SBU, cơ quan đặc vụ của chính quyền Kiev, có đội sát thủ đặc nhiệm chuyên nhắm vào những ai “cộng tác” với Nga, The Economist báo cáo hôm 5/9, dẫn nguồn phỏng vấn cựu thủ lĩnh SBU Valentin Nalivaichenko và một số nhân vật khác, đồng thời dẫn ra một loạt các thành tích khét tiếng trong quá khứ của đội sát thủ chưa từng bao giờ công khai này. Cơ cấu này ít nhất đã hoạt động từ năm 2015, theo Nalivaichenko, và lúc bấy giờ nhắm vào những người ở những vùng ly khai Ukraine như Crimea và Donbas vì không thừa nhận chính quyền Kiev được thiết lập sau điều họ coi là vụ đảo chính Maidan 2014 do phương Tây hậu thuẫn.

71a678a
Đánh bom chết người gần Melitopol nhắm vào người dân thường mà chính quyền Kiev gọi là “ủng hộ” hoặc “cộng tác” với Nga. (Ảnh ghép từ thông báo trên mạng xã hội công cộng)
Киреев Денис Борисович
Denys Kiryeyev bị cơ quan đặc nhiệm SBU chặn ở đường phố trung tâm thủ đô Kiev và bị hành quyết đương trường, sau đó SBU vứt xác ngoài phố để răn đe những ai dám phản bội Kiev. Ông Kiryeyev được chính quyền Zelensky truy tặng huy chương anh hùng sau khi phát hiện ông bị xử tử nhầm. Vợ của ông đã bỏ Ukraine và sinh sống ở nước ngoài. Câu chuyện được báo cáo bởi Tạp chí Phố Wall. (Nguồn: Киреев, Денис Борисович/ Wikipedia)

“Chúng tôi đã đi đến quyết định một cách thận trọng rằng chúng tôi cần phải thủ tiêu một số người,” Nalivaichenko kể với tờ báo của Anh quốc The Economist về tình hình năm 2015, và nói về các vụ thời bấy giờ ở Donbas: Mikhail Tolstykh, biệt danh ‘Givi’ bị giết trong vụ không kích bằng tên lửa 2017, Arsen Pavlov, biệt danh ‘Motorola’, bị giết khi trong thang máy nổ tung 2016, Alexander Zakharchenko, mất mạng trong vụ đánh bom nhà hàng 2018.

Screenshot 2023 09 06 at 5.16.55 PM
(Ảnh chụp màn hình báo cáo hôm 5/9 của The Economist.)

Không chỉ đơn thuần là ám sát thủ tiêu, mà “bất kể ai dám phản bội Ukraine, hoặc bắn vào người Ukraine,… phải được hiểu rằng họ đang bị theo dõi và sẽ bị đưa ra công lý,” theo lời Andriy Cherniak, sỹ quan của đặc vụ quân sự GUR.

Thủ lĩnh GUR Kirilo Budanov hồi tháng 7 cũng khẳng định sự tồn tại của cơ cấu sát thủ này, “Nếu bạn muốn nói về [thiết lập một cơ cấu tựa như] Mossad… thì chúng tôi không cần. Nó đã tồn tại rồi.”

Tờ The Economist nhắc tới liên hệ có từ xưa về truyền thống ám sát chính trị của Mossad Israel với các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan có từ những năm 1930 tại Ukraine, dẫn ví dụ vụ việc Pavel Sudoplatov (người sinh ra ở Melitopol) đã cho nổ tung một quả bom giấu trong hộp sôcôla, và cũng là người chủ mưu trong vụ ám sát Leon Trotsky năm 1940.

Theo Nalivaychenko, những nhà lãnh đạo cao nhất của Kiev quyết định biện pháp ám sát thay vì bỏ tù là bởi vì nhà tù đã đầy, và biện pháp bỏ tù đối với những ai “cộng tác” với Nga là chưa đủ.

Vụ ám sát Yevhen Yunakov, Thị trưởng của Velykyi Burluk thuộc Kharkov Oblast, cũng được tường thuật lại: Sau khi bị xác định là người “cộng tác” với Nga, thì vụ Yunakov được chuyển sang cho đội sát thủ giải quyết. Họ miêu tả rằng người của họ đã theo dõi đối tượng trong nhiều ngày: Ông ta mua hàng ở đâu, di chuyển theo lộ tuyến nào, khả năng cảnh báo và an ninh của ông ta đến đâu. Nhóm sát thủ đã kích hoạt bom nổ từ xa khi nhóm trú ẩn trong một ngôi nhà an toàn. Vài tuần sau, khi quân Kiev giành lại Kharkov từ tay người Nga, nhóm sát thủ đã an toàn trở về. Còn xác của Yunakov không bao giờ được tìm thấy.

Họ bị bắn chết, bị nổ chết, bị treo cổ chết, và thậm chí đôi khi bị giết chết bằng rượu độc. Thông thường Ukraine không công khai thừa nhận các vụ ám sát này.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022 đến nay, theo miêu tả của The Economist, cho biết ban điều hành tinh nhuệ số 5 thuộc SBU là “trung tâm” trong các nhiệm vụ chuyên nhắm vào Nga, và khẳng định vụ đánh cầu Kerch nối phía Đông bán đảo Crimea với đất liền hồi tháng 10/2022 cũng do SBU thực hiện. Thời bấy giờ chính quyền Kiev đã không thừa nhận vụ này, trong khi đó, Nga miêu tả đó là hoạt động khủng bố.

Theo The Economist, Tổng thống Volodymyr Zelensky thường ủy quyền cho các hoạt động ám sát dễ gây tranh cãi, dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Kiev “điều quan trọng là không được bình luận và thậm chí không nghĩ về các hoạt động như vậy,” và tổng thống thường ra chỉ thị một cách cụ thể rõ ràng với mục đích được diễn giải là để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.

“Tổng thống thường truyền đạt các chỉ thị cụ thể tới mọi người [của đội sát thủ] một cách chính thức, và đôi khi, quát vào mặt họ,” theo lời kể của một quan chức Ukraine cấp cao với The Economist.

Vụ đánh bom hồi tháng 10/2022 giết chết Darya Dugina, con gái Alexander Dugin, một triết gia theo chủ nghĩa dân tộc Nga, đã gây ra nhiều tranh cãi ngay trong bản thân giới lãnh đạo Kiev, theo The Economist dẫn lời quan chức Ukraine miêu tả, đặc biệt là sau khi tờ báo Mỹ New York Times đưa tin rằng Chính phủ Mỹ đổ lỗi cho Ukraine về vụ này. Cho đến nay, vẫn chưa rõ ai là đối tượng mà chính quyền Kiev muốn giết chết —cô Darya trẻ tuổi, hay cha cô Alexander, hay là cả hai— vì ông Alexander đã ngẫu nhiên quyết định không đi cùng con gái trong chiếc xe định mệnh vào ngay trước lúc vụ ám sát xảy ra, do đó ông đã thoát nạn.

“Tôi cảm thấy phản cảm” về một loạt các hoạt động ám sát nhắm vào các nhà tuyên truyền cấp trung bình —theo cách người Ukraine miêu tả— The Economist báo cáo rằng một số quan chức mà họ phỏng vấn cảm thấy phản cảm, và cho rằng các vụ ám sát đó chỉ là để làm hài lòng tổng thống.

Đối tượng bị ám sát đó không phải là các phần tử chống phá Ukraine mạnh mẽ hay trực diện. Họ chỉ là những nhà hoạt động xã hội. Theo quan chức Ukraine miêu tả, các quyết định ám sát họ chủ yếu là để làm hài lòng tổng thống hơn là để giúp Ukraine giành chiến thắng. Theo ông, họ chỉ là “những tên hề, những gái điếm, hay những kẻ pha trò thường xuyên xuất hiện chung quanh chính quyền Nga [mà thôi]. Dù có giết một người trong số họ, thì sẽ xuất hiện một người khác thay thế.”

Cựu thủ lĩnh cũng bày tỏ ý lo ngại rằng chiến dịch ám sát của chính quyền Kiev đã được thúc đẩy bởi tinh thần bốc đồng hơn là lý trí.

Theo miêu tả của quan chức Ukraine, thì vụ ám sát Stanislav Rzhitsky là thích đáng, và thể hiện tinh thần trả thù cho tội ác chiến tranh. Sỹ quan tàu ngầm Stanislav Rzhitsky được Ukraine cho rằng là người tham gia vụ tấn công bằng tên lửa hồi tháng 7/2022 khiến 38 người chết ở Vinnytsia. Ông đã giải ngũ nhưng bị bắn chết khi chạy bộ ở công viên vào tháng 7/2023.

Tên của ông có trong danh sách khét tiếng Myrotvorets của Ukraine —còn được gọi bằng cái tên không chính thức là “kill list”— và ngay sau ngày ông bị bắn chết, hình ảnh của ông trên danh sách này đã được bôi đỏ màu máu.

Các nguồn tin khác nhau từ phía Nga đã chỉ ra rằng ông Stanislav Rzhitsky không tham gia lần tấn công tên lửa tháng 7/2022 như cáo buộc trên website Myrotvorets của Ukraine, bởi vì ông đã đệ đơn xuất ngũ vào 12/2021, trước khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022. Cha của ông cho biết tháng vào tháng 7/2022, tuy ông có mặt ở Sevastopol, nhưng đó là để hoàn thành thủ tục xuất ngũ, chứ ông đã không tham gia bất cứ hoạt động quân sự nào, cũng không lên thuyền ra biển vào thời điểm đó.

Andriy Yusov, một phát ngôn viên tình báo quân sự Ukraine, tìm cách diễn giải với The Economist rằng chính quyền Ukraine không phải tiến hành “khủng bố mù quáng,” đồng thời mục đích cũng “không phải là để khủng bố tinh thần kẻ thù, mà là để buộc kẻ thù sớm rời khỏi vùng đất Ukraine bị chiếm đóng.”

Thời gian qua, phe Nga thường chỉ trích chính quyền Kiev tiến hành các ám sát khủng bố với sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh phương Tây.

Nhật Tân