Iran tuyên bố bắt được gián điệp của Mỹ, chuẩn bị xử tử
Hôm thứ Hai (22/7), Iran tuyên bố họ đã bắt được 17 gián điệp đang làm việc cho chính phủ Mỹ và sẽ tử hình một số trong số đó. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đây là một tuyên bố “hoàn toàn giả” trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Iran dâng cao trong vùng Vịnh do các vụ Tehran bắt tàu dầu quốc tế, gần đây nhất là tàu của Anh.
“Tin tức về chuyện Iran bắt được gián điệp CIA (Cơ quan Tình báo Trung Ương) hoàn toàn là giả. Không có một sự thật nào. Lại thêm các lời dối trá và tuyên truyền (giống như chiếc drone bị bắn hạ của họ) được đưa ra bởi một chế độ thần quyền đang sụp đổ nguy ngập đến nơi và không biết phải làm gì. Nền kinh tế của họ đã chết và sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều. Iran là một mớ lộn xộn!” ông Trump viết trên Twitter.
Truyền hình quốc gia Iran đã đăng tải các hình ảnh được mô là đặc vụ CIA đang liên hệ với gián điệp. Bộ Tình Báo Iran tuyên bố đã bắt được 17 gián điệp làm việc cho CIA trong vòng 12 tháng tính tới tháng 3/2019. Theo Reuters, một số lượng chưa rõ trong số 17 người này đã bị tuyên án tử hình.
Reuters lưu ý rằng các thông báo trên không phải lạ đối với Iran và thường hướng tới người dân trong nước. Tuy nhiên trong thời điểm này, tuyên bố cho thấy Iran sẵn sàng mạnh tay hơn trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.
Hôm thứ Hai, Anh đã đề nghị Châu Âu thực hiện nhiệm vụ hàng hải nhằm đảm bảo tàu bè qua lại an toàn thông qua Eo biển Hormuz, vài ngày sau khi Iran bắt tàu chở dầu của Anh, một hành động mà London cáo buộc là “cướp biển nhà nước” trong vùng hải tuyến chiến lược này.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tóm lược về kế hoạch này trước Quốc hội sau khi Thủ tướng Anh triệu tập họp khẩn cấp của chính phủ để tìm biện pháp sau khi Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero hôm thứ Sáu.
“Theo luật quốc tế, Iran không có quyền ngăn cản hành trình của con tàu – huống hồ là bắt giữ nó. Vì thế đây là một hành động cướp biển nhà nước”, ông Hunt nói trước Quốc hội.
“Chúng tôi sẽ tìm cách thiết lập một lực lượng bảo vệ hàng hải do EU dẫn đầu để bảo vệ sự lưu thông an toàn của cả thủy thủ và hàng qua ở khu vực trọng yếu này”, ông Hunt nói.
Tuyên bố của ông Hunt cho thấy Anh Quốc và, có thể là Châu Âu đang buộc phải đi theo con đường của Hoa Kỳ trong vấn đề với Iran. Washington đã nhiều lần đề nghị các đồng minh Châu Âu của mình mạnh tay hơn với Iran và điều thêm tàu chiến tới đây để bảo vệ an toàn cho Vùng Vịnh. Tuy nhiên, tới nay các nước EU từ chối đề xuất này bởi các nước này vẫn tham gia Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015, với hy vọng rằng Iran sẽ không làm cực đoan thêm tình hình.
Khi được hỏi bởi Fox News về vai trò của Mỹ trong việc Iran bắt tàu dầu của Anh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng nói: “Trách nhiệm đó rơi vào vai của Anh Quốc để bảo vệ tàu bè của mình”.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran đang rơi xuống đáy vực kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Chính quyền Trump tái áp đặt tất cả các chế tài khắc nghiệt nhất lên chế độ Hồi giáo Iran, mới đây đã hạ lệnh cấm tất cả các nước khác buôn bán dầu với Iran. Iran tức giận tuyên bố họ sẽ khởi động lại việc làm giàu Uranium bất chấp vi phạm Thỏa thuận hạt nhân vẫn còn hiệu lực đối với các nước EU.
Hồi tháng 6, Mỹ và Iran suýt xảy ra xung đột quân sự khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái (drone) của Mỹ và Tổng thống Trump đã ngừng cuộc tấn công Iran sau khi cân nhắc đến số người chết. Tuần trước, Mỹ tuyên bố bắn hạ một drone của Iran khi chiếc máy bay không người lái này tiến sát tới hạm đội của Mỹ. Tehran phủ nhận thông tin của Mỹ.
Các đồng minh lớn của Washington ở Châu Âu, gồm có Anh, Pháp và Đức phản đối quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trump và đã nỗ lực đứng trung lập trong mâu thuẫn Mỹ-Iran. Tuy nhiên Anh nay buộc phải lên tiếng sau vụ Iran bắt tàu dầu và vụ London bắt tàu dầu của Iran hồi đầu tháng 7 khi tàu này vi phạm chế tài của EU lên Syria.
Sau khi bị Anh giữ tàu chở dầu, Iran liên tục đe dọa sẽ trả đũa London và ám chỉ vụ bắt tàu dầu tuần qua là một động thái trả thù. Tehran cũng cho hay cả tàu dầu và đội thủ thủy trên tàu của Anh đang được giam giữ an toàn.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã tố cáo tàu dầu của Anh đã gây nguy hiểm vì đã tắt đèn tín hiệu trong thời gian dài hơn cho phép và “đã đi sai tuyến đường”.
“Bắt đầu một xung đột thì dễ dàng, kết thúc nó mới khó”, ông Zarif nói đầy ẩn ý trong cuộc họp báo tại Nicaragua.
“Điều quan trọng mà mọi người cần nhận ra, mà ông Boris Johnson cần hiểu, đó là Iran không muốn đối đầu”.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Iran Vùng Vịnh