Nhà tưởng niệm ‘Thảm sát Thiên An Môn’ đầu tiên sẽ ra mắt ở New York
- Tiêu Nhiên
- •
Vào dịp kỷ niệm 34 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (sự kiện Lục Tứ), Nhà tưởng niệm Lục Tứ đầu tiên trên thế giới sẽ được khánh thành bên cạnh Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.
Ông Vương Đan (Wang Dan) đã giới thiệu trên Facebook rằng đối với việc khánh thành nhà tưởng niệm, các phương tiện truyền thông phương Tây như New York Times, Wall Street Journal, Reuters cùng nhiều kênh truyền thông Nhật Bản và truyền thông tiếng Trung đã đăng ký phỏng vấn.
Một cuộc họp báo dành cho các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài sẽ được tổ chức vào ngày 1/6, lễ khai mạc Nhà tưởng niệm Lục Tứ sẽ được tổ chức vào sáng ngày 2/6 và một cuộc họp kín kéo dài 3 giờ sẽ được tổ chức vào buổi chiều.
Ông Vương Đan nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng ban đầu dự kiến quyên góp được 500.000 đô la Mỹ, ngoại trừ hơn 70.000 đô la Mỹ do hơn 50 nhà hoạt động dân chủ tham gia phong trào quyên góp, phần còn lại là những khoản quyên góp nhỏ.
Tên của bảo tàng được đề tự (viết chữ lưu niệm) bởi ông Bào Đồng (Bao Tong) – cố thư ký của ông Triệu Tử Dương. Dù không còn đủ sức để cầm bút khi nhập viện nhưng ông Bào Đồng vẫn kiên trì hoàn thành việc đề tự cho nhà tưởng niệm trước khi qua đời. “Năm chữ ‘Nhà tưởng niệm Lục Tứ’ là bức thư pháp cuối cùng của ông Bào Đồng lưu lại trên đời, và cuối cùng đã được dành tặng cho Nhà tưởng niệm Lục Tứ. Ý nghĩa biểu tượng tinh thần, thậm chí cả ý nghĩa biểu tượng chính trị và ý nghĩa ẩn dụ đều rất mạnh mẽ. Mặc dù nó có vẻ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sức mạnh đằng sau nó rất cảm động,” ông Vương Đan nói.
Ông Vương Đan cũng viết trên Facebook: “Hôm nay, 34 năm trước, một phong trào dân chủ làm rung chuyển thế giới đã khai màn ở Bắc Kinh. 50 ngày nước mắt và mồ hôi, 50 ngày bôn ba và hô hào, kêu lên tiếng lòng chung của người dân Trung Quốc: ‘Cần dân chủ!’, ‘Chống tham nhũng!’, Nhưng cái mà họ nhận được lại là sự đàn áp máu và lửa của chế độ phát xít ĐCSTQ.
34 năm đã trôi qua, lịch sử đã chứng minh lời kêu gọi của chúng ta năm xưa không sai, chúng ta đã từng đấu tranh gian khổ cho sự ra đời của một nước Trung Quốc dân chủ, mặc dù thất bại nhưng vẫn vinh quang! Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy không đạt được mục tiêu và phải trả giá, nhưng thế hệ chúng ta xứng đáng với đất nước, xứng đáng với lương tâm của chính mình.
34 năm đã trôi qua, chúng tôi chưa bao giờ quên lý tưởng ban đầu của mình, và chúng tôi sẽ không bao giờ hối tiếc về những gì mình đã làm. Chúng tôi tổ chức các hoạt động kỷ niệm hàng năm, không chỉ để vinh danh tuổi trẻ của chúng tôi, mà còn để tiếp tục tinh thần của năm 1989.
Các hoạt động kỷ niệm năm nay sẽ đặc biệt có ý nghĩa. Bởi vì vào ngày 2/6, Nhà tưởng niệm Lục Tứ duy nhất trên thế giới sẽ chính thức được công bố thành lập tại New York. Chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng nhà tưởng niệm này để nói với hồn thiêng của những anh hùng đã hy sinh mạng sống của họ cho nền dân chủ và tự do của Trung Quốc, rằng cho dù thời gian có dài bao lâu đi chăng nữa, chúng tôi sẽ không quên các bạn dù chỉ một ngày; chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng nhà tưởng niệm này để nói với thế giới rằng mặc dù ĐCSTQ vẫn hung hăng ngang ngược, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh bắt đầu cách đây 34 năm.”
Ngoài ra, một loạt các hoạt động kỷ niệm Lục Tứ do Ủy ban hải ngoại của Đảng Dân chủ Trung Quốc khởi xướng đã được phát động trên toàn thế giới, bao gồm tuyệt thực, hoạt động kỷ niệm trực tuyến và kháng nghị trực tiếp tại hiện trường.
Thế hệ khác nhau có phương thức đấu tranh khác nhau
Nghệ thuật gia Nhan Kha Phu (Kevin Yan) cũng đã tặng một bức tranh năm 2008 “Không liên quan đến tôn giáo” cho Nhà tưởng niệm Lục Tứ. Ý tưởng của ông là những người sinh ra ở Trung Quốc đã bị tẩy não trong suy nghĩ và nhận thức, giống như những người gỗ, không thể kiểm soát vận mệnh của chính mình. Nhưng DNA bẩm sinh của bản chất con người là khao khát tự do. Hình mà ông vẽ là con rối đang cầu nguyện, khi những ‘người rối’ này tỉnh thức và mở mắt ra, tự nhiên sẽ theo đuổi dân chủ.
Ông Nhan Kha Phu nói: “Cho nên chúng ta mới có [sự kiện] Lục Tứ, nhưng điều khó hiểu là, chúng ta từ nhỏ đã nhận sự giáo dục về chủ nghĩa Mác. Vì sao chúng ta vẫn còn phản đối nó trong sự kiện Lục Tứ? Ít nhất đối với tôi mà nói, chính là một kiểu thức tỉnh của nhân tính. Bức tranh đó tượng trưng cho nền dân chủ là không thể ngăn cản, khao khát tự do của chúng ta là không thể ngăn cản.”
Gần đây, ông Nhạc Mẫn Quân (Yue Minjun), nổi tiếng với sê-ri “Đại tiếu”, từng kiếm được hàng triệu đô la Hồng Kông cho các bức tranh của mình tại cuộc đấu giá của Sotheby’s ở Hồng Kông, nhưng giờ ông bị nghi ngờ khinh nhờn Quân đội Giải phóng Nhân dân vì bức tranh “Đại tiếu” của mình. Về vấn đề này, ông Nhan Kha Phu nói rằng nụ cười trong tranh của ông Nhạc Mẫn Quân là “nụ người ngây ngô“: “Trong cơn sóng lớn ở Đại Lục, các nghệ sĩ đều bị làm phát điên, ai cũng điên, điên cuồng kiếm tiền, nghĩ về tiền đến phát điên. Việc kỳ quái nào cũng có, chính là một nơi rất kỳ lạ, mọi người chỉ có cười một cách ngây ngô, đơn giản như vậy thôi.”
Ngay cả nam diễn viên hài Lý Hạo Thạch chỉ vì câu nói “tác phong tốt, có thể đánh thắng trận” mà cũng bị cấm diễn, bị cho là “làm nhục quân đội“, khiến người ta liên tưởng liệu Cách mạng Văn hóa có tiếp tục quay lại hay không. Ông Nhan Kha Phu cho rằng vụ việc này rất hoang đường: “Là một nghệ sĩ, tôi không thể hiểu được bây giờ [chính quyền ĐCSTQ] có thể cực đoan đến mức nào. Giống như công ty Xiaoguo, một trò đùa sẽ bị phạt hơn 10 triệu nhân dân tệ, tôi nghĩ toàn bộ sự việc chính là một trò đùa.”
Ông Vương Đan nói rằng các thế hệ khác nhau có cách đấu tranh khác nhau, vào những năm 1980, khi mọi người tự do hơn và không bị gò bó, các cuộc biểu tình trên đường phố thường diễn ra; ngày nay, mọi người tràn đầy sợ hãi, và những người trẻ tuổi có cách phản kháng của riêng họ. “Nằm ngửa” cũng là một cách. “‘Chúng tôi là thế hệ cuối cùng‘, chúng tôi thậm chí không muốn có con, chúng tôi không sinh con. Nói đúng ra, xét về ý nghĩa chính trị và lịch sử, đây không phải là bất hợp tác bất bạo động sao?” Ông Vương Đan cho rằng thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên chơi game và họ có thể chịu được những trò đùa trong thế giới của họ. Lớn lên trong một môi trường như vậy, xã hội đột nhiên bị phong bế, và thậm chí đùa giỡn cũng là điều cấm kỵ. Cho nên hoàn toàn không thể ủng hộ một chế độ như vậy từ tận đáy lòng được.
Ngọn lửa Lục Tứ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
Ông Vương Đan cho rằng cần phải đánh giá sự thành công của một phong trào từ góc độ lịch sử. Cũng giống như phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, sau khi thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, một số thủ lĩnh phong trào đã vào tù. “Mặc dù Hoàng Chi Phong đã bị bắt, nhưng sự hy sinh của số ít người này đã mang lại một thành tựu to lớn, đó là cả thế hệ con người tỉnh táo với hiện thực,” ông nói.
Ông cho rằng Phong trào Giấy trắng năm ngoái là bản sao của Phong trào Lục Tứ, mục tiêu theo đuổi của hai thế hệ có điểm chung. Ông hy vọng thông qua các hoạt động kỷ niệm như Nhà tưởng niệm Lục Tứ, tinh thần theo đuổi tự do sẽ được thúc đẩy, tinh thần theo đuổi tự do trong các thời đại khác nhau có thể liên kết lại với nhau.
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ