Mỹ đưa ra chiến lược mạng mới nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc
- Phan Anh
- •
Chiến lược mới công bố của Mỹ được đưa ra giảm bớt ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trên không gian mạng.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố một chiến lược an ninh mạng mới đầy tham vọng nhằm tìm cách hạn chế ảnh hưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số của Nga và Trung Quốc ở các nước đang phát triển.
Đây là sự cập nhật chiến lược an ninh mạng của Mỹ lần đầu tiên sau 13 năm. Các mối đe dọa ngày càng trở nên phức tạp hơn và trầm trọng hơn do sự phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiến lược được công bố trong bối cảnh với khoảng một nửa dân số thế giới tiến hành bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào năm 2024, nhấn mạnh rằng khả năng dễ bị tổn thương trước “sự can thiệp” trên không gian mạng là “đặc biệt nghiêm trọng” và đòi hỏi Mỹ phải liên tục “vạch trần các tin tặc và những đối tượng đang tìm cách làm suy yếu niềm tin vào các nền dân chủ phương Tây”.
Như vậy, cốt lõi của chiến lược là bảo vệ các đồng minh của Mỹ và giảm bớt ảnh hưởng trên mạng của những nước như Nga và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hợp tác giữa các đồng minh phương Tây để bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa như tấn công mạng và thông tin sai lệch, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử.
Washington đang giải phóng kho vũ khí ngoại giao của mình để giúp các công ty công nghệ sáng tạo từ Mỹ và các nơi khác cạnh tranh để giành cơ hội kinh doanh, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong bài phát biểu công bố chiến lược hôm 6/5 tại Hội nghị RSA ở San Francisco, một trong những diễn đàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Ông Blinken cho hay: “Chúng tôi không thể chấp nhận những công nghệ mà Mỹ đã phát triển, bị sử dụng để chống lại chúng tôi hoặc bạn bè của chúng tôi, rơi vào tay những kẻ xấu hoặc tăng cường khả năng quân sự của các đối thủ cạnh tranh chiến lược”.
Theo tờ Politico, chiến lược mới nêu ra bốn lĩnh vực trọng tâm chính như thúc đẩy một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn trên toàn cầu; duy trì các phương pháp tiếp cận công nghệ kỹ thuật số “tôn trọng quyền” của các quốc gia đồng minh; xây dựng liên minh để chống lại các cuộc tấn công mạng độc hại; và tăng cường khả năng phục hồi an ninh mạng của các quốc gia đối tác.
Nội dung cuối cùng trên tập trung vào quỹ Kết nối Kỹ thuật số và Không gian mạng mới được thành lập của Bộ Ngoại giao. Chu kỳ phân bổ ngân sách liên bang gần đây nhất được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật đã trao cho quỹ này 50 triệu USD, nhằm giúp các quốc gia đồng minh tăng cường an ninh mạng của họ.
Trước khi thành lập quỹ, Mỹ đã cấp các khoản tài trợ một lần cho mục đích này cho các quốc gia bao gồm Albania và Costa Rica sau các cuộc tấn công mạng riêng lẻ nhằm vào các dịch vụ của chính phủ ở các quốc gia đó.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng có kế hoạch tăng cường vai trò trong các nỗ lực ngoại giao mạng tại Liên hợp quốc. Chiến lược mới kêu gọi thúc đẩy nhiều “cuộc đối thoại định hướng hành động” hơn nữa tại Liên hợp quốc về các vấn đề mạng, bao gồm việc thực hiện khuôn khổ về hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng.
Nathaniel Fick, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách không gian mạng và kỹ thuật số cho biết một “chương trình hành động” để triển khai khuôn khổ này đang được tiến hành.
Sự ra đời của AI sẽ nhanh chóng thay đổi tất cả các lĩnh vực và làm thay đổi ồ ạt thế giới về các mối đe dọa mạng và các biện pháp tấn công. Chiến lược mới cam kết rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc chỉ đạo” xung quanh việc phát triển và sử dụng công nghệ AI, bao gồm cả việc thúc đẩy “các chuẩn mực toàn cầu” trong không gian này.
Ông Fick cho biết: “Có rất nhiều vấn đề không liên quan đến địa chính trị, không liên quan đến ứng dụng quân sự, nơi mà Mỹ, Trung Quốc cũng như các nền kinh tế và chính phủ trên thế giới có nhiều điểm chung để hợp tác”.
Phan Anh
Video: Giữ được vẻ mặt ôn hòa là giáo dưỡng cao thượng
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Nga nguy cơ của trí tuệ nhân tạo chiến lược mạng Quan hệ Mỹ - Trung