Ông Trump tập hợp đồng minh châu Á cùng giải quyết vấn đề Bắc Hàn
- Tân Bình
- •
Reuters hôm Chủ nhật 30/4 dẫn lời quan chức Hoa Kỳ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường tiếp cận các đồng minh ở châu Á để hợp tác để gây sức ép với Bắc Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trao đổi với Reuters, quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết hôm Chủ Nhật 30/4, Tổng thống Trump đã có các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Thái Lan và Thủ tướng Singapore về mối đe dọa Bắc Triều Tiên và mời hai nhà lãnh đạo này tới thăm Mỹ.
Vị quan chức Mỹ yêu cầu Reuters không tiết lộ danh tính, nói rằng: “Họ thảo luận cách duy trì áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, nguyên là một tướng lĩnh quân đội, đứng đầu một chính phủ quân đội chiếm quyền ưu thế trong một cuộc đảo chính năm 2014. Chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha đã có quan hệ căng thẳng với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Cuộc gọi của ông Trump với những người đồng cấp châu Á đến sau hai ngày Bắc Hàn tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo. Washington và Seoul đều xác nhận đó là một vụ phóng hỏng, nhưng đã lên án rộng rãi trên toàn cầu về hành vi khiêu khích này của Bình Nhưỡng.
Trước đó, vào tối thứ Bảy 29/4, ông Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cũng mời quan chức này sớm tới thăm Washington. Thời gian gần đây, ông Duterte bị các nhóm hoạt động nhân quyền chỉ trích gay gắt về chiến dịch chống ma túy ông đang theo đuổi đã giết hơn 8000 người.
Với chính quyền Trump lúc này, vấn đề nhân quyền ở Philippines sẽ gác lại phía sau để nhường chỗ cho một liên minh chống lại mối đe dọa hạt nhân Bắc Hàn.
Một tuần trước, tổng thống Trump đã nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Reine Priebus nói rằng ông Trump gần đây đã thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống đã trở nên “gần gũi” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giải thích về việc thay đổi thái độ với Chủ tịch Tập và Trung Quốc so với hồi tranh cử năm 2016, ông Trump nói trên chương trình “Face the Nation” của kênh CBS rằng: “Thương mại là rất quan trọng, nhưng cuộc chiến tranh rộng lớn sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người, có khả năng hàng triệu người bị chết? Như thế, chúng ta phải gác vấn đề thương mại lại để ưu tiên giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Trao đổi với kênh ABC, trong chương trình “This Week” sáng Chủ Nhật, ông Priebus cho biết: “Chúng ta cần hợp tác ở nhiều cấp độ với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt để có thể đảm bảo rằng chúng ta có một khối liên minh mạnh mẽ”.
Ông nói thêm: “Khi đó, nếu có chuyện gì xảy ra ở Bắc Triều Tiên, chúng ta có tất cả các bên ủng hộ một kế hoạch hành động. Kế hoạch này có thể cần phải được đưa ra cho các đối tác của chúng ta trong khu vực. Chúng ta cần phải ở trên cùng một chiến tuyến”.
Ông Priebus nói rằng cần phải thúc đẩy các cuộc thảo luận như vậy vì “khả năng hạt nhân tàn phá châu Á trên diện rộng là có thể” và cuối cùng cũng sẽ tàn phá Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters nhân dịp kỷ niệm 100 ngày tại nhiệm, Tổng thống Trump cũng đã nhấn mạnh rằng: “có thể có một xung đột lớn với Bắc Hàn”. Tuy Tổng thống không khẳng định sẽ tấn công quân sự nhưng cũng trả lời mở rằng: “Các bạn hãy chờ xem”.
Ông Trump nhấn mạnh rằng ông sẽ không loan báo với truyền thông về các lựa chọn quân sự vì cần phải giữ yếu tố bất ngờ. Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm thứ Sáu 29/4 cho biết mọi lựa chọn đều đã sẵn sàng.
Hôm Chủ Nhật, trao đổi với Fox News, Cố vấn an ninh quốc gia ông H.R McMaster cho biết Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho các hoạt động quân sự tại Bắc Triều Tiên.
Tướng McMaster nói: “Đó là thách thức mở đối với cả cộng đồng quốc tế. Điều quan trọng là tất cả chúng ta cùng đối mặt với chế độ này…không ai trong chúng ta có thể chấp nhận một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân”.
Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế như hiện nay, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hoặc có thể lựa chọn hành động quân sự.
Cố vấn McMaster cũng nói rằng Trung Quốc, nguồn sống của kinh tế Bắc Hàn, đã biểu lộ “sẵn sàng hành động và giải quyết cuộc xung đột sắp chuyển thành quân sự này”.
Khi được hỏi về liệu Washington chắc chắn sẽ đáp trả vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn, Tướng McMaster khẳng định: “Có, chúng tôi phải làm một cái gì đó”. Theo Fox News, ý của Tướng McMaster là đẩy mạnh lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) và cũng có thể đang chuẩn bị cho các hoạt động quân sự.
Mỹ không muốn phụ thuộc vào riêng Trung Quốc
Chưa thể khẳng định các cuộc tham vấn các đối tác châu Á liên tiếp gần đây của Tổng thống Mỹ có nghĩa là Washington đang chuẩn bị sẵn sàng cho hành động quân sự chống Bình Nhưỡng. Nhưng rõ ràng chính quyền Trump đang xúc tiến nhiều sự ủng hộ hơn để không bị quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo giáo sư Jens David Ohlin, chuyên gia về luật pháp quốc tế thuộc Trường Luật Cornell, Hoa Kỳ có thể đang xây dựng liên minh lớn nhất trong khu vực nhằm tạo ra một khối thống nhất chống lại Bắc Triều Tiên.
Ông Ohlin nói: “Về cơ bản, đây là lựa chọn duy nhất. Cần phải đa phương hóa giải quyết vấn đề [Bắc Hàn] chứ Hoa Kỳ không nên cố tự mình giải quyết nó”.
Ông Adam M. Smith, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết bài học rút ra từ việc cố gắng để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran là càng có áp lực từ đa phương hơn, sẽ càng hiệu quả hơn.
Ông Smith nói rằng điều đáng chú ý là ông Trump đã nói chuyện với các trung tài chính ở châu Á như Singapore và Nhật Bản, và liên hệ với một số nước khác trong khu vực, trong đó có Philippines, nước từng không sẵn lòng vượt qua những gì mà các lệnh trừng phạt của LHQ yêu cầu.
“Tôi nghĩ điều đó là dễ hiểu, cần cố gắng mở rộng mạng lưới, chứ không chỉ dựa vào Bắc Kinh. Tôi nghĩ đây là một sự khởi đầu tốt về đa phương hóa”. Ông Smith nói.
Thượng nghị sĩ John McCain, đảng viên đảng Cộng hòa hàng đầu về chính sách đối ngoại, trong chương trình “State of the Union” của CNN đã nói rằng ông không tin rằng ông Trump đang xem xét một cuộc tấn công phủ đầu vào Bắc Triều Tiên. Điều đó có thể gây nguy hiểm ngay lập tức cho Mỹ và đồng minh Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ McCain cũng thêm rằng: “Nếu nói rằng chúng ta hoàn toàn loại trừ khả năng đó, tất nhiên như thế thật ngốc. Nhưng đó phải là lựa chọn cuối cùng của cuối cùng”.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên