Mỹ âm thầm theo đuổi chiến lược đàm phán với Bắc Hàn
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gần đây tuyên bố rằng những cuộc đàm phán với Bắc Hàn chỉ phí thời gian. Tuy nhiên, đằng sau cánh gà, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đang bí mật, lặng lẽ xúc tiến các cuộc đối thoại với các quan chức Bắc Triều Tiên để từng bước khiến Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Joseph Yun (trái), đại diện của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Hàn đang giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với chế độ Bình Nhưỡng.
Reuters cho hay Hoa Kỳ đang sử dụng nhiều kênh đàm phán hậu trường khác nhau để tiếp xúc với các nhà ngoại giao Bắc Hàn, trong đó có “kênh New York”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng trong thời gian hai ông Donald Trump và Kim Jong-un sa lầy vào các cuộc khẩu chiến gay gắt, nhà đàm phán của Mỹ Joseph Yun đã bí mật gặp gỡ, đối thoại với phái đoàn ngoại giao Bắc Hàn làm nhiệm vụ tại Liên Hiệp Quốc ở New York.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm 17/10 cũng đã nói rõ rằng ông sẽ tiếp tục “nỗ lực ngoại giao…cho đến khi trái bom đầu tiên trút xuống”. Tuyên bố này của Ngoại trưỡng Mỹ là một chỉ dấu rõ ràng cho việc Hoa Kỳ vẫn đang trực tiếp thảo luận với Bắc Hàn nhiều vấn đề vượt trên việc yêu cầu thả tự do cho các công dân Mỹ đang bị chế độ Bình Nhưỡng giam giữ.
Sau đó, Tổng thống Trump đã đăng tweet cho rằng những nỗ lực ngoại giao của ông Tillerson với Bắc Hàn là “phí thời gian”. Cũng có những thông tin từ phía Hàn Quốc cho rằng những tương tác giữa ông Joseph Yun với chế độ Kim Jong-un đã chấm dứt từ sau khi Bắc Hàn tiến hành thử hạt nhân lần sáu hôm 3/9.
Những cuộc đàm phán hậu trường bí mật cũng không cho thấy những dấu hiệu tích cực trên bề mặt. Ngoài việc Mỹ đưa được sinh viên Otto Warmbier về nước và anh này đã tử vong ít ngày sau đó, thì phía Bắc Hàn vẫn không ngừng leo thang khiêu khích khi liên tiếp thử tên lửa đạn đạo, trong đó có cả tên lửa xuyên lục địa được cho là có thể vươn tới lục địa Mỹ, cùng hai lần phóng hỏa tiễn qua miền bắc Nhật Bản.
Bất chấp những kết quả đạt được chưa nhiều, quan chức Ngoại giao Mỹ vẫn nói với Reuters rằng: “[Các cuộc đàm phán] vẫn chưa bị giới hạn cả về tần suất và mức độ quan trọng”.
Vị quan chức nêu trên nói thêm rằng trong số các nhiệm vụ đàm phán hiện nay của ông Yun với đối tác Bắc Hàn có việc yêu cầu Bình Nhưỡng “dừng thử” hạt nhân và tên lửa.
Trước đó, vào thời điểm ông Trump mới nhậm chức, ông Joseph Yun chỉ giới hạn trong vai trò tìm cách giúp đưa các công dân Mỹ bị Bắc Hàn bắt giữ trái phép về nước.
“Bây giờ sứ mệnh của ông ấy là rộng lớn hơn trước”, quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Nghị sĩ Dân chủ là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn bằng con đường ngoại giao và tăng cường áp lực trừng phạt kinh tế.
Theo Reuters, hôm thứ Ba (31/10), một số Thượng nghị sĩ Dân chủ đã giới thiệu dự luật mới, trong đó họ nói rằng sẽ ngăn cản Tổng thống Trump thực hiện cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào Bắc Hàn.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc và Nga cũng luôn kêu gọi các bên trong mâu thuẫn hạt nhân Triều Tiên phải kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng và sớm ngồi vào bàn đàm phán.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới đây đã nói rằng Trung Quốc hoan nghênh bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
“Chúng tôi khuyến khích Bắc Hàn và Mỹ tiến hành gặp gỡ và đối thoại”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh và thêm rằng bà hy vọng các cuộc đàm phán như vậy có thể giúp đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trở lại quỹ đạo ngoại giao, hướng tới một nghị quyết hòa bình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thúc giục các thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện triệt để các chế tài đối với Bắc Hàn. Cựu Thủ tướng NaUy coi đó là một trong các biện pháp phù hợp để khiến chế độ Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Thae Yong-ho, cựu trưởng phái đoàn ngoại giao Bắc Hàn tại London và đã đào thoát 2016, hôm thứ Ba (31/10) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép lên Bắc Triều Tiên thông qua trừng phạt, và tăng cường “gặp gỡ tối đa” với các quan chức Bình Nhưỡng và đẩy mạnh các nỗ lực thông tin tới người dân Bắc Hàn để họ hiểu rõ nội tình đất nước và bối cảnh quốc tế.
“Tôi tin tưởng vào việc sử dụng quyền lực mềm trước khi thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào”, Reuters dẫn lời ông Thae Yong-ho.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn Bắc Triều Tiên Joseph Yun