Thái Lan cắt điện khu vực biên giới Myanmar liên quan đến lừa đảo trực tuyến
- Bình Minh
- •
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính, tình trạng lừa đảo trực tuyến đang gia tăng nhanh chóng này tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm. Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực xoa dịu mối lo ngại về an toàn của du khách Trung Quốc sau vụ bắt cóc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh từ Thái Lan sang Myanmar gây chấn động dư luận Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (ngày 4/2), Chính phủ Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn các trung tâm lừa đảo, nước này sẽ ngừng cung cấp điện cho một số khu vực biên giới với Myanmar. Đây là một phần trong nỗ lực gia tăng áp lực của Thái Lan đối với các nhóm lừa đảo bất hợp pháp, chuyên nhắm vào số lượng lớn người ở nhiều quốc tịch khác nhau.
Theo Liên Hợp Quốc, hàng trăm ngàn người bị các băng nhóm tội phạm buôn bán. Họ buộc phải làm việc tại các trung tâm lừa đảo và hoạt động trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả khu vực biên giới Thái Lan – Myanmar.
Một báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc ước tính, những vụ lừa đảo đang phát triển nhanh chóng này tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai phát biểu với các phóng viên rằng: “Chúng ta phải cắt điện ngay lập tức.”
Ông cho biết việc cắt điện được tiến hành ngay trong ngày 4/2. Cơ quan Điện lực cấp tỉnh (PEA) có thẩm quyền làm như thế đối với các trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, mà không cần chờ lệnh từ Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) hoặc nội các.
Theo tờ The Nation, ông Phumtham cũng cảnh báo người nào không tuân thủ lệnh trên sẽ bị chuyển đi nơi khác, hoặc bị kỷ luật vì cho phép các băng nhóm lừa đảo tác động đến Thái Lan.
Theo dữ liệu của Cục Điều tra tội phạm mạng Thái Lan, từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024, hơn 500.000 người dân nước này cũng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo này đã gây thiệt hại cho Thái Lan hơn 60 tỷ baht (khoảng 43.744 tỷ VNĐ).
Những băng nhóm lừa đảo này một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh bị bắt cóc khi vừa đến Thái Lan vào tháng trước. Sau đó, cảnh sát Thái Lan tìm thấy Vương Tinh ở Myanmar và thả anh.
Thái Lan đang lo ngại về tác động của những vụ bắt cóc lừa đảo này đối với ngành du lịch quan trọng của nước này, và nỗ lực xoa dịu mối lo ngại về an toàn cho du khách từ thị trường chính là Trung Quốc.
Trước đó Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết hôm thứ Ba ngày 4/2, bà hội đàm với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cắt nguồn cung cấp điện, nhằm giải quyết tình trạng gian lận trực tuyến.
Bà nói, những gì xảy ra đã tác động rất lớn đến nhiều người Thái và hình ảnh của đất nước.
Khi được hỏi khi nào sẽ cắt điện, bà cho biết: “Hôm nay nếu chúng ta thảo luận và có được sự rõ ràng thì chúng ta có thể thực hiện ngay hôm nay.”
Hôm thứ Hai (3/2), người đứng đầu hội đồng an ninh Thái Lan cho biết, có bằng chứng cho thấy, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang hoạt động ở các khu vực Tachileik, Myawaddy và Payathonzu, miền đông Myanmar. Những khu vực đó có khả năng sẽ bị cắt điện.
Trong một bài viết hiếm hoi được công bố vào tháng trước về trung tâm lừa đảo này, tờ Global New Light of Myanmar do nhà nước điều hành cho biết, các nhu cầu cơ bản như điện và internet không phải do Myanmar cung cấp, mà là do các nước khác cung cấp, ám chỉ Thái Lan. Bài báo nêu rằng “các tổ chức nước ngoài” đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng này.
Theo tờ Global New Light of Myanmar, kể từ tháng 10/2023, chính quyền quân sự Myanmar đã hồi hương hơn 55.000 người nước ngoài bị ép làm việc tại các khu vực xảy ra gian lận mạng, phần lớn là người Trung Quốc.
Khu vực lừa đảo không chỉ có ở Myanmar: Thái Lan đóng cửa 1 tuyến biên giới với Campuchia
Hơn 10 diễn viên Trung Quốc được mời sang Thái Lan, một số vẫn mất tích ở Myanmar
36 băng nhóm Trung Quốc với hơn 100.000 người lừa đảo viễn thông tập kết ở Myanmar
Bình Minh (t/h)
Từ khóa việc nhẹ lương cao lừa đảo trực tuyến Paetongtarn Shinawatra Công viên lừa đảo Thái Lan Myanmar