Paraguay trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên sử dụng 100% năng lượng điện tái tạo
- Vy An
- •
Cùng với việc điện khí hóa nhà máy Bahia Negra vào ngày 29/12, Cơ quan Quản lý Điện lực Quốc gia Paraguay (ANDE) tuyên bố quốc gia này hiện đang sử dụng 100% năng lượng điện tái tạo.
Hình ảnh công trường đặt 3 tuabin tại nhánh Ana Cua của đập thủy điện Binational Yacyreta ở Yacyreta, Itapua, Paraguay vào ngày 18/8/2021 (Ảnh: Getty Imaes)
Việc chuyển đổi trạm năng lượng Bahia Negra đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Paraguay, vì đây là nhà máy nhiệt điện cuối cùng tại đất nước này.
Paraguay đã nỗ lực hướng tới việc sử dụng năng lượng thủy điện từ những năm 1970, nguồn năng lượng được tạo ra thông qua các đập Itaipu, Yacreta và Acaray.
Đến năm 2018, chỉ riêng đập Itaipu đã sản xuất 90,8% sản lượng điện của cả nước.
Năng lượng tái tạo được định nghĩa là nguồn năng lượng bổ sung một cách tự nhiên và liên tục. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện là một trong những hình thức được sử dụng rộng rãi nhất.
Trong buổi lễ tại nhà máy Bahia Negra, Tổng thống Abdo Benitez phát biểu, quá trình chuyển đổi là “một sự kiện lịch sử chưa từng có.”
Ngày 2/1, người đứng đầu ANDE – ông Felix Sosa cho biết: “Chúng tôi đã đạt được 100% sản lượng điện sạch và tái tạo trên toàn lãnh thổ quốc gia, chúng tôi đã đáp ứng tất cả các mục tiêu của mình về việc cải thiện mạng lưới phân phối điện vào năm 2021 và tiến bước với việc áp dụng công nghệ trong hệ thống thương mại.”
Trước khi chuyển đổi sang mạng lưới điện tái tạo, Paraguay phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu dầu diesel.
Paraguay đã gia nhập vào hàng ngũ bảy quốc gia trên thế giới, cùng các nước Iceland, Na Uy, Costa Rica, Áo, Brazil và Đan Mạch, sản xuất toàn bộ hoặc phần lớn điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong những năm gần đây, các thí nghiệm để chứng minh khả năng tồn tại của mạng lưới điện hoàn toàn dựa vào năng lượng tái tạo đã phát triển trên toàn cầu.
Mặc dù sự chuyển đổi này mang lại một nguồn năng lượng ít khí thải carbon, thân thiện với môi trường, tuy nhiên một số chuyên gia vẫn nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của năng lượng tái tạo, nhất là khi đối mặt với biến đổi khí hậu.
Khu vực chứa nước của nhánh Ana Cua của sông Parana, nơi mực nước đạt mức thấp lịch sử, tại đập thủy điện Yacyreta ở Yacyreta, Itapua, Paraguay, ngày 18/8/2021 (Ảnh: Getty Imaes)
Điều này đặc biệt có liên quan đến Paraguay, quốc gia khai thác toàn bộ năng lượng thủy điện từ sông Parana, là một phần của lưu vực sông Plata chảy qua Bolivia, Argentina, Brazil và Uruguay.
Năm 2021, Paraguay đã hứng chịu một đợt hạn hán lịch sử ảnh hưởng lớn đến mực nước sông Parana, làm gián đoạn hệ thống giao thông vận tải và ngành đánh bắt cá địa phương. Hạn hán cũng thúc đẩy tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục của quốc gia này.
Nhà phân tích Fernando Menendez đã đặt ra câu hỏi: “Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu khí hậu không thuận lợi?”
Giám đốc tài chính năng lượng Harshit Chatur cho rằng câu trả lời sẽ không đơn giản, đặc biệt với tính chất khó dự đoán của năng lượng tái tạo. Nói về lưới điện, ông Chatur cho biết điều quan trọng là phải cân bằng giữa việc sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch đồng thời giữ cho chi phí và sự ô nhiễm ở mức thấp và đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy.
Nhà phân tích Menendez chỉ ra rằng Paraguay thiếu rất nhiều ngành công nghiệp nặng, do đó việc mở rộng công suất thủy điện rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi liệu công nghệ xanh có giúp các nước kém phát triển tiến bộ về kinh tế hay không.
Ông nói: “Một phần của sự phát triển bền vững là xây dựng một kế hoạch dài hạn đằng sau nó.”
Thống đốc khu vực dân cư Alto Paraguay, ông Jose Domingo Adorno, nhấn mạnh rằng thành tựu này sẽ giúp phát triển cộng đồng: “Đó là một ngày lịch sử đối với chúng tôi và đó là giấc mơ về việc sở hữu năng lượng sạch và tái tạo đã được mọi người ấp ủ từ lâu.”
Vy An (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa đập thủy điện Paraguay Năng lượng điện tái tạo