EU sẽ chi gần 46 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng đối kháng với “Vành đai và Con đường”
- Lâm Nghiên
- •
Vào tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố chiến lược chi tiêu cho công nghệ và cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 tỷ Euro (45,9 tỷ đô la Mỹ). Đây là một phần quan trọng của phương Tây nhằm ứng phó với kế hoạch “một vành đai, một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo một bản dự thảo mà Bloomberg News đọc được, chiến lược “Cánh cổng toàn cầu” (Global Gateway) của EU sẽ tập trung vào các dự án kỹ thuật số, giao thông vận tải, năng lượng và thương mại. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy lợi ích và năng lực cạnh tranh toàn cầu của châu Âu, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn và giá trị môi trường bền vững như dân chủ, nhân quyền và pháp trị.
Ngày 11/11, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo rằng EU sẽ khởi động kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” để đối kháng lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ.
Kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” được đưa ra sau hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Anh vào tháng Sáu. Khi đó, các nhà lãnh đạo của các quốc gia tham gia cuộc họp đã đồng ý khởi động một sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu do Mỹ chủ đạo – “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Build Back Better World), nhằm mục đích đối kháng lại sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ. Chính quyền Biden gọi đây là “lấy giá trị quan làm định hướng, tiêu chuẩn cao và minh bạch”.
Theo dự thảo, kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” sẽ “cung cấp một thương hiệu gia đình (thương hiệu ô dù – umbrella brand) cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng sâu rộng mà EU đã thực hiện trên quy mô toàn cầu”, để điều phối tốt hơn giữa các quốc gia thành viên và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực, đồng thời khiến nguồn vốn được sử dụng tốt hơn nữa.
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược thương hiệu gia đình là việc gộp tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp cho cùng một thương hiệu, nhưng hoạt động quảng bá sản phẩm và hoạt động sáng tạo của tổ chức được thực hiện riêng lẻ.
Theo dự thảo này, ngoài hàng tỷ euro viện trợ không hoàn lại, EU sẽ cung cấp 40 tỷ Euro đảm bảo từ cơ chế Quỹ phát triển bền vững châu Âu (European Fund for Sustainable Development Plus). Văn kiện này cũng chỉ ra, theo chu kỳ dự toán ngân sách hiện tại của EU đến năm 2027, thông qua chương trình hỗ trợ phát triển toàn cầu của châu Âu, đầu tư vào kết nối và liên kết với nhau dự kiến sẽ tăng mạnh với tổng ngân sách là 79,5 tỷ Euro.
Khi đưa ra chiến lược “Cánh cổng toàn cầu”, EU sẽ tập trung vào hỗ trợ các dự án trải dài toàn cầu. Trong đó bao gồm:
Khu vực Tây Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ: Dự thảo nhấn mạnh việc mở rộng mạng lưới giao thông xuyên châu Âu là một hành động đi đầu. Đồng thời cũng chỉ ra rằng Kế hoạch Kinh tế và Đầu tư (Economic and Investment Plan) của EU ở Balkans đã đề xuất phương án đầu tư tổng quát, có kế hoạch sử dụng tới 9 tỷ Euro tài trợ trong bảy năm tới;
Khu vực Đông Âu: Trọng tâm sẽ là đầu tư kỹ thuật số và năng lượng tái tạo, và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch trong chuỗi giá trị nguyên liệu và pin ở Ukraine;
Khu vực Nam Âu: Có thể có tới 7 tỷ Euro viện trợ không hoàn lại, EU hy vọng sẽ mang đến 30 tỷ Euro đầu tư tư nhân vào các dự án liên quan, bao gồm sản xuất hydro tái tạo;
Khu vực Châu Phi: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của EU đã lên tới 222 tỷ Euro, vượt qua chi tiêu của Mỹ và Trung Quốc. Mục tiêu của EU là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trên lục địa châu Phi, thúc đẩy khả năng tiếp cận Internet và mạng lưới giao thông;
Khu vực Trung Á: Mục tiêu của EU là xác định liên kết giao thông bền vững nhất, đồng thời tăng cường tính bền vững trong quy hoạch;
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: EU đang nỗ lực cùng với các nước như Nhật Bản xây dựng đối tác kỹ thuật số trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo;
Khu vực Châu Mỹ La-tinh: Có kế hoạch mở rộng các dự án cáp quang biển và cáp quang trên mặt đất hiện có sang các nước khác;
Khu vực Bắc Cực: Thiết lập các dự án đồng tài trợ như hành lang xuyên biên giới 5G để hỗ trợ kết nối giữa EU và khu vực này, cũng như đầu tư vào hydro, một nguồn năng lượng tái tạo ở Greenland.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Global Gateway Cánh cổng toàn cầu EU liên minh châu Âu Một vành đai một con đường Dòng sự kiện quan hệ EU - Trung Quốc