Mỹ tìm cách phong tỏa tài sản của Kim Jong-un
- Yên Sơn
- •
Trong bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn mới nhất mà Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có rất nhiều các lệnh cấm mới. Trong đó, đáng chú ý phía Mỹ sẽ thực hiện lệnh phong tỏa tài sản và cấm di trú đối với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un họp với các lãnh đạo cao cấp của Đảng Lao động Triều Tiên trước vụ thử bom hạt nhân hôm 3/9.
Theo BBC, Hoa Kỳ đã gửi dự thảo nghị quyết trừng phạt mới lên Hội đồng Bảo an vào thứ Hai (4/9). Đây là biện pháp mà Mỹ dùng để đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn.
BBC cho hay bản dự thảo nghị quyết kêu gọi cấm cung cấp tất cả các sản phẩm dầu tới Bắc Triều Tiên và các nước không được nhập khẩu hàng dệt may của Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, lệnh trừng phạt sẽ tính đến việc phong tỏa tài sản của ông Kim Jong-un và cấm lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn di trú ra nước ngoài.
Biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ bao gồm việc cấm chế độ Bình Nhưỡng đưa lao động tới nước ngoài làm việc và chặn nguồn tiền này từ bên ngoài gửi về trong nước.
Các chuyên gia về tình hình Bắc Triều Tiên cho rằng nguồn tiền từ xuất khẩu hàng dệt may và ngoại tệ của người lao động gửi từ nước ngoài về là hai trong số những khoản thu nhập quan trọng nhất của chế độ Kim Jong-un.
Nếu những lệnh cấm trên được Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua thì đây là biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất áp đặt lên Bắc Triều Tiên trong hơn 20 năm qua.
Phía Hoa Kỳ cho rằng động thái này là cần thiết để ép ông Kim Jong-un vào bàn đàm phán. Bắc Hàn đang đạt được những tiến bộ rất nhanh trong cả công nghệ tên lửa và hạt nhân. Họ đã thử thành công 2 tên lửa xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng 7 và trong tháng 8 đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua bầu trời miền bắc Nhật Bản và mới nhất là thử bom hạt nhân thành công. Cho dù đó có phải là bom H hay không, các chuyên gia cũng đánh giá sức công phá của quả bom hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng đã đủ để phá hủy một thành phố của Mỹ.
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an đầu tuần này, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Helay đã nói rằng 20 năm qua các biện pháp trừng phạt đã được tăng cường từng chút một, nhưng vẫn không ngăn chặn được chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Bà Haley nhấn mạnh rằng: “[Những gì Bắc Hàn thể hiện] là quá đủ rồi. Chúng ta bây giờ phải thông qua các biện pháp mạnh nhất có thể”.
Theo Reuters, bà đại sứ Mỹ bày tỏ hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ thông qua nghị quyết mới vào thứ Hai (11/9).
Tuy nhiên, đề xuất này của Hoa Kỳ có thể sẽ đối mặt với sự phản đối của một số nước, trong đó có Nga và Trung Quốc. Cả Bắc Kinh và Moscow đều tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc đang là hai nhà cung cấp dầu khí hàng đầu cho Bắc Hàn. Khả năng đại diện của hai nước này tại LHQ dùng quyền phủ quyết trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết trừng phạt mới là rất cao.
Phần lớn lượng xăng dầu tại Bắc Hàn là nhập khẩu từ Trung Quốc, một phần nhỏ nhập từ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin lập luận rằng sản lượng dầu mà nước này xuất sang Bắc Hàn khoảng 40.000 tấn là không đáng kể.
Ông Putin nói với hãng tin AFP (Pháp) rằng các biện pháp trừng phạt tăng cường không phải là câu trả lời cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
“Không đáng để cố ép Bắc Triều Tiên vào một góc”, ông Putin nói với AFP.
Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh truyền thống và lớn nhất của Bắc Hàn – cũng có chung quan điểm với Nga. Bắc Kinh chỉ ủng hộ việc duy trì lệnh trừng phạt đã áp đặt lên Bình Nhưỡng từ đầu tháng 8, chứ không có ý định sẽ thông qua các biện pháp mới nghiêm khắc hơn.
Theo Reuters, Trung Quốc đang cung cấp cho Bắc Hàn khoảng 520.000 tấn dầu thô mỗi năm.
Năm ngoái, Trung Quốc vận chuyển 96.000 tấn xăng và gần 45.000 tấn dầu diesel cho Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng sử dụng sản phẩm năng lượng nhập khẩu này trong toàn bộ nền kinh tế, từ phục vụ ngư dân, nông dân cho đến những người lái xe tải và quân đội.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Donald Trump Vladimir Putin căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Bắc Triều Tiên