Lá thư khiến người Mỹ thức tỉnh về vụ Thảm sát Mỹ Lai
Cuối tháng 4/1968, người lính bộ binh Ronald Ridenhour lần đầu tiên nghe nói về “Pinkville (cách người Mỹ gọi làng Mỹ Lai) và những gì kinh khủng đã xảy ra ở đây.
Dù không trực tiếp nhìn thấy, nhưng “nghe được từ những đồng đội có mặt trong vụ thảm sát”, Ridenhour chuyển từ không tin, đến bị sốc và không thể ngồi yên. Ông đã âm thầm thu thập bằng chứng và viết một bức thư kêu gửi tới Quốc hội Hoa Kỳ và Tổng thống Richard Nixon, khẩn cấp yêu cầu điều tra tội ác này.
Tạp chí Time mô tả lá thư này đã “thay đổi cách người dân Mỹ nghĩ và nói về chiến tranh Việt Nam”.
Dưới đây là nội dung lá thư:
Ông Ron Ridenhour
số 104, 1416 Đường Thomas Đông
Thành phố Phoenix, bang Arizona
Ngày 29/3/1969
Thưa các ngài,
Đó là vào cuối tháng 4/1968, khi tôi lần đầu tiên nghe nói về “Pinkville” và những gì được cho là đã xảy ra ở đó. Tôi nghe câu chuyện lần đầu tiên với sự hồ nghi. Nhưng trong những tháng sau đó tôi đã được nghe những lời kể tương tự từ nhiều người đến mức mà tôi không thể không tin rằng có cái gì đó đen tối và đẫm máu đã thực sự xảy ra trong tháng 3/1968, ở một ngôi làng tên là “Pinkville” ở Cộng Hòa Việt Nam.
Hoàn cảnh dẫn tới việc tôi được tiếp cận những báo cáo mà tôi chuẩn bị nêu ra cần được giải thích. Vào cuối tháng 4/1968, khi đang đợi lệnh chuyển từ Lữ đoàn HHC IIth sang Đại đội bộ binh E 51, tình cờ tôi gặp binh nhất “Butch” Gruver , người mà tôi đã quen biết ở Hawaii. Gruver nói với tôi rằng anh ta đã phục vụ ở đại đội Đại đội C1 cho tới ngày 1/4 trước khi anh chuyển tới đơn vị mà tôi cũng sắp tới. Trong khi trò chuyện, anh ta đã kể cho tôi câu chuyện đầu tiên trong rất nhiều câu chuyện mà tôi được nghe về “Pinkville”.
Đại đội Charlie đã được điều động vào Đội đặc nhiệm Barker vào cuối tháng 2/1968 để giúp thực hiện chiến dịch “tìm và diệt” trên Mũi Ba Làng An, khu vực hoạt động của Barker. .. Gruver nói rằng Đại đội Charlie đã phải chịu thương vong, chủ yếu là do mìn và bẫy gần như mỗi ngày từ ngày đầu tiên họ tới Mũi Ba. Có một ngôi làng đặc biệt khó nhằn và dường như giăng đầy bẫy mìn và quân địch. Nơi đó nằm cách Quảng Ngãi 6 dặm về phía đông bắc … Đó là một nơi khét tiếng và những người của Đội đặc nhiệm Barker đã đặt cho nó một cái tên đặc biệt: họ gọi nó là “Ngôi làng đỏ”. (Pinkville).
Một buổi sáng vào nửa cuối tháng Ba, Đội Barker di chuyển ra khỏi căn cứ và hướng tới Pinkville. Nhiệm vụ của họ: giải quyết vấn đề ở khu vực đó và giết toàn bộ cư dân. Khi “Butch” nói với tôi điều này, tôi không tin những gì anh ta nói là sự thật, nhưng anh cam đoan và kể tiếp về những gì xảy ra sau đó.
Có hai đại đội khác cũng tham gia trong nhóm Barker, có nhiệm vụ bao vây làng để đội Charlie có thể xâm nhập, phá hủy nhà cửa và giết thường dân. Bất cứ ai chạy trốn được khỏi Đội Charlie thì bị đội bao vây chặn lại. Tôi hỏi “Butch” nhiều lần rằng có phải toàn bộ dân làng đều bị giết không. Anh trả lời, anh tin là như vậy, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con.
Anh kể rằng anh nhìn thấy một thằng bé, khoảng 3,4 tuổi, đứng cạnh con đường mòn với vết đạn trên một cánh tay. Đứa bé nắm chặt vết thương bằng tay còn lại, và máu nhỏ xuống từng ngón tay của nó. Nó nhìn xung quanh, hoảng loạn và kinh hoàng. “Nó cứ đứng đấy, mắt mở to nhìn chằm chằm vào mọi thứ xung quanh như là nó chưa hiểu gì; nó không tin được những gì đang xảy ra. Sau đó người đeo điện đàm Radio của đội trưởng kết liễu nó bằng một phát đạn M16”. Điều đó quá tồi tệ, Gruver nói, tới mức mà một trong số binh lính trong đội của anh đã tự bắn vào chân để được sơ tán y tế ra khỏi vùng đó, và để không phải tham gia vào cuộc giết chóc.
Mặc dù không nhìn thấy, Gruver đã được nhiều người kể lại và anh cũng coi là đáng tin, rằng một trong số các sĩ quan của Charlie, thiếu úy William Calley đã lùa người dân làng vào thành từng nhóm (mỗi nhóm ít nhất 20 người, gồm cả nam, nữ và già, trẻ). Theo câu chuyện của Gruver, Calley đã xả súng máy vào những nhóm người này. Gruver ước tính số người dân ở làng khi đó là từ 300 đến 400 người, và rất rất ít người, nếu có, trốn thoát được.
Sau khi nghe kể chuyện này, tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi không thể tin rằng không chỉ rất nhiều thanh niên Mỹ tham gia vào một hành động man rợ như vậy, mà đây còn là mệnh lệnh của các chỉ huy của họ. Có những người đàn ông khác ở đơn vị mà tôi đến… những người đã ở Đại đội Charlie vào thời gian mà Gruver nói sự kiện “Pinkville” diễn ra. Tôi quyết tâm đến hỏi họ về “Pinkville” để có thể so sánh những gì họ nói với câu chuyện của binh nhất Gruver.
Khi tôi tới đơn vị mới … những người đầu tiên tôi tìm đến là binh nhất Michael Terry và William Doherty. Cả hai đều là cựu binh của Đại Đội Charlie và “Pinkville”. Nhưng thay vì phản đối Gruver, họ lại củng cố nó, bổ sung những mẩu thông tin của riêng họ. Terry và Doherty đã phục vụ trong cùng một đội, là trung đội thứ ba của Đại đội C di chuyển qua ngôi làng. Khi họ đến, hầu hết dân làng đã chết. Những người chưa chết thì bị lật ra và bắn chết. Đội của họ không để lại cái gì còn sống, kể cả gia súc và con người.
Đến khoảng trưa, đội của họ dừng lại để ăn. “Billy (William Doherty) và tôi bắt đầu lấy thức ăn ra”, Terry nói, “nhưng ở gần chúng tôi là những cơ thể người Việt Nam chồng thành một đống, vẫn còn có người đang kêu khóc. Calley đã đến đây trước chúng tôi và tất cả dân làng đã bị bắn, nhưng còn có nhiều người chưa chết. Rõ ràng là họ sẽ không được chăm sóc y tế, do đó Billy và tôi đứng dậy và bước đến chỗ những người này. Tôi đoán là chúng tôi đã kết liễu họ”.
Terry tiếp tục nói rằng anh và Doherty sau đó quay lại chỗ đồng đội và ăn trưa. Anh ước tính số lượng dân làng từ 200 đến 300 người. Doherty nghĩ rằng dân số của Pinkville là 400 người.
Nếu có thể tin vào Terry, Doherty và Grover, thì không chỉ Đại Đội Charlie nhận được lệnh giết hết dân làng – mà lệnh này còn đến từ sĩ quan chỉ huy của Đội Đặc nhiệm Barker, hay thậm chí nhân vật cao hơn trong quân đội. Binh nhất Terry nói rằng khi Đại úy Medina đã ra lệnh phá hủy “Pinkville”, ông đã chần chừ, như thể là ông không muốn nhưng buộc phải làm vậy. Những người khác mà tôi được trao đổi đồng ý với Terry về chuyện này.
Từ đó tới tháng 6, tôi không hỏi được ai có gì đó đáng kể để bổ sung cho những gì tôi được kể về sự kiện “Pinkville”. Nhưng tới cuối tháng 6/1968, tôi tình cờ gặp trung sĩ Larry La Croix… Những gì anh ta nói với tôi đã xác nhận các câu chuyện của những người khác, nhưng anh ta cũng có bổ sung. Anh ta là một nhân chứng chứng kiến Calley nã đạn vào ít nhất 3 nhóm người riêng biệt.
“Thật tồi tệ. Họ giết chóc dân làng như giết cừu”. Lính của Calley kéo người ta ra khỏi những con hào và hầm trú ẩn, dồn họ thành từng nhóm. Mỗi nhóm đều có nam, nữ, trẻ con lóc nhóc đủ độ tuổi. Khi thấy nhóm người đã đủ, Calley ra lệnh đặt súng máy M-60 và giết họ. La Croix nói rằng anh đã chứng kiến quá trình này ít nhất 3 lần. Ba nhóm dân làng nhiều ít khác nhau, một nhóm khoảng 20 người, một nhóm khoảng 30 và nhóm còn lại khoảng 40 người.
Thực tế là, điều gì chính xác đã xảy ra ở làng “Pinkville” hồi tháng 3/1968, tôi không thể biết chắc – nhưng tôi bị thuyết phục rằng có điều gì đó rất đen tối quả thực đã xảy ra. Tôi vẫn tin tưởng một cách không thể lay chuyển rằng nếu các ngài và tôi thực sự tin vào các nguyên tắc của công lý và công bằng cho tất cả mọi người, dù cho họ có hèn mọn như thế nào, trước pháp luật, nguyên tắc mà đã hình thành chính xương sống của đất nước này, thì chúng ta phải tiến hành một cuộc điều tra công khai và rộng khắp về vấn đề này, với tất cả nỗ lực kết hợp mà ta có.
Ngài Winston Churchill đã từng nói “Một quốc gia không có lương tri là một quốc gia không có linh hồn, mà một quốc gia không có linh hồn thì không thể sống sót”. Tôi thấy rằng tôi phải làm một cái gì đó về vấn đề này. Tôi hy vọng các ngài sẽ tiến hành điều tra ngay lập tức và cho tôi biết tiến triển của nó. Nếu các ngài không thể làm được, thì tôi không còn biết phải làm gì khác nữa. Tôi đã cân nhắc gửi lá thư này tới các tờ báo, tạp chí và công ty phát thanh, nhưng vì lý do nào đó cảm thấy một cuộc điều tra và hành động của Quốc hội Hoa Kỳ là tiến trình hợp lý, và là một công dân còn lương tri, tôi không hề có mong muốn bôi nhọ hình ảnh của người lính Hoa Kỳ trong con mắt thế giới. Tôi cảm thấy hành động của tôi, trong khi nó có lẽ sẽ thu hút chú ý, cũng sẽ không mang lại được các phản ứng có tính xây dựng mà hành động trực tiếp của Quốc hội Hoa Kỳ có thể làm được.
Kính thư
Ron Ridenhour
Ridenhour đã gửi lá thư này tới Tổng thống Nixon, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quan Hoa Kỳ cùng các nghị sĩ Quốc hội.
Nỗ lực của Ridenhour đã khiến chính phủ Mỹ phải tiến hành điều tra và cáo buộc nhiều chỉ huy quân đội của Charlie, trong đó đáng chú ý là sự kết tội thiếu úy William Calley.
Quá trình ông đi tìm hiểu về vụ thảm sát Mỹ Lai và được viết lại trong bài viết: “Jesus là người da vàng” đăng trong quyển sách về chiến tranh Việt Nam: “Không ai được xuống xe, Một quyển sách lớn về thế hệ Việt Nam”.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh Việt Nam Thảm sát Mỹ Lai