TQ: Hàng loạt ca ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 cho thấy tội ác
- Minh Nhật
- •
Kể từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát sóng về một loạt ca ghép phổi được thực hiện cho bệnh nhân COVID-19. Tất cả các ca ghép phổi này đều có chung một đặc điểm: người hiến là người chết não tới từ tỉnh khác, thời gian chờ đợi phổi hiến chỉ là chưa tới 24 giờ hoặc vài ngày. Điều này khiến các nhà điều tra độc lập lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc đã sử dụng nguồn nội tạng thu hoạch từ tù nhân lương tâm để phục vụ cho các ca cấy ghép này.
Ngày 29/2/2020, ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19 được thực hiện bởi bác sĩ ghép phổi hàng đầu Trung Quốc là Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu) tại bệnh viện Nhân dân Vô Tích trực thuộc Đại Học Y Nam Kinh. Sau đó liên tiếp các ngày 1/3, 8/3 và 10/3, các ca ghép phổi tương tự được thực hiện.
Những bệnh nhân này đã bị nhiễm COVID-19, tuy nhiên tại thời điểm ghép tạng, họ đã âm tính. Dù âm tính với COVID-19, phổi của họ đã bị tàn phá nặng và buộc phải được ghép phổi, nếu không sẽ tử vong. Các bệnh nhân này được hỗ trợ sống bằng thiết bị trao đổi oxy qua màng tế bào (ECMO) trước khi được cấy ghép.
Nói riêng về ca ghép phổi ngày 29/2, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, bệnh nhân 59 tuổi xét nghiệm dương tính vào 26/1. Đến ngày 22/2, bệnh nhân được hỗ trợ sống sử dụng ECMO. 2 ngày sau, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Truyền nhiễm Vô Tích trong tình trạng dương tính COVID-19.
Trả lời tờ Nam Phương Đô Thị Báo, ông Trần Tĩnh Du cho biết: “Phổi của bệnh nhân bắt đầu chảy máu nghiêm trọng vào ngày 28/2. Cả phổi bị tràn máu và bị căng. Bệnh nhân gần chết. Dưới điều kiện đó, sau khi thảo luận với các chuyên gia địa phương, chúng tôi đã thực hiện một ca ghép phổi khẩn cấp. Trùng hợp là có một người hiến tạng.”
Như vậy theo trả lời của ông Trần Tĩnh Du, chỉ trong một thời gian ngắn từ khi các bác sĩ hội chẩn ngày 28/2 đến 29/2, họ đã tìm được phổi để cấy ghép cho bệnh nhân. Đây là ca cấy ghép phổi kép, có nghĩa là người hiến sẽ chết sau khi hiến hai phổi. Phổi được vận chuyển 800km từ Hà Nam tới Vô Tích, thông qua tàu cao tốc.
Các nhà điều tra độc lập đã đặt câu hỏi về việc tìm thấy nội tạng trong ca cấy ghép này, bởi vì dưới điều kiện thông thường không bị phong tỏa do COVID-19, để tìm được một người hiến phổi phù hợp chỉ trong 1 ngày đã là điều không tưởng.
Sau ca cấy ghép, ông Trần Tĩnh Du tiếp tục trả lời tờ thepaper.cn như sau: “Chúng tôi có thể lựa chọn một số bệnh nhân Vũ Hán trong tình trạng nguy kịch, phù hợp với việc ghép phổi. Đó cần là những người có khả năng cấy ghép cao ở độ tuổi từ 20 đến 50. Chúng tôi muốn cứu họ bằng cách ghép phổi.”
Trong các hệ thống hiến tạng trên thế giới, thông thường tình trạng chung là có một hàng dài bệnh nhân chờ được ghép phổi, và khi một người hiến qua đời hoặc chết não, thì chỉ có một vài bệnh nhân đang ở đầu hàng chờ được cấy ghép. Đối với việc cấy ghép phổi thì độ phức tạp khiến thời gian chờ cấy ghép có thể mất hàng năm, chưa tính đến các ca ghép phổi kép.
Sau ngày 29/2, truyền thông Trung Quốc tiếp tục đưa tin về việc ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19, và thậm chí có trường hợp thực hiện trên bệnh nhân già hơn.
Ngày 1/3, một bệnh nhân nữ 66 tuổi (dương tính COVID-19 vào ngày 31/3) đã được cấy ghép phổi kép tại Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang. Người hiến tới từ Hồ Nam.
Ngày 8/3, tại bệnh viện này, một bệnh nhân 70 tuổi được hỗ trợ sống bằng máy ECMO từ 26/2 đã nhận được hai lá phổi từ một bệnh nhân chết não tại Giang Tây.
Ngày 10/3, bác sĩ Trần Tĩnh Du tiếp tục thực hiện ca ghép phổi cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 73 tuổi, bị tiểu đường và chức năng thận suy giảm. Hai lá phổi từ một bệnh nhân “chết não” lại được chuyển tới qua đường hàng không từ Quảng Châu tới Vô Tích.
Trong khi đó, ở một bệnh viện cách Vô Tích 160km, hai ca ghép phổi được thực hiện.
Ngày 12/3, ông Trần tới Tứ Xuyên và thực hiện hai ca ghép phổi trong 1 ngày. Hai bệnh nhân đều 66 tuổi, và đều “tìm thấy” “người hiến chết não” tại cùng một bệnh viện ở Trùng Khánh vào ngày 11/3 trước đó.
Trong một bài báo của tờ Tiêu Tương Thần Báo (Xiaoxiang Morning Post), một tờ báo thuộc Hồ Nam, có công bố số liệu tổng hợp 9 năm. Theo đó, tính đến 8/2019, Hồ Nam có 2.233 người hiến, hiến 4.291 thận, 1.623 gan, 35 tim, và chỉ 11 cặp phổi. Với một tỉnh có dân số 70 triệu như Hồ Nam, số phổi hiến trung bình chỉ là 1,2 phổi/năm. 70 triệu là tập dữ liệu cơ sở đủ nhiều và đáng kể. Như vậy, với dân số Trung Quốc hiện nay là 1,4 tỷ người, có thể tính toán số lượng phổi hiến 1 năm không hề nhiều, chỉ khoảng 24 cặp phổi, dù tất nhiên có sự chênh lệch giữa từng tỉnh.
Tuy nhiên, bản thân bác sĩ Trần Tĩnh Du đã từng đưa ra nhiều dữ liệu trái ngược với con số ấy. Năm 2017, trong một bài báo, ông Trần đã đưa ra một biểu đồ cho thấy số lượng ca ghép phổi cho tới năm 2016.
Ông cũng nói: “Bệnh viện Nhân dân Vô Tích chiếm 70% ca ghép phổi toàn quốc. Có 2 tháng trong năm 2016, chúng tôi thực hiện 20 ca. Chúng tôi cũng từng thực hiện liền 6 ca ghép phổi trong 24 giờ. Chúng tôi có 3 đội chuyên lấy phổi từ người hiến. Ít nhất là đối với bệnh viện của chúng tôi, phẫu thuật cấy ghép phổi đã hoàn thiện. Các ca phẫu thuật như vậy là việc thông thường tại đây.”
Số ca cấy ghép phổi năm 2017 tại Trung Quốc là 299, và 2018 là 403.
Trước đó, ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này. Nạn nhân là người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, và một số Kitô hữu không cầu nguyện tại nhà thờ nhà nước.
Sự chênh lệch số liệu và thời gian ghép phổi này một lần nữa cho thấy các cáo buộc và tuyên án về thu hoạch tạng tại Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở.
Minh Nhật biên dịch và tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện COVID-19 Cấy ghép phổi