Hiệp hội Y khoa Anh quốc lên tiếng về nạn thu hoạch tạng tại TQ
- Minh Nhật
- •
Trong bối cảnh Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đưa ra kết luận về tội ác chống lại loài người của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến sĩ John Chisholm, chủ tịch phụ trách vấn đề đạo đức y khoa của Hiệp hội Y khoa Anh quốc (British Medical Association – BMA) đã lên án tội ác này, và thúc giục chính phủ Anh có các biện pháp thích đáng nhằm ngăn chặn nó tiếp diễn.
Hiệp hội Y khoa Anh quốc là một nghiệp đoàn có trụ sở tại London, được chính phủ Anh công nhận, đại diện cho tất cả các bác sĩ tại Anh quốc, với khoảng 69.000 bác sĩ 19.000 sinh viên y khoa là thành viên. Ủy ban Đạo đức y khoa của Hiệp hội chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan tới đạo đức y khoa, luật pháp trong y khoa, và những vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa việc hành nghề y, xã hội và chính phủ.
Tháng 6 vừa qua, việc một Tòa án độc lập diễn ra tại London kết luận về tội ác thu hoạch tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã trở thành một đề tài lớn liên quan tới đạo đức y khoa tại Anh. Do tình hình chính trị và kinh tế của Anh tương đối bất ổn trong Brexit, những người đứng đầu chính phủ nước này đã lảng tránh lên tiếng về tội ác của chính quyền ĐCSTQ. Trước thực tế đó, các nhà điều tra độc lập, các tổ chức nhân quyền, cùng nhiều nghị sĩ trong quốc hội Anh đang nỗ lực nâng cao nhận thức về vấn nạn thu hoạch tạng.
Bình luận về phán quyết của Tòa án độc lập tại London, trong thông cáo báo chí của BMA, tiến sĩ John Chisholm, chủ tịch Ủy ban Đạo đức y khoa cho biết:
Chúng tôi vô cùng quan ngại về phán quyết của Tòa án, trong đó các thành viên bồi thẩm đoàn “chắc chắn – đồng thuận, không chút nghi ngờ – rằng tại Trung Quốc, việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trong một thời gian đáng kể, liên quan tới một số lượng lớn nạn nhân.”
Hành vi thu hoạch tạng cưỡng bức cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản không thể tách rời của con người, bao gồm cả quyền được sống, và trong một số trường hợp, quyền không bị tra tấn, bị đối xử bất nhân, thấp kém, hay bị trừng phạt.
Bất cứ y sĩ nào tham gia vào việc thu hoạch tạng là bất hợp pháp, vô đạo đức, và vi phạm các quy tắc nghề nghiệp do Hiệp hội Y khoa Quốc tế quy định.
Trách nhiệm của tất cả các y sĩ là nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân – và, trên hết là, đảm bảo rằng bản thân y sĩ không làm điều có hại.
Hiệp hội Y khoa Anh quốc kêu gọi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tạo điều kiện cho một cuộc điều tra độc lập và toàn diện về hành vi thu hoạch tạng, và bảo vệ giá trị cốt lõi của các y sĩ bằng việc đảm bảo các y sĩ không tham gia vào hành vi thu hoạch tạng này.
Tại Anh quốc, chúng tôi kêu gọi chính quyền Anh quốc xem xét lại quan điểm của mình đối với phán quyết của Tòa án, và dùng ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng quốc tế để đảm bảo rằng một cuộc điều tra thích hợp và đầy đủ sẽ diễn ra.
Tranh cãi về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc đã tồn tại trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ khi xuất hiện các cáo buộc về việc chính quyền ĐCSTQ sử dụng các tù nhân lương tâm (tù nhân bị bắt chỉ vì tín ngưỡng) làm nguồn nội tạng phục vụ cho cấy ghép. Vì thế, nhu cầu về một tòa án để đánh giá các cáo buộc này là rất quan trọng. Một tòa án quốc tế như vậy đã không thể được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức, do Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an. Do các vấn đề về ngoại giao và lợi ích kinh tế, việc xét xử chính quyền Trung Quốc tại một quốc gia khác cũng trở nên không thích hợp.
Năm 2018, một tòa án độc lập đã được Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) hỗ trợ khởi xướng trong nỗ lực đưa tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc ra ánh sáng quốc tế.
Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Trong thời gian các buổi làm chứng công khai, Tòa án độc lập đã nghe lời chứng của các nhân chứng, bao gồm các nhân chứng trực tiếp, các nhà điều tra, các chuyên gia, đồng thời xem xét các tài liệu được cung cấp trên các khía cạnh sau:
- Sự trùng hợp thời gian giữa việc đàn áp tín ngưỡng và việc ngành công nghiệp cấy ghép nở rộ.
- Chứng cứ về kiểm định y tế, bao gồm chụp quét nội tạng, đối với các tù nhân lương tâm: nhóm Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk. Sau khi kiểm định y tế, một số tù nhân bị đeo băng, bị giám sát chặt chẽ và biến mất.
- Chứng cứ từ những người từng làm việc trong chính quyền hay trong tổ chức y tế.
- Chứng cứ về sự hỏa thiêu và sự mất tích các thành viên trong các nhóm bị đàn áp.
- Bằng chứng các băng ghi âm điện thoại tới các bệnh viện Trung Quốc, trong đó các thành viên của nhóm Pháp Luân Công được chào mời như một nguồn hiến tạng.
- Bằng chứng về những người vừa tham gia vào cuộc đàn áp, vừa tham gia vào ngành công nghiệp cấy ghép tạng.
Liên quan tới riêng ngành công nghiệp cấy ghép tạng hiện thời tại Trung Quốc, các bằng chứng được cung cấp trên các khía cạnh sau:
- Số liệu lên tới 1000 bệnh viện đề nghị cấy ghép tạng.
- Số liệu về các bệnh viện có nguồn cung tạng dồi dào (Ví dụ 16-17 ca một ngày).
- Số liệu về số lượng lớn các nhân viên cấy ghép tạng được đào tạo.
- Bằng chứng về các sơ sở y tế quân đội liên hệ mật thiết với các hoạt động cấy ghép và nghiên cứu cấy ghép.
- Bằng chứng về việc nhà nước trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc chống đào thải tạng cấy ghép.
- Bằng chứng về việc thời gian chờ tạng đột ngột sụt giảm lớn.
- Bằng chứng về việc các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo dịch vụ ghép tạng cho người nước ngoài với lịch hẹn trước, bao gồm cả đối với cấy ghép tim
- Bằng chứng về việc số lượng và chất lượng nội tạng tử tù là không đủ để phục vụ số lượng ca ghép tạng khổng lồ.
Đặc biệt ngay sau phiên làm chứng đầu tiên diễn ra từ 8/12 đến 10/12 tại London, Anh Quốc, hội đồng uy tín của tòa đã thực hiện một bước đi bất thường là đưa ra phán quyết tạm thời:
“Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”
Các thành viên trong hội đồng cho hay, họ hy vọng rằng phán quyết tạm thời có thể kịp thời “cứu những người vô tội khỏi bị giết hại”.
Ngài Geoffrey Nice cũng cho biết bên cạnh tội ác thu hoạch nội tạng, chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, thậm chí không tuân thủ cả quyền sống cơ bản nhất của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn.
Trong quá trình tòa án hoạt động, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối hồi đáp các lời mời tham gia bào chữa tại tòa hay đưa ra bằng chứng chứng minh họ vô tội.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa Thu hoạch nội tạng đạo đức y khoa tòa án độc lập Dòng sự kiện Cộng đông y khoa quốc tế