Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tín ngưỡng Quốc tế: Phổi cho bệnh nhân COVID-19 đến từ tù nhân lương tâm
- Minh Nhật
- •
Ngày 31/3 vừa qua, trong một video được đăng tải trên chương trình American Thought Leaders, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tín ngưỡng Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), bà Nadine Maenza, đã bình luận về việc tại Trung Quốc xuất hiện nhiều ca cấy ghép phổi đôi cho bệnh nhân COVID-19. Bà nhận xét rằng, với cách “quảng cáo” hiện tại của Trung Quốc, thì nguồn phổi cấy ghép duy nhất thỏa mãn thời gian tìm ra phổi phù hợp ngắn ngủi như vậy là từ tù nhân, và thông thường là từ tù nhân lương tâm (những người bị giam giữ chỉ vì tín ngưỡng hoặc niềm tin của họ mà không phải vì vi phạm pháp luật).
Nadine Maenza được tổng thống Trump bổ nhiệm vào USCIRF tháng 5/2018 và trở thành phó chủ tịch của ủy ban này vào 6/2019. Bà là một diễn giả, tác giả, chuyên gia chính sách với hơn 2 thập kỷ làm việc trong lĩnh vực tự do tín ngưỡng, từng tiếp xúc với nhiều cộng đồng tín ngưỡng bị đàn áp trên toàn thế giới.
Trong video (xem tại đây) trên chương trình American Thought Leaders, bà Nadine Maenza cho biết USCIRF đã bắt đầu báo cáo về việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc kể từ năm 2007 với nạn nhân là cộng đồng Pháp Luân Công (một môn khí công bị đàn áp tại Trung Quốc), cùng các tù nhân lương tâm khác. Do đó, USCIRF biết về tội ác này. Tuy nhiên, việc xuất hiện liên tiếp các ca cấy ghép phổi đôi cho bệnh nhân COVID-19 vẫn khiến USCIRF rất lo ngại vì nguồn nội tạng chắc chắn là đến từ tù nhân, thông thường là tù nhân lương tâm.
Đối với tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, bà Nadine Maenza nhắc lại tuyên án của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc vào 6/2019 rằng việc “thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã xảy ra trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm trên quy mô lớn”, và rằng “Pháp Luân Công đã trở thành một trong số, và có thể là nguồn nội tạng chủ yếu” cho tội ác này. Ngoài ra, việc thu thập mẫu máu đối với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương cũng cho thấy họ trở thành nạn nhân chủ yếu tiếp theo.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc nói vào năm 2015 rằng họ đã cấm sử dụng nội tạng thu hoạch từ tù nhân, nhưng bà Nadine Maenza cho rằng “chúng ta không nên tin tưởng lời nói của chính quyền này”. Bà cho biết, đối với nhiều tù nhân người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào trại tập trung tại Tân Cương, người ta “lập tức lấy mẫu máu của họ”.
Trong các hệ thống hiến tạng trên thế giới, thông thường tình trạng chung là có một hàng dài bệnh nhân chờ được ghép phổi, và khi một người hiến qua đời hoặc chết não, thì chỉ có một vài bệnh nhân đang ở đầu hàng chờ được cấy ghép. Đối với việc cấy ghép phổi thì độ phức tạp khiến thời gian chờ cấy ghép có thể mất hàng năm, chưa tính đến các ca ghép phổi kép.
Tuy nhiên cuối tháng 2, đầu tháng 3, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát sóng về một loạt ca ghép phổi được thực hiện cho bệnh nhân COVID-19. Tất cả các ca ghép phổi này đều có chung một đặc điểm: người hiến là người chết não tới từ tỉnh khác, thời gian chờ đợi phổi hiến chỉ là chưa tới 24 giờ hoặc vài ngày. Điều này khiến các nhà điều tra độc lập lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc đã sử dụng nguồn nội tạng thu hoạch từ tù nhân lương tâm để phục vụ cho các ca cấy ghép này. (Xem chi tiết phân tích số liệu và sự kiện trong bài: Hàng loạt ca ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 cho thấy tội ác)
Minh Nhật
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Tư do tín ngưỡng Tù nhân lương tâm Dòng sự kiện Cấy ghép phổi