Moskva và Kiev đã đồng ý về nguyên tắc để tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm giải quyết cuộc chiến tranh tại Ukraine, theo lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. Ông Fidan đã tham gia cuộc họp với vai trò quan sát viên.

Hakan Fidan
Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. (Ảnh Mert Gokhan Koc/ Getty Images)

Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp mặt giữa các phái đoàn tại Istanbul vào thứ Sáu (16/5), do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong ba năm qua.

Các phái đoàn của Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc về việc tổ chức một cuộc gặp mới”, ông Fidan thông báo trên mạng xã hội X.

Ông Fidan cho biết hai bên đã đồng ý trao đổi 1.000 tù binh từ mỗi phía, đây là cuộc trao đổi lớn nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022. Trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky, và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustem Umerov, đã xác nhận thỏa thuận trao đổi tù bình này.

Hai bên cũng đã đồng ý chia sẻ các đề xuất bằng văn bản nêu rõ các điều kiện cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng, ông Fidan bổ sung thêm.

Cuộc đàm phán này diễn ra sau đề xuất bất ngờ vào Chủ Nhật tuần trước (11/5) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán để giải quyết xung đột.

Hiện chưa có thời hạn cụ thể cho việc trao đổi các đề xuất ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, nhưng theo một nguồn tin từ TASS, hai bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản về việc này.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì vai trò trung lập, tận dụng mối quan hệ ngoại giao với cả Nga và Ukraine để thúc đẩy đối thoại.

Vào tháng 3 năm 2022, nhóm của ông Medinsky đã đàm phán một thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Ukraine. Các điều khoản của thỏa thuận vào thời điểm đó đề xuất việc Nga đảm bảo an ninh cho Kiev, đổi lại Ukraine duy trì vị thế trung lập và hạn chế quy mô quân đội. Tuy nhiên, vào phút chót, Kiev đã đơn phương rút khỏi bàn đàm phán. Ông David Arakhamia, người đứng đầu phái đoàn Ukraine, sau đó tiết lộ rằng, sau khi bản dự thảo thỏa thuận được phê chuẩn sơ bộ, Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã nói với Kiev rằng hãy “tiếp tục chiến đấu”, dẫn đến việc xung đột kéo dài.

Phạm Duy, theo RT