Mỹ bán nhiều vũ khí cho Đài Loan: Chuyên gia bàn về quan hệ Mỹ – Trung – Đài
- Trần Hán
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên sử dụng vũ lực để đe dọa Đài Loan, trong khi mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ ngày càng gần gũi hơn. Hiện nay Mỹ đã đẩy mạnh việc bán vũ khí tiên tiến cho Đài Loan ngay khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề, và 5/7 loại vũ khí dự tính đã được Mỹ thông qua.
5/7 loại vũ khí dự tính đã được Mỹ thông qua
Ngày 13/10, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Mỹ có ý định bán 7 loại vũ khí cho Đài Loan, và ngày hôm đó đã có thêm 2 loại vũ khí được Chính phủ Mỹ thông qua. Hai loại vũ khí này là UAV MQ-9 của hãng General Atomic Aviation Systems và tên lửa chống hạm Harpoon trên bờ do hãng Boeing sản xuất.
Trước đó vào ngày 12, Reuters đưa tin rằng hôm đó Nhà Trắng đã đưa ra thông báo cho Quốc hội về vấn đề bán vũ khí đối với ba loại vũ khí là: “Hệ thống nhiều tên lửa cơ động cao” do công ty Lockheed Martin sản xuất; và “Tên lửa tấn công đất liền tầm xa” do hãng Boeing sản xuất, ngoài ra còn các phụ kiện bên ngoài được lắp đặt trên tiêm kích F-16 có thể truyền hình ảnh và dữ liệu trở lại mặt đất trong thời gian thực.
Tính đến nay Mỹ đã phê duyệt thông qua 5/7 hệ thống vũ khí trong dự tính bán cho Đài Loan.
Tờ Epoch Times (Mỹ) dẫn lời nhà nghiên cứu Lý Chính Tu (Li Zhengxiu) là chuyên gia quân sự và phụ trách tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, cho biết rằng trước đây việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan phải qua ba lần cân nhắc: xem xét đề xuất của Bộ Quốc phòng, Quốc hội Mỹ thảo luận, ngoài ra phải có thông báo trước cho Trung Quốc; nhưng sau khi Trump nhậm chức thì mô hình này đã được thay đổi và chính quyền Trump đã trực tiếp thông báo cho Quốc hội biết họ muốn bán vũ khí nào cho Đài Loan.
“Với thực trạng xấu đi của quan hệ Mỹ-Trung thì mức độ và tần suất bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đã tăng lên, Mỹ đã nhận thấy trước đây chưa chú trọng đúng mức đối với nhu cầu quân sự của Đài Loan, việc bán vũ khí lần này đã giúp cải thiện đáng kể khả năng tự vệ của Đài Loan”, ông Lý Chính Tu chia sẻ.
Nhà quan sát này cũng cho rằng những vũ khí mà lần này Mỹ bán hoàn toàn khác với trước đây, chúng đều có khả năng tấn công vào các thành phố tại Đại Lục, thậm chí còn có cơ hội tấn công một số căn cứ chiến lược ở chiến khu phía đông của Đại Lục, đó là những vũ khí phòng thủ rất có hiệu quả răn đe dọa đối với ĐCSTQ.
“Trước đây, vũ khí của Đài Loan chủ yếu là phòng thủ, nếu những nguồn lực tấn công tầm xa này được trang bị tên lửa siêu âm và siêu thanh do Đài Loan tự chế tạo thì ĐCSTQ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trong ý đồ dùng vũ lực thống nhất Đài Loan. Đây là tiến bộ đáng kể của Đài Loan trong những năm gần đây về việc mua sắm quân sự cũng như nghiên cứu và phát triển vũ khí, đồng thời cũng là một lợi thế cho quốc phòng của Đài Loan.”
Mỹ tuyên bố rằng chất lượng của việc bán vũ khí cho Đài Loan phụ thuộc vào mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan. “Nói cách khác, nếu ĐCSTQ giảm bớt mối đe dọa đối với Đài Loan thì Mỹ sẽ xem xét chặt chẽ và toàn diện hơn việc bán vũ khí cho Đài Loan”, ông Lý Chính Tu nói.
Đài Loan trở lại vũ đài chính trị quốc tế chỉ còn là thời gian
Tờ Epoch Times cũng dẫn lời học giả Qua Bích Đông (Ge Bidong), một học giả độc lập về Trung Quốc tại Mỹ, ông chỉ ra quan điểm cho rằng ĐCSTQ lợi dụng cuộc bầu cử Mỹ để tấn công Đài Loan rõ ràng là một thông tin bịa đặt cấp thấp và không đáng được quan tâm, vì tuy ĐCSTQ là thể chế kiểu nhân trị đầy bất thường nhưng nó không ngu ngốc đến mức làm cái việc dại dột mà rõ ràng là tự chuốc hại vào thân.
“Không dễ để đánh Đài Loan. Thứ nhất là hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn chưa rời Biển Đông; thứ hai là ‘Tiểu NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương’ mới được thành lập, mục đích là để kiềm chế ĐCSTQ, không thể nào ĐCSTQ không hiểu điều đó, vì vậy nếu đánh Đài Loan thì ĐCSTQ chỉ tự hại họ. Hơn nữa, lợi dụng bầu cử Mỹ là ý tưởng ngu ngốc, thử nghĩ xem sau cuộc bầu cử Mỹ sẽ làm gì?”, ông nói.
Chuyên gia này cũng nhận định đối với ĐCSTQ thì Đài Loan chỉ là một con bài đe dọa Mỹ và cộng đồng quốc tế; cũng là một phương tiện để ĐCSTQ chuyển hướng những xung đột trong nước. Nhưng nếu ĐCSTQ phải trả giá đắt để có được Đài Loan thì không bao giờ họ lựa chọn. Đối với Mỹ, địa vị quân sự của Đài Loan ở châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng hơn do thực trạng chia tách giữa Đài Loan và ĐCSTQ. “Đồng thời, là một nước tự do và dân chủ, để giữ vững hình ảnh đất nước thì về đạo lý Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan. Trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ này, Đài Loan sẽ là bên chiến thắng thực sự.”
Nhưng ông Qua Bích Đông cũng cảnh báo dù xu hướng chủ đạo Đài Loan vẫn là nhận thấy trước trong mối quan hệ Mỹ-Đài, nhưng mâu thuẫn nội bộ đã làm lỡ nhiều cơ hội có lợi. Ông cảm thấy tiếc vì nhiều cơ hội đã không nắm bắt được. Nếu ông Trump tái đắc cử thì chuyện quan hệ Mỹ-Đài phát triển đến mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào Đài Loan. Đài Loan phải hiểu chủ nghĩa thực dụng và tư duy kiểu thị trường của ông Trump, đồng thời tận dụng tình hình để nắm bắt mọi cơ hội.
Về mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, ông cho rằng ĐCSTQ nhất định ngày càng suy tàn, nhưng có một quá trình; Mỹ sẽ có một giai đoạn điều chỉnh đau đớn, nhưng sẽ trở lại với sức mạnh truyền thống của Mỹ; Đài Loan sẽ bước vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử, nhưng nó cần những chấn chỉnh mạnh mẽ nội bộ để hóa giải các tác động xấu.
“Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan và việc Đài Loan trở lại hệ thống chính trị quốc tế là một xu hướng tất yếu, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi”, ông Qua Bích Đông chia sẻ.
Theo Trần Hán / Epoch Times
MỜI XEM VIDEO:
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan Dòng sự kiện Trung Quốc tấn công Đài Loan Quan hệ Mỹ - Trung - Đài