Đông Phương: Liên minh 4 nước thành mối lo ngại nhất của ĐCSTQ hiện nay
- Đông Phương
- •
Tháng 11/2017, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời các quan chức từ Mỹ, Ấn Độ và Úc để tổ chức hội nghị thượng đỉnh 4 nước Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Manila, bàn về tổ chức liên minh đối trọng với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khi đó phía Trung Quốc còn tỏ ra xem thường. Nhưng hiện nay tình thế đã hoàn toàn thay đổi.
(Bài viết được chuyển thể từ video của Kênh YouTube Đông Phương.)
Ông Ngoại trưởng Vương Nghị lúc đó (tháng 11/2017) tuyên bố động thái mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy chỉ là chiêu trò hù dọa chứ không có thực chất, giống như bong bóng ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Không phải vô cớ mà ĐCSTQ không coi trọng liên minh này, bởi vì nhận thấy các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc rất khác biệt nên rất khó hình thành liên minh mạnh mẽ, điều này từ hơn chục năm trước cũng đã từng thử nhưng không phát huy hiệu quả gì. Ngày nay, ĐCSTQ đã không còn nghĩ như vậy. Tháng Ba năm nay, các nhà lãnh đạo của liên minh 4 nước đã lần đầu tiên họp mặt và đưa ra thông cáo cấp cao đầu tiên. Cộng đồng quốc tế ngày nay đã rất thù địch ĐCSTQ, ít nhất cũng coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ở Mỹ hiện đã có được đồng thuận trong khắp xã hội về việc cảnh giác với ĐCSTQ, điều này cũng tương tự ở các nước khác của liên minh 4 nước.
Vốn dĩ mục tiêu trong “Trung Hoa mộng” của Tập Cận Bình là vào năm 2035 đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới về kinh tế, công nghệ và thậm chí quân sự. Để làm được điều này, ĐCSTQ phải cho các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế thấy rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản, chỉ có thuận theo. Như vậy, Trung Quốc có thể viết lại quy tắc trò chơi và tạo ra một trật tự quốc tế mới lấy Trung Quốc làm trung tâm mà không cần phí một viên đạn nào.
Nhưng ý tưởng lãng mạn đó đang gặp thách thức từ liên minh 4 nước, bởi vì mục đích cốt lõi của liên minh này là xây dựng đồng thuận quốc tế để các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả các nước trong phạm vi khu vực lớn hơn có thể cùng tẩy chay ĐCSTQ. Liên minh 4 nước hiện nay không còn là nhóm rời rạc như ĐCSTQ nhận thấy trước đây, ngược lại họ khá đoàn kết trong các vấn đề chống chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi ĐCSTQ chưa có bất kỳ hành động hiệu quả nào ngăn lại, như vậy có bình tĩnh được không? Hay là vẫn chưa biết làm thế nào để đối phó?
Việc ông Shinzo Abe thúc đẩy liên minh 4 nước bắt nguồn từ trận sóng thần ở Nhật Bản năm 2004. Vào thời điểm đó, Mỹ, Úc và Ấn Độ đã làm việc cùng nhau để giúp Nhật Bản cứu trợ thảm họa. Từ đây, ông Shinzo Abe thấy giá trị của các nước hỗ trợ nên đề xuất thành lập liên minh để cùng nhau ứng phó với những thách thức trong khu vực, tuy nhiên các nước kia khi đó khá thờ ơ. Tổng thống Mỹ Bush lo lắng va chạm Bắc Kinh vì đang cần ủng hộ của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo tài liệu liên lạc ngoại giao sau này được WikiLeaks tiết lộ thì chính quyền Bush đã tuyên bố riêng với chính phủ các nước châu Á – Thái Bình Dương rằng họ sẽ không tham gia vào liên minh 4 nước. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng tuyên bố sẽ không tham gia vào Liên minh Quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh là điều quan trọng hàng đầu. Điều này cũng đúng ở Úc, Chính phủ Howard lo ngại thương mại với Trung Quốc sẽ bị tổn hại, ngoài ra cũng không muốn thêm một Ấn Độ vào liên minh Mỹ – Nhật Bản – Úc. Người khởi xướng liên minh 4 nước, ông Shinzo Abe bất ngờ từ chức vào năm 2007. Người kế nhiệm ông, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda thì không quan tâm đến liên minh 4 nước.
Tuy nhiên sau đó 10 năm khi ông Shinzo Abe trở lại chính trường thành thủ tướng Nhật Bản thì tình hình ở châu Á – Thái Bình Dương đã thay đổi cơ bản. Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền không còn theo chủ trương “giấu mình chờ thời” nữa mà bắt đầu thể hiện vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nổ ra xung đột biên giới với Ấn Độ, tình hình khơi dậy tinh thần cảnh giác của những người đứng đầu 4 nước và khiến ông Shinzo Abe lại muốn thúc đẩy lại liên minh 4 nước.
Tháng 11/2017 khi Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức tại Manila, một cuộc họp của các nhà ngoại giao từ 4 nước đã được triệu tập, nhưng không đạt được thỏa thuận nào, mỗi nước đều đưa ra các tuyên bố riêng.
Tháng 9/2019 khi cuộc họp của ngoại trưởng 4 nước được tổ chức tại New York và có được thông cáo chung với mong muốn xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phát triển, tự do và cởi mở, khi đó Bắc Kinh cũng không xem trọng liên minh hợp tác này. Nhưng sau đó tình hình đã có nhiều thay đổi, đặc biệt tháng 6/2020 nổ ra xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, khiến Ấn Độ thay đổi quan điểm do dự trước đây và quyết tâm đoàn kết chống lại ĐCSTQ.
Sau đó vào tháng 10/2020 khi ngoại trưởng của 4 nước gặp lại nhau tại Tokyo thì Bắc Kinh đã rất lo lắng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào thời điểm đó đã nói rõ quan điểm: mục đích của Mỹ là tăng cường liên minh 4 nước và tạo ra một khuôn khổ liên minh quốc phòng thực sự, thậm chí không loại trừ lựa chọn mở rộng quy mô của liên minh 4 nước. Trước đó, ông Pompeo đã mời Ngoại trưởng của New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam gặp nhau, còn được gọi là “cuộc họp liên minh 4 nước mở rộng” để thảo luận về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng. Ngay sau cuộc họp, Ấn Độ đã nhanh chóng có hành động thiết thực khi mời Úc tham gia các cuộc tập trận chung thường niên giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Đối với ĐCSTQ, việc một nước có dân số đông, kinh tế phát triển nhanh, lại có xung đột lãnh thổ biên giới như Ấn Độ mà thái độ cứng rắn gia nhập liên minh chống ĐCSTQ, vậy thì tình thế của ván cờ này đột nhiên khá bất lợi cho họ. Phải làm gì? ĐCSTQ dùng đủ phương pháp vừa mềm vừa cứng, gây phân hóa chia rẽ. Về mặt mềm, ĐCSTQ đã nhấn mạnh với cả 4 nước về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với họ, hãy giữ hòa bình để có thể phát triển kinh tế. Ông Ngoại trưởng Vương Nghị của ĐCSTQ cũng không còn coi thường liên minh 4 nước mà ngược lại gọi liên minh 4 nước là NATO của châu Á – Thái Bình Dương, một tổ chức có nguy cơ đe dọa hòa bình ở châu Á – Thái Bình Dương. Còn biện pháp cứng là “giết gà dọa khỉ” bằng cách trừng phạt Úc. Vốn dĩ Bắc Kinh có quan hệ tốt với Úc và luôn nhấn mạnh cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, đột nhiên họ thay đổi khi hạn chế nhập khẩu đồng, than, thịt, bông, lông cừu, lúa mì, lúa mạch, gỗ, đường mía, tôm hùm, rượu vang của Úc. Đồng thời, Bắc Kinh chỉnh lại quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản, sắp xếp để Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, đàm phán với Ấn Độ để rút quân khỏi biên giới, và lặng lẽ yêu cầu Ấn Độ thả binh lính ĐCSTQ bị bắt.
Điều mà Bắc Kinh không ngờ tới là cả biện pháp mềm và cứng đều không thay đổi được liên minh 4 nước. Nước Úc vốn tưởng dễ bị tổn thương nhưng lại không thể khuất phục được, ngược lại còn thúc đẩy tâm lý bài Trung trong xã hội Úc. Nhật Bản cũng không cảm kích, tất nhiên điều này có liên quan đến hành động khiêu khích của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông và việc sớm chấm dứt chính sách “một nước hai chế độ” với Hồng Kông. Thái độ của chính phủ và người dân Ấn Độ cũng đã trở nên khá tiêu cực đối với ĐCSTQ do xung đột biên giới đẫm máu, và rõ ràng đã xích lại gần Mỹ hơn về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Mặc dù ông Trump đã rời nhiệm sở nhưng ông Biden lên thay lại càng dựa nhiều hơn vào các đồng minh và coi trọng liên minh 4 nước. Ngay sau khi ông Biden nhậm chức đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên minh 4 nước tuyên bố bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên tự do, cởi mở và pháp quyền, bảo vệ các giá trị dân chủ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Modi khiến Trung Quốc thất vọng nhất khi cho biết hội nghị thượng đỉnh đánh dấu sự trưởng thành của liên minh 4 nước và sẽ trở thành trụ cột cho sự ổn định của khu vực.
Đến mùa xuân năm nay, ĐCSTQ cũng biết rằng cả phương pháp mềm và cứng cùng thủ đoạn gây chia rẽ đều vô ích. Phải làm gì? Cách tiếp cận mới là tấn công chính trị toàn diện, gọi liên minh 4 nước đã gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới. Vào tháng Năm năm nay, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích liên minh 4 nước là lợi dụng chủ nghĩa quốc tế xây dựng một nhóm đối lập về hệ tư tưởng; đồng thời, ĐCSTQ lại tô vẽ họ thành hình mẫu của nước theo chủ nghĩa quốc tế, là nước bảo vệ Liên Hiệp Quốc, là nước lớn có trách nhiệm. Bắc Kinh nhấn mạnh đến hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, ký hiệp định hợp tác đầu tư với Liên minh châu Âu, đồng thời đề xuất tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hàng loạt biện pháp này đều vô ích. Hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Úc đã tăng cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đến thăm Washington mở ra khả năng phát triển liên minh 4 nước thành liên minh 5 nước. Đặc biệt Liên minh 4 nước lại đoàn kết với Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes Alliance, FVEY). Điều khiến Bắc Kinh lo lắng nhất là nếu liên minh 4 nước cứ tiếp tục phát triển như vậy sẽ đặt nền móng vững chắc cho xây dựng thành liên minh chống ĐCSTQ ở phạm vi thế giới. Liên minh 4 nước sẽ trở thành nguyên mẫu của một liên minh quốc tế lớn hơn chống lại ĐCSTQ; và sẽ thực sự là ác mộng của ĐCSTQ nếu phát triển đoàn kết thêm các quốc gia châu Á, Liên minh châu Âu, NATO.
Đông Phương, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Đông Phương Liên minh 4 nước Liên minh Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ