Nhóm nghị sĩ liên đảng Anh lên tiếng về nạn thu hoạch tạng tại TQ
- Minh Nhật
- •
Vừa qua, nhóm nghị sĩ liên đảng Anh về vấn đề buôn người và nô lệ hiện đại (APPG – All Party Parliamentary Group on Human Trafficking and Modern Slavery) đã tuyên bố lên án nạn thu hoạch tạng do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc. Dưới đây là toàn văn thông cáo (bản gốc xem tại đây).
*
Nhóm nghị sĩ liên đảng Anh về vấn đề buôn người và nô lệ hiện đại bày tỏ quan ngại trước báo cáo của Tòa án Trung Quốc. Tòa án do Ngài Geoffrey Nice (người từng phụ trách truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic trong một tòa án quốc tế) chủ tọa thừa nhận là có bằng chứng đáng kể cho thấy việc buôn bán nội tạng do nhà nước hậu thuẫn đang xảy ra tại Trung Quốc. Báo cáo thừa nhận rằng chính sách của Trung Quốc về việc lấy tạng đã nhắm tới tù nhân, phân biệt các nhóm tín ngưỡng, cụ thể là các tù nhân bị đàn áp thuộc phong trào Pháp Luân Công, và có thể đang nhắm tới nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số – nhóm 1 triệu người bị giam giữ tại các ‘trại cải tạo’.
Trong số các cáo buộc liên quan tới vấn nạn này thì kết luận và báo cáo của Tòa án Trung Quốc là đáng chú ý nhất, tính cho đến thời điểm hiện tại. Tòa đưa ra các kết luận sau:
“Việc thu hoạch tạng đã bị thực hiện trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, trên quy mô lớn, và… người tập Pháp Luân Công trở thành một – và có thể là phần lớn – trong số các nguồn cung nội tạng.”
“Tòa án chưa có chứng cứ cho thấy các cơ sở vật chất quan trọng liên quan tới ngành công nghiệp cấy ghép tại Trung Quốc đã bị phá dỡ; đồng thời cũng không có giải thích hợp lý nào khác đối với nguồn cung nội tạng; vì thế tòa cho rằng việc thu hoạch tạng vẫn đang tiếp diễn cho tới ngày nay.”
“Việc thực hiện tội ác chống lại loài người đối với Pháp Luân Công và Duy Ngô Nhĩ là chắc chắn không chút hoài nghi…”
“Các chính phủ và những ai tiếp xúc với chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung hoa… cần phải hiểu rằng, như trên đã nói, họ đang tiếp xúc với một nhà nước tội ác.”
Kể từ năm 2000, đã có sự gia tăng khổng lồ số lượng ca cấy ghép tạng tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tại thời điểm đó, có bằng chứng cho thấy hầu như không có sự tự nguyện hiến tạng. Sau một thời gian chối bỏ, các quan chức Trung Quốc đã nói rằng các tử tù là nguồn tạng chính, dù cho số lượng tử tù tại Trung Quốc đang giảm dần. Tuy nhiên, số lượng tù nhân lương tâm bị giam giữ, bao gồm những người tập Pháp Luân Công bị đàn áp, và những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, lại gia tăng đáng kể. Tòa án Trung Quốc có bằng chứng, từ bác sĩ và lính cai tù, cũng như các tù nhân Trung Quốc, rằng các tù nhân lương tâm nói trên đã trở thành nguồn chính cho việc lấy tạng, một phần vì cách sinh sống lành mạnh khi thực hành tín ngưỡng của họ.
Nhóm nghị sĩ liên đảng Anh APPG có mục tiêu là giải quyết nạn buôn người và nô lệ hiện đại ở bất cứ đâu nó tồn tại, và thúc đẩy chính phủ Anh quốc cùng các chỉnh phủ khác bảo vệ nạn nhân. Vì thế APPG cho rằng chúng tôi có trách nhiệm trong việc khiến chỉnh phủ Anh và các chỉnh phủ quốc tế nhận ra những tội ác đang diễn ra tại Trung Quốc, và giúp họ nhận ra họ có trách nhiệm trong việc chấm dứt hành vi lạm dụng nhân quyền này.
APPG kêu gọi chính phủ Anh và các chính phủ, cơ quan quốc tế:
1. Tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm ngăn chặn việc buôn bán tạng người quốc tế.
2. Công khai lên án việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc;
3. Yêu cầu Trung Quốc cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng việc thu hoạch tạng cưỡng bức đã chấm dứt; và
4. Yêu cầu Trung Quốc dừng việc đàn áp người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cùng các cộng đồng thiểu số khác, và yêu cầu họ lập tức thả người, trừ khi có bằng chứng rõ ràng minh bạch cho quốc tế rằng những tù nhân nói trên phạm tội.
5. Hiện tại, cần đưa ra luật nhằm ngăn chặn công dân Anh quốc tới Trung Quốc ghép tạng vì lý do y tế hoặc vì lý do khác; đưa ra luật nhằm ngăn chặn các học giả và bác sĩ trong trường đại học và bệnh viện hợp tác nghiên cứu y học với các trường đại học Trung Quốc.
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Thu hoạch nội tạng Duy Ngô Nhĩ buôn người tòa án độc lập