói rằng sau một vài lưỡng lự, Ukraine cuối cùng đã đồng ý cử đội ngũ tới Belarus để đàm phán kết thúc chiến dịch quân sự của Nga trên đất Ukraine.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói với báo giới rằng Kiev “đã xác nhận” các cuộc đàm phán theo kế hoạch tại Khu vực Gomel, gần biên giới cả Nga và Ukraine.
“Chúng tôi đảm bảo rằng tuyến đường di chuyển [tới địa điểm đàm phán] sẽ an toàn 100%. Chúng tôi sẽ đợi phái đoàn Ukraine”, ông Medinsky nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ “nghi ngờ” về “sự chân thành” của Tổng thống Nga Putin khi tham gia vào các cuộc đàm phán với Ukraine.
“Nếu ông ta muốn dừng lại, nếu ông ta muốn rút quân, nếu ông ta muốn đàm phán, thì đó là tin tức rất tốt lành. [Nhưng] tôi có nghi ngờ… Cho đến nay tôi chưa nhìn thấy cách hành xử nào của ông ta khiến tôi có thể nghĩ rằng ông ta có sự chân thành”, Thủ tướng Johnson nói.
Thủ tướng Anh nói thêm rằng nếu người đồng cấp Nga thực sự thiện chí, thì ông ta “cần rút cỗ máy chiến tranh khỏi Ukraine”.
Liên minh châu Âu tiếp tục tăng cường chế tài Nga, hỗ trợ Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ khi chuyển nhiều vũ khí tới Ukraine sau khi nước này bị Nga xâm lược.
EU cũng sẽ đóng không phận đối với các hãng hàng không Nga và cấm các kênh truyền thông của nhà nước Nga, gồm cả hai kênh Russia Today và Sputnik.
Các quốc gia thành viên EU cũng sẽ nhận người tị nạn Ukraine và bỏ qua thủ tục xin tị nạn hàng năm để nhanh chóng hỗ trợ người dân Ukraine muốn lánh nạn chiến tranh.
FIFA yêu cầu Nga phải thi đấu ở các sân trung lập không có khán giả và không có quốc kỳ, quốc ca Nga.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hôm Chủ Nhật (27/2) loan báo rằng Nga phải chơi tất cả các trận đấu theo lịch thi đấu quốc tế sắp tới trên sân trung lập với tên “liên đoàn bóng đá Nga”. FIFA gọi đây là biện pháp trừng phạt Nga vì phát động chiến tranh xâm lược Ukraine.
“Trước tiên và trên hết, FIFA muốn khẳng định tổ chức này lên án Nga sử dụng vũ lực trong cuộc xâm lược vào Ukraine. Vũ lực không bao giờ là giải pháp và FIFA bày tỏ đoàn kết sâu sắc với tất cả người dân bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra tại Ukraine”, cơ quan điều hành bóng đá thế giới nói trong tuyên bố phát đi hôm 27/2.
Trước đó, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Thụy Điển đã tuyên bố sẽ không thi đấu với Nga nếu phải gặp đội bóng này ở vòng tranh vé vớt dự FIFA World Cup 2022. Anh Quốc mới đây cũng đã lên tiếng thực hiện động thái tẩy chay tương tự.
Quân Nga tiếp tục huớng tới thủ đô Kiev
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga kéo thành hàng dài gần 3 dặm trên đường tiến tới thủ đô Kiev của Ukraine.
Theo Maxar, đoàn xe quân sự Nga được nhìn thấy qua các bức ảnh vệ tinh chụp vào khoảng 10:56 sáng Chủ Nhật (27/2, giờ đại phương) trên tuyến đường P-02-02 gần Ivankiv, cách thủ đô Kiev khoảng 40 dặm về phía Đông Bắc. Tuyến đường P-02-02 hướng tới Kiev.
Maxar xác nhận trong đoàn xe quân sự Nga có các xe tải chở nhiên liệu và thiết bị hậu cần, ngoài ra còn có xe tăng, xe chở bộ binh và pháo tự hành.
Trong khi đó, ở mặt trận phía Đông Ukraine, thị trưởng Kharkiv – thành phố lớn thứ hai Ukraine, nói rằng quân đội Ukraine vẫn đang kiểm soát thành phố sau khi bị quân Nga tấn công.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chuyển vấn đề Ukraine lên Đại hội đồng
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 27/2 đã bỏ phiểu để chuyển vấn đề Ukraine lên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc do Nga dùng quyền phủ quyết để chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án họ xâm lược Ukraine.
Đại hội đồng sẽ triệu tập Phiên họp Khẩn cấp Đặc biệt để bàn thảo về vấn đề Ukraine. Đây là phiên họp hiếm và lần đầu được tổ chức kể từ năm 1982.
Xuân Thành (T/h)
Từ khóa Dòng sự kiện căng thẳng Nga - Ukraine Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine