Khảo sát: 32% người Ukraine sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ đổi lấy ngừng chiến
- Thiên Thanh
- •
Kể từ khi cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, không có dấu hiệu nào về việc đình chiến và đàm phán hòa bình. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Ukraine, gần 1/3 người Ukraine sẵn sàng nhường một phần lãnh thổ cho Nga để có được hòa bình nhanh chóng. Con số này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2023, nhưng phần lớn người Ukraine vẫn phản đối từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào.
32% người Ukraine đồng ý nhượng một phần lãnh thổ đổi lấy hòa bình
Reuters đưa tin, hôm 23/7 Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (Kyiv International Institute of Sociology, KIIS) cho biết, một cuộc thăm dò ý kiến của 1.067 người Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát đã được tiến hành trong khoảng thời gian từ 16/5 đến 22/5. Kết quả cho thấy, 32% người Ukraine đồng ý với một số hình thức nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga để đổi lấy việc nhanh chóng kết thúc cuộc chiến Nga – Ukraine. Một năm trước, tỷ lệ này chỉ ở mức 10%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ người Ukraine đồng ý từ bỏ một phần lãnh thổ của mình đã tăng lên 19%.
Cuộc thăm dò của KIIS cho thấy, 55% người Ukraine vẫn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ nào.
Gần 29 tháng kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện Nga – Ukraine nổ ra, quân đội Nga đã chiếm khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea chiếm được từ năm 2014. Hậu quả là chính quyền Kyiv rơi vào thế bất lợi trong các cuộc đàm phán đình chiến.
Cuộc thăm dò của KIIS không hỏi cụ thể người Ukraine rằng họ sẵn sàng nhượng bộ phần lãnh thổ nào, hoặc họ nên nhượng bộ bao nhiêu lãnh thổ. Về vấn đề này, KIIS tuyên bố rằng những người được phỏng vấn không nhất thiết tin rằng việc nhượng bộ đối với một số vùng lãnh thổ đồng nghĩa với việc công nhận những vùng lãnh thổ này thuộc về Nga.
Trong một tuyên bố về kết quả cuộc thăm dò, KIIS cho biết: “Ví dụ, một số người sẵn sàng trì hoãn việc thu hồi một số vùng lãnh thổ nhất định cho đến khi có thời cơ tốt hơn trong tương lai.”
Năm 2022, chính quyền Moscow đơn phương tuyên bố sáp nhập 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye ở miền đông Ukraine mà họ kiểm soát.
Ông Anton Hrushetskyi, giám đốc điều hành của KIIS, phát biểu trong một cuộc họp báo với các cơ quan báo chí rằng người Ukraine vẫn phản đối ý tưởng giải pháp hòa bình với Nga bằng bất cứ giá nào.
Thăm dò châu Âu cho thấy: Đàm phán là cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine
Tờ Guardian và Politico đưa tin, trong nửa đầu tháng 5 năm nay, tổ chức tư vấn toàn châu Âu “Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu” (The European Council on Foreign Relations, ECFR) đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến với 19.566 người ở 15 quốc gia châu Âu. Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, rất ít người được hỏi tin rằng Ukraine có thể đạt được chiến thắng quân sự hoàn toàn trong cuộc chiến Nga – Ukraine.
Bất chấp sự đảo ngược của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, hầu hết cử tri châu Âu vẫn ủng hộ viện trợ cho chính quyền Kyiv. Sự ủng hộ này cho rằng viện trợ cho Ukraine là cần thiết, nhưng không phải để chính quyền Kyiv đạt được chiến thắng toàn diện trên chiến trường Ukraine, mà là nhằm nâng cao thực lực của Ukraine trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga.
Trong số các nước châu Âu được phỏng vấn, người Estonia tin rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine; hầu hết người dân Thụy Điển và Ba Lan đều hy vọng châu Âu sẽ hỗ trợ Ukraine tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ. Đa số ở Ý, Hy Lạp và Bulgaria cho rằng việc tăng cung cấp vũ khí cho Ukraine là một ý tưởng tồi.
Nhìn chung, Ý trở thành quốc gia ít ủng hộ Ukraine nhất trong số các cường quốc châu Âu lớn. Các nước như Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ thiếu sự đồng thuận quốc gia về cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng như lập trường của EU.
Tại Pháp, Tổng thống Macron đã thất bại trong việc thuyết phục người Pháp đi theo sự dẫn dắt của ông và áp dụng lập trường thân Ukraine mạnh mẽ hơn. Một phần ba người Pháp ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine giành lại lãnh thổ đã mất, một phần ba muốn thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, và một phần ba khác giữ thái độ chờ xem.
Ông Ivan Krastev, đồng tác giả báo cáo khảo sát và chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do, cho biết “Đối với Ukraine, điều đáng chú ý về tình trạng dư luận công chúng đó là tính ổn định – trong khi xung đột đang leo thang.” “Thái độ của công chúng không bị đóng băng ở rất nhiều phương diện”.
Ông Mark Leonard, đồng tác giả cuộc thăm dò và giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết: “Cuộc thăm dò mới của chúng tôi cho thấy một trong những thách thức chính mà các nhà lãnh đạo phương Tây phải đối mặt là lập trường xung đột giữa người châu Âu và người Ukraine trong vấn đề làm thế nào để kết thúc chiến tranh Nga – Ukraine.”
Thiếu kinh phí chiến tranh, Kyiv lên kế hoạch bán đấu giá tài sản nhà nước
Tờ New York Times đưa tin, trong 60 năm qua Khách sạn Ukraine ở thủ đô Kyiv đã cùng với người Ukraine chứng kiến một số khoảnh khắc lịch sử quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước. Người Ukraine ăn mừng sự sụp đổ của Liên Xô tại quảng trường phía trước khách sạn 14 tầng và cũng lật đổ các nhà lãnh đạo Ukraine trong một phong trào phản kháng được gọi là Quảng trường Độc lập.
Khách sạn Ukraine hiện nằm trong kế hoạch nhằm bán bớt một số tài sản lớn thuộc sở hữu nhà nước của chính quyền Kyiv, giá khởi điểm của khách sạn này được đưa là 25 triệu USD. Do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine tàn khốc và kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Ukraine và làm cạn kiệt ngân khố quốc gia, chính quyền Kyiv cần nguồn vốn để hỗ trợ quân đội và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Theo kế hoạch của chính quyền Kyiv, bắt đầu từ mùa hè này, ngoài các khách sạn Ukraine, khoảng 20 doanh nghiệp nhà nước ở Kyiv, bao gồm một trung tâm mua sắm lớn và một số công ty khai thác mỏ và hóa chất, cũng sẽ được bán đấu giá.
Chính quyền Kyiv có hai mục tiêu chính trong việc thúc đẩy tư nhân hóa tài sản nhà nước: 1. Huy động vốn cho chi tiêu quân sự dưới 5 tỷ USD của quân đội Ukraine trong năm nay; 2. Thúc đẩy nền kinh tế quốc gia đang gặp khó khăn của Ukraine bằng cách thu hút đầu tư.
Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Oleksiy Sobolev cho biết: “Ngân sách quốc gia đang thâm hụt và chúng ta cần tìm những cách khác để có được nguồn vốn nhằm duy trì sự ổn định của tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quân đội Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống lại Nga.”
Tuy nhiên, kế hoạch tư nhân hóa của Chính phủ Ukraine chỉ có thể đi đến bước này, đây là một thách thức lớn đối với một quốc gia đang có chiến tranh, nhiều người Ukraine lo ngại rằng việc tư nhân hóa tài sản nhà nước có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề tham nhũng tràn lan ở Ukraine.
Ông Ievgen Baranov, giám đốc điều hành của công ty đầu tư Dragon Capital có trụ sở tại Kyiv, cho biết việc tư nhân hóa tài sản nhà nước sẽ chỉ hiệu quả nếu Chính phủ Ukraine “đóng vai trò là người bán có trách nhiệm và có thể cung cấp sự đảm bảo cũng như bồi thường cho những người mua tiềm năng”.
Cân nhắc việc các nhà đầu tư có thể bị cản trở bởi cuộc chiến Nga – Ukraine, chính quyền Kyiv đã đặt ra cho mình một mục tiêu tương đối ổn định: Bán ít nhất khoảng 100 triệu USD tài sản nhà nước trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chẳng là gì so với gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD của các nước phương Tây.
Các quan chức và chuyên gia Chính phủ Ukraine thừa nhận, do rủi ro do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, nên giá đấu giá tài sản nhà nước có thể thấp hơn so với thời kỳ trước chiến tranh. Tuy nhiên, ngoài việc mang lại nhiều đầu tư hơn, Chính phủ Ukraine hy vọng rằng việc tư nhân hóa tài sản nhà nước cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu từ thuế nhà nước, giúp hỗ trợ nền kinh tế Ukraine.
Ông Michael Lukashenko, đối tác tại Công ty Luật Aequo, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn về tư nhân hóa công ty, cho biết: “Chính phủ quốc gia đang cần vốn gấp, nếu không bán tài sản nhà nước ngay bây giờ để tập trung nguồn tiền thì sẽ sớm không còn tài sản nữa. Bởi vì tài sản thuộc sở hữu nhà nước có thể bị tiêu hủy hoặc bị chiếm dụng.”
Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Ukraine thừa hưởng nhiều doanh nghiệp nhà nước được quản lý kém và nợ nần chồng chất. Theo số liệu chính thức của Ukraine, chính quyền Kyiv hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp nhà nước, trong đó chưa đến một nửa đang thực sự hoạt động và chỉ 15% có lợi nhuận.
Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ Ukraine là chỉ giữ quyền kiểm soát 100 doanh nghiệp nhà nước.
Từ khóa Hòa Bình Chiến tranh Nga - Ukraine Người Ukraine