Thái Lan: Các liều vắc-xin virus corona do TQ sản xuất bị lỗi chứa đầy “các cục gel”
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Ba (29/6) Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Thái Lan cảnh báo, họ đã phát hiện 110 liều vắc-xin corona do tập đoàn Sinovac Biotech sản xuất bị lỗi. Hãng truyền thông Coconuts mô tả những liều vắc-xin bị lỗi này không thể sử dụng được do “những cục gel” bị mắc kẹt trong các lọ vắc-xin.
Sinovac là công ty Trung Quốc đầu tiên ra mắt loại vắc-xin virus corona của Trung Quốc, được sản xuất bằng các tế bào bất hoạt của chính virus corona. Nó khác hẳn với các loại vắc-xin hàng đầu của Mỹ như Pfizer và Moderna, sử dụng công nghệ mRNA chưa từng có để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các loại vắc-xin khác đang phân phối trên toàn cầu như vắc-xin Johnson & Johnson của Mỹ và vắc-xin AstraZeneca của châu Âu, sử dụng các tế bào bất hoạt của một loại virus khác. Hai loại vắc-xin này sử dụng virus adeno gây ra cảm lạnh thông thường để mang “các gai protein” hiện diện bên ngoài tế bào virus corona.
Các thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho thấy sản phẩm của Sinovac, thường được gọi là “Coronavac”, là loại vắc-xin kém hiệu quả nhất đối với virus corona đang được phân phối rộng rãi trên toàn cầu. Kết quả các thử nghiệm lâm sàng được công bố vào tháng 1 cho thấy Coronavac có hiệu quả 50,38% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus corona, vừa đủ để đáp ứng ngưỡng 50% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để được phê duyệt. Kể từ đó Sinovac liên tục khẳng định vắc-xin của hãng này có hiệu quả gần 80%.
Tuy nhiên, tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích khá nặng nề sau khi các quốc gia chủ yếu dựa vào vắc-xin của Sinovac, nổi bật nhất là Seychelles và Chile, đã trải qua sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus corona ngay sau khi các quốc gia này thực hiện “thành công” các chiến dịch tiêm vắc-xin Sinovac.
Theo Coconuts, một hãng truyền thông toàn châu Á đã dịch bản thông báo hôm thứ Ba (29/6) của FDA Thái Lan, cơ quan quản lý này đã xác định một lô các liều vắc-xin Sinovac cho dù lắc đều lên thì vắc-xin vẫn không thể pha trộn đúng cách và không thể sử dụng được.
Coconuts đưa tin: “Ông Surachok Tangwiwat của FDA Thái Lan đã chỉ thị các chuyên gia y tế tránh tiêm các liều vắc-xin này cho người dân và báo cáo bất kỳ bất thường nào cho cơ quan này ngay lập tức. Theo ông Surachok, vắc-xin Sinovac phải được lắc trước khi sử dụng. [Nhưng] trong trường hợp các liều vắc-xin [bị lỗi] này, ngay cả khi lắc, các cục gel sẽ không hòa tan vào trong chất lỏng.”
Thông báo được công bố dường như đổ lỗi cho việc xử lý không đúng cách đối với vắc-xin tại một thời điểm nào đó trong chuỗi giao hàng giữa Trung Quốc và Thái Lan, chứ không phải lỗi ở nhà máy của Sinovac Biotech. Vắc-xin Coronavac yêu cầu giữ lạnh liên tục ở nhiệt độ tử 35ºF đến 46ºF.
Thông báo của FDA Thái Lan cho biết: “FDA đã yêu cầu bảo quản vắc-xin ở một nhiệt độ thích hợp. Một địa điểm tiêm chủng đã phát hiện [một lô vắc-xin bị lỗi] chứa dung dịch vắc-xin bị cô đặc như một loại gel trong suốt trong lọ [vắc-xin], trong đó 110 lọ vắc-xin đã không được tiêm và chưa có địa điểm tiêm chủng nào khác phát hiện lô vắc-xin như vậy.”
FDA Thái Lan để ngỏ khả năng rằng một số liều trong lô vắc-xin bị lỗi này có thể đã được tiêm cho bệnh nhân. Cơ quan này yêu cầu các nhân viên y tế “nhấn mạnh” với bệnh nhân rằng vắc-xin này an toàn bất chấp sự cố hiện tại.
Coconuts lưu ý rằng Thái Lan đã tiêm hơn 10 triệu liều vắc-xin Sinovac kể từ lần đầu tiên nhận được chúng vào tháng 2. Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố Sinovac sẽ giao 200.000 liều vắc-xin đầu tiên cho Bangkok trong số 2 triệu liều đã hứa, đồng thời dẫn lời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha gọi chuyến giao hàng này “mang tính lịch sử”.
Chính quyền quân sự hiện tại của Thái Lan, vốn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, tiếp tục sử dụng loại vắc-xin này của Trung Quốc làm sản phẩm tiêm chủng chính của nước này ngay cả khi xuất hiện các trường hợp mà Reuters gọi là “tác dụng phụ bất thường giống như đột quỵ” ở một số bệnh nhân vào tháng 4.
Tương tự như Seychelles và Chile, Thái Lan bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm virus corona tăng kỷ lục sau khi tiêm chủng vắc-xin Sinovac, đạt đỉnh vào tháng 5. Các quan chức Thái Lan đổ lỗi số ca nhiễm bệnh tăng cao một phần là do sự bùng phát trong các nhà tù, nơi các điều kiện ăn ở quá chật chội dẫn đến sự lây lan của căn bệnh truyền nhiễm này.
Tính đến hôm thứ Ba (29/6), Thái Lan với gần 70 triệu dân đã ghi nhận 254.515 ca nhiễm virus corona và 1.970 ca tử vong.
Hãng tin Channel News Asia (CNA) của Singapore trong tháng này lưu ý rằng mặc dù chính phủ Thái Lan đã nỗ lực để thuyết phục người dân tin tưởng vắc-xin Coronavac của Trung Quốc, nhưng “lòng tin của công chúng đối với chính phủ Prayut còn thấp và người dân thiếu tin tưởng vào sự an toàn của các loại vắc-xin mà chính phủ có được”. Tướng Prayut đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vốn bị giới trẻ ủng hộ dân chủ của nước này phản đối mạnh mẽ.
Theo CNA, giới trẻ Thái Lan “có quan điểm nghi ngờ và thậm chí là thù địch [đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc], và các sản phẩm của Trung Quốc bị nhiều người xem là rẻ tiền và chất lượng kém.” Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không phản đối cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan, đồng thời theo đuổi một cách tích cực mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính phủ quân sự của ông Prayut, bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế Thái Lan và qua đó khiến sự hiện diện của Trung Quốc tại quốc gia này trở nên nổi bật hơn. CNA lưu ý, một số khoản đầu tư của Trung Quốc cho chính phủ Prayut dưới hình thức viện trợ quân sự, khiến các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Thái Lan lo ngại chúng sẽ được sử dụng để chống lại họ.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã chủ trì một nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin Sinovac trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 khi những lo ngại ngày càng tăng về khả năng bảo vệ của vắc-xin này trước sự lây nhiễm của virus corona. Kết quả được công bố hôm thứ Ba (29/6) cho thấy Coronavac có hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào biến chủng “alpha” (biến chủng Anh) gây ra căn bệnh COVID-19.
Tờ Bankok Post cho hay: “Nghiên cứu xác nhận rằng hai liều của vắc-xin Sinovac có hiệu quả khoảng 71% – 91% trong việc giảm nhiễm bệnh do biến chủng Alpha gây ra. Các đối tượng nghiên cứu là các nhóm có rủi ro cao tại Phuket, Samut Sakhon và Chiang rai cũng như các nhân viên y tế công cộng.”
Kết quả nghiên cứu này đi theo tuyên bố của giám đốc điều hành Yin Weidong của Sinovac vào tháng 3 rằng vắc-xin này có hiệu quả “80-90%” chống lại việc nhiễm bệnh mặc dù không có bất kỳ kết quả nghiên cứu nào ủng hộ cho tuyên bố của ông. Tuy nhiên, sau đó ông Yin đã nghi ngờ lập luận của chính mình khi quảng cáo rằng có khả năng liều thứ ba của vắc-xin sẽ là một giải pháp cho những lo ngại về hiệu quả của vắc-xin.
Ông Yin khẳng định hồi đầu tháng 6: “Sau khi hoàn tất hai mũi tiêm, cơ thể chúng ta đã sản sinh ra một bộ nhớ miễn dịch. Về việc khi nào cần phải tiêm liều thứ ba, hãy cho các nhà nghiên cứu có thêm thời gian để nghiên cứu nó.”
Phát biểu của ông Yin được đưa ra sau lời than thở công khai của ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, rằng các loại vắc-xin virus corona do Trung Quốc sản xuất “có tỷ lệ bảo vệ không cao”.
Sau đó ông Cao tuyên bố rằng các cơ quan truyền thông trích dẫn lời của ông đã gây ra “sự hiểu lầm.” Ông Cao nói hồi tháng 4: “Chúng tôi hiện đang xem xét chính thức liệu có nên sử dụng các loại vắc-xin khác nhau sản xuất từ các phương pháp kỹ thuật khác nhau cho quy trình tiêm chủng hay không. Mọi người nên cân nhắc những lợi ích mà loại vắc xin mRNA có thể mang đến cho nhân loại. Chúng ta phải theo dõi cẩn thận và không nên phớt lờ loại vắc xin này chỉ vì chúng ta đã có một số loại vắc-xin rồi.”
Gia Huy (Theo Breitbart)
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Vắc-xin Sinovac Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan vắc-xin Sinovac bị lỗi