Nhật Bản khiếu nại WTO về lệnh cấm hải sản của Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Cuối ngày thứ Hai (4/9), Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) rằng lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc, sau khi Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ngày 31/8, Nhật Bản đã thông báo cho WTO rằng Chính phủ Trung Quốc (tức Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) đã đình chỉ nhập khẩu thủy sản Nhật Bản vào tháng trước và bác bỏ điều này. Nhật Bản tuyên bố sẽ giải thích lập trường của mình tại các ủy ban liên quan của WTO và kêu gọi Trung Quốc bãi bỏ ngay lệnh cấm.
Hôm thứ Ba (5/9), Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên rằng Nhật Bản sẽ giải thích về sự an toàn của nước thải tại các diễn đàn ngoại giao, bao gồm hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong tháng này diễn ra tại Indonesia và Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.
Nhật Bản cam kết quy trình xả thải đảm bảo an toàn. Lượng nước nhiễm xạ này đã được pha loãng an toàn dưới ngưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, ông Matsuno cho biết thêm rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về việc hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc có gặp nhau hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và G20, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vắng mặt tại cả hai cuộc họp.
Một số quan chức Nhật Bản nói rằng có thể họ sẽ nộp đơn khiếu nại lên WTO về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ động thái của Nhật Bản.
Trong một tuyên bố riêng hôm thứ Hai (4/9), Bộ Ngoại giao Tokyo tuyên bố Nhật Bản cũng đã yêu cầu Bắc Kinh thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến Fukushima theo các điều khoản của hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Phía Nhật Bản hy vọng Trung Quốc sẽ tham khảo ý kiến của Nhật Bản trong thời gian sớm nhất, và xem xét các biện pháp phù hợp với nghĩa vụ trong hiệp định RCEP của họ.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù thủy sản chỉ chiếm chưa đến 1% thương mại toàn cầu của Nhật Bản, nhưng nước này đã xuất khẩu lượng thủy sản trị giá khoảng 600 triệu USD sang Trung Quốc vào năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản, tiếp theo là Hồng Kông.
Năm ngoái, xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản sang Đại Lục và Hồng Kông chiếm 40% tổng lượng, chủ yếu là sò điệp và hải sâm. Vì người Nhật không ăn hải sâm nên lệnh cấm chủ yếu ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt sò điệp.
Nhật Bản chỉ ra, lệnh cấm của Chính phủ Trung Quốc không có bằng chứng khoa học. Trong cuộc họp báo ngày 30/8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nhấn mạnh rằng những ứng phó cần thiết sẽ được thực hiện trong khuôn khổ WTO, và nhiều lựa chọn khác nhau sẽ được xem xét.
Ngày 31/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel, đã đến thăm khu vực Fukushima và thưởng thức hải sản tại địa phương. Ông Emanuel cho biết, nếu lệnh cấm hải sản của Trung Quốc trở thành phán quyết của WTO, ông hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản.
Hôm thứ Hai (4/9), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố thiết lập quỹ khẩn cấp trị giá 20,7 tỷ yên (141 triệu USD), nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thủy sản của Trung Quốc.
Ông Kishida cho biết, quỹ khẩn cấp này bổ sung vào khoản phân bổ trước đó của chính phủ là 80 tỷ yên (547 triệu USD) để hỗ trợ ngành đánh bắt và chế biến hải sản, cũng như chống lại thiệt hại về danh tiếng cho các sản phẩm của nước này.
Số tiền trên sẽ được sử dụng để tìm thị trường mới cho thủy sản Nhật Bản nhằm thay thế Trung Quốc, và tài trợ chính phủ mua hải sản để đông lạnh và lưu trữ tạm thời. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tìm cách mở rộng tiêu thụ thủy sản trong nước.
ĐCSTQ không chỉ cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản; trong vài ngày qua, nhiều nhà hàng, cơ quan chính phủ và thậm chí cả bệnh viện ở Nhật Bản đều nhận được hàng ngàn cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc. Các trường học Nhật Bản ở Trung Quốc cũng bị ném đá và ném trứng. Mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập các bài viết xúc phạm Nhật Bản.
Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, ngày 24/8 nhà máy Fukushima của Nhật Bản bắt đầu xả nước thải chứa tritium, gây lo ngại nước biển có thể bị ô nhiễm. Theo Chính quyền thủ đô Tokyo, kể từ khi Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân thì đã liên tục hứng chịu khoảng 38.800 cuộc gọi quấy rối, trong đó 34.000 số điện thoại bắt đầu bằng +86 (mã vùng điện thoại quốc tế của Trung Quốc), trong đó con số cao nhất trong một ngày là hôm 25/8 lên tới gần 20.000 cuộc gọi. Các cuộc gọi quấy rối sử dụng tiếng Trung Quốc với ngữ khí đầy kích động.
Trong khi người dân Trung Quốc bị kích động điên cuồng quấy rối Nhật Bản, trang “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle) hôm 29/8 cho biết, số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho thấy hàm lượng tritium trong nước thải của 13 nhà máy điện hạt nhân thải ra biển vào năm 2021 đã vượt quá kế hoạch xả thải của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 trong một năm. Trong số đó, lượng tritium do Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở Chiết Giang thải ra vào năm 2021 sẽ lên tới 218.000 tỷ Bq, gấp khoảng 10 lần lượng tritium tối đa mà Fukushima thải ra trong một năm.
Tờ The Guardian của Anh chỉ ra rằng lượng tritium thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh (Fuqing) ở tỉnh Phúc Kiến gấp khoảng 3 lần lượng thải ra trong kế hoạch Fukushima.
Ngược lại, ông David Krofcheck, phó giáo sư vật lý tại Đại học Auckland ở New Zealand, nói với tờ báo rằng hàm lượng tritium trong nước thải hạt nhân Fukushima “thấp hơn 7 lần” so với tiêu chuẩn nước uống được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.
Từ khóa Nhật Bản xả nước thải hạt nhân Fukushima nhà máy điện hạt nhân Fukushima Fukushima thảm họa hạt nhân Fukushima