Nhà báo Mỹ đăng những gì chứng kiến ở Kursk, bị Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích
- Nhật Tân
- •
“Một mảnh đất chết: Những gì còn lại sau khi Ukraine xâm lược Nga,” Nanna Haittmann của New York Times đã đăng bài phóng sự với tiêu đề như vậy. Nhà báo Mỹ đã tới tận nơi, trải qua 6 ngày tìm hiểu thực tế. Những hình ảnh, video, và những đoạn phỏng vấn nhân dân của tỉnh Kursk của Nga ở trong báo cáo của phóng viên, đã phản ánh ra một bức tranh thảm khốc của chiến tranh, khi hé lộ vài chi tiết tội ác nhắm vào dân thường. Điều ấy đã khiến Bộ Ngoại giao Ukraine tức giận. Người phát ngôn của Bộ lên mạng xã hội mắng chửi nhà báo Mỹ, và miêu tả đó quyết định “ngu ngốc nhất” cho “bất kỳ ai” dám làm như thế. Trên thực tế, bài báo nói lên sự bất mãn về chiến tranh của người dân —nạn nhân của chiến tranh— đối với cả Nga, cả Ukraine, và cả 54 quốc gia phương Tây đứng đằng sau chính quyền Kiev, đang đổ hàng trăm tỷ đô-la súng đạn vào mảnh đất mà họ đang sống.
Nhà báo Nanna Haittmann của truyền thông Mỹ ấy đã cùng với một đơn vị của quân “Akhmat” phe Nga dành thời gian 6 ngày tại một số địa điểm quanh làng Sudzha. Đây là địa danh mà truyền thông Ukraine năm ngoái nhắc tới rất nhiều lần như là một chiến tích trong xâm lược vào tỉnh Kursk của Nga bắt đầu từ tháng 8/2024.
Thi thể binh lính chưa được thu gom vẫn còn nằm trên những cánh đồng gần Martynovka, và xác chết đang phân hủy của dân thường nằm trong những ngôi nhà bị phá hủy. “Những cánh đồng ngổn ngang xác bò và heo, cũng như xác chết của dân thường và binh lính,” Haittmann viết.
“Trong bếp của một ngôi nhà ở làng Martynovka, tôi nhìn thấy một thi thể đàn ông gần như lõa thể ở cự ly gần với những dấu hiệu bạo lực: Một vết thương trên cổ và một lỗ thủng trên ngực giống như vết thương do súng bắn. Ai đã giết người này và trong hoàn cảnh nào thì vẫn chưa rõ,” phóng viên viết.
Trong số những người thiệt mạng có một phụ nữ 68 tuổi, mà theo lời các con gái bà, bà không thể di tản được. Có rất nhiều câu chuyện tương tự trong báo cáo. Một số người đổ lỗi cho chính quyền Nga về những gì đã xảy ra, nhưng những người khác lại đổ lỗi cho các cuộc không kích của Ukraine. Họ kể về cuộc sống khó khăn khi 7 tháng không có tiếp tế thức ăn, nước uống, điện, thuốc men, và thông tin liên lạc.
Nhiều cư dân Sudzha cho biết họ đã chôn cất ít nhất một chục người hàng xóm. Một số người cho biết họ đã chôn cất 40 người hoặc hơn.
“Sự phá hủy này đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng đối với chính quyền Nga” (do thất bại trong việc phòng thủ và sơ tán không đầy đủ) cũng như đối với Ukraine và những nước phương Tây hậu thuẫn đằng sau,” phóng viên viết.
Đồng thời, người dân địa phương “có mối liên hệ với Ukraine chỉ trích rằng chiến tranh đã dẫn tới xung đột nội bộ gia đình”: “Họ tấn công chính người thân và hàng xóm của mình. Một nửa người thân của chúng tôi là người Ukraine,” một cư dân tỉnh Kursk nói với nhà báo Mỹ khi bình luận hành động của quân Ukraine.
Tâm trạng tại các trại tị nạn ở Sudzha là không ủng hộ Ukraine. Lyubov Blashchuk, 76 tuổi, “nói rằng sự mở rộng của NATO là nguyên nhân gây ra chiến tranh” và “gọi người dân Ukraine là nạn nhân của tuyên truyền.” Phóng viên chỉ ra rằng “quan điểm của bà về Ukraine đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ trong trại tị nạn.”
Phóng viên Mỹ Haittmann tường thuật về tuyên bố của binh lính Ukraine khi chiếm đóng Sudzha: “Chào mọi người Slavơ, chúng tôi không động tới thường dân.” Có đoạn trích dẫn lời một người dân nói rằng: “không ai động đến chúng tôi —dù là quân Nga hay quân Ukraine— họ chỉ bắn nhau thôi.”
Trong báo cáo của Haittmann, thì các chiến binh “Akhmat” kể rằng họ đã được nhân dân địa phương đón chào “bằng nước mắt và những cái ôm.” Một chiến binh đã chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến nhân dân đón chào chúng tôi bằng những cái ôm.”
- Dân biểu Ukraine phàn nàn hàng trăm ngàn dân đã quay trở về vùng đất Nga cai quản — Như tin đã đưa vào tháng 11 năm ngoái, thành phố Mariupol đã được hồi sinh dưới chế độ Nga. Nó thậm chí còn hấp dẫn người dân ở đó mà từng đi tị nạn ở Ukraine, thì nay lại quay trở về Mariupol.
Nhiều thường dân mơ về ngày chiến tranh cuối cùng sẽ kết thúc. Một số đặt hy vọng vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số đặt hy vọng vào Tổng thống Nga Putin và “sự phục hồi của tỉnh, như sau chiến tranh ở Chechnya.” Một số chỉ đơn giản muốn rời đi và không bao giờ quay trở lại.
Có tấm ảnh về nhà thờ cùng các ngôi nhà bị đánh tan xác.
Có tấm ảnh về những quả mìn sát nhân đang được tháo dỡ.
Nhà báo cho rằng mảnh đất sau khi trải qua sự xâm lược của quân Ukraine ấy thì có lẽ phải nhiều năm nữa thì nhân dân mới có thể ở.
Nó đã là một mảnh đất chết.
Báo cáo này của nhà báo Mỹ ngay sau khi đăng thì đã nhận phải chỉ trích gay gắt từ phía Bộ Ngoại giao Ukraine.
“Bất kỳ ai ở NYT mà cho rằng đó là hợp lý khi đăng những hình ảnh tạo ra cùng với những tên tội phạm chiến tranh Nga thì họ đã làm ra quyết định ngu ngốc nhất. Đây không phải là cân bằng về ‘góc nhìn từ các góc độ khác nhau.’ Mà đây là tuyên truyền của Nga nhằm để đánh lạc hướng dư luận,” Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tikhiy đã viết như vậy trên mạng xã hội vào hôm Chủ Nhật.
Nhật Tân
Từ khóa Recommend Chiến tranh Nga - Ukraine tỉnh Kursk Ukraine Dòng sự kiện
