Quyết định dừng viện trợ cho Ukraine hiện đã có hiệu lực, truyền thông Đức đưa tin hôm Thứ Bảy, nghĩa là, các yêu cầu mới về viện trợ quân sự sẽ không được duyệt. Dự kiến, các khoản viện trợ cho Ukraine sẽ được lấy từ quỹ có được do đóng băng tài sản ở nước ngoài của Nga, với ước tính có giá trị 300 tỷ USD.

GettyImages 1246714892 scaled
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius lái cùng các binh sĩ xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, loại xe tăng chủ lực mà phương Tây đưa vào chiến trường Ukraine. (Ảnh: Sascha Schuermann/Getty Images)

Theo báo cáo ngày 17/8 của truyền thông Đức, FAZ — Frankfurter Allgemeine Zeitung, tất cả các yêu cầu tài trợ mới hoặc các yêu cầu tài trợ cho Ukraine đã có rồi nhưng chưa được duyệt xong đều sẽ bị dừng lại. Lệnh cấm viện trợ đã có hiệu lực.

Theo Politico báo cáo, hiện nay chưa có những thảo luận chi tiết hơn xung quanh quyết định cấm này.

Các khoản viện trợ từ nay trở đi sẽ không lấy từ Liên bang Đức, mà sẽ lấy từ nguồn tài sản của người Nga ở Châu Âu, vốn đã bị đóng băng theo chính sách chiến tranh chống Nga.

Đây là theo tinh thần thỏa thuận sơ bộ mà Đức và các quốc gia khối G7 đạt được hồi tháng 6.

Cách triển khai theo thỏa thuận này, một khoản 50 tỷ USD tiền vay sẽ được huy động dành cho Ukraine. G7 sẽ dùng phần sinh lãi của tổng tài sản bị đóng băng của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD để trả dần cho khoản vay này.

Hồi tháng 6, Nga đã tuyên bố mọi phương án và hành động lấy tiền từ tài sản của mình sẽ bị Nga coi là hành vi ăn cắp, theo RT đưa tin ngày 13/6.

Thực tế chiến tranh Ukraine cho thấy, phần lớn chi tiêu cho chiến tranh là để mua vũ khí và đạn dược của Mỹ.

“Điều mà Washington đề xuất là: ‘Chúng tôi (Mỹ) cầm khoản vay, các vị (Châu Âu) chịu rủi ro, các vị (Châu Âu) trả tiền lãi, và chúng tôi (Mỹ) nhận tiền theo cơ chế quỹ Mỹ–Ukraine,’” một chính khách Châu Âu đã nói với tờ Politico vào thời điểm bấy giờ. “Có lẽ chúng tôi ngu, nhưng mà chúng tôi cũng không ngu đến mức độ đó.”

Mỹ lập luận rằng khoản tiền là để chi trả cho vũ khí đạn dược mà Mỹ gửi cho Ukraine.

Đó là thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 6, còn mang nhiều điểm chưa được thống nhất giữa các thành viên và chưa thành quyết định.

Hiện nay, theo bức thư gửi Bộ Quốc phòng Đức hôm 5/8, mà FAZ trích dẫn, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố rằng từ nay ngân sách Liên bang Đức sẽ không có khoản nào cho Ukraine nữa, các viện trợ cho Ukraine là lấy từ khoản có được nhờ đóng băng tài sản của Nga.

Đức, vốn là nhà đầu tư số 1 của Tây Âu vào chiến tranh Ukraine (chỉ đứng sau Mỹ), theo phân tích của Politico, đã có các dấu hiệu thay đổi đường lối đối đãi với Ukraine từ tháng trước.

Vào tháng 7 Politico từng chỉ ra, Liên minh cầm quyền Chính phủ Liên bang Đức —Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh, và Đảng Tự do— đã thông qua một dự thảo sơ bộ về ngân sách cho năm 2025. Trong dự thảo mà Politico đọc được này, phần chi tiêu dành cho Ukraine đã giảm mạnh xuống chỉ còn 4 tỷ Euro.

Phát biểu vào tháng 7 về vấn đề liên quan, ông Lindner đã nói rằng sau này Ukraine phải phụ thuộc nhiều hơn vào các “nguồn từ Châu Âu” cũng như tài sản bị phong tỏa của Nga. Nhưng lúc đó ông không nói rõ cách giải ngân phần tải sản Nga sẽ triển khai như thế nào và khi nào.

Politico nhìn nhận rằng có những bất đồng ngay cả trong nội bộ Đức về cách giải bài toán Ukraine.

“Rõ ràng là [chính phủ] liên minh này gặp vấn đề lớn trong việc tìm ra điểm chung,” Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã nhận xét tình trạng lúc bấy giờ, “và các ý tưởng rời rạc [không được thống nhất].”

Nhật Tân (theo Politico)