The Guardian chứng thực trẻ em Mariupol cảm ơn quân Nga
“Cảm ơn chú Yura vì đã cứu cháu, em gái cháu, và hàng trăm ngàn trẻ em ở Mariupol,” một thiếu nữ vừa rơi nước mắt vừa cảm ơn người lính Nga cùng khoảng 12 trẻ em tới và ôm ông ấy, trong một sự kiện cực lớn ở Moscow kỷ niệm chiến tranh Ukraine tròn 1 năm. Tờ báo The Guardian của Anh dẫn lời chứng “Đây không phải là diễn viên. Chúng thực sự là những đứa trẻ đến từ Mariupol” kèm theo bình luận rằng điều đó là “ghê tởm.”
Theo The Guardian báo cáo, một thiếu nữ 15 tuổi, tên là Anna Naumenko, đã lên sân khấu của sân vận động Luzhniki ở Moscow, vừa rơi nước mắt vừa cảm ơn người lính tình nguyện có biệt danh Yuri Gagarin.
“Cảm ơn chú Yura vì đã cứu cháu, em gái cháu, và hàng trăm ngàn trẻ em ở Mariupol,” cô nói trong micro, khi em gái Karolina của cô cũng có mặt ở đó. Dưới sự khích lệ của người dẫn chương trình, cô và sau đó khoảng 12 trẻ em đã tới ôm người lính Nga, mà theo hình ảnh trên video, đó là những đứa trẻ khoảng 5 đến 18 tuổi.
“Angel” (thiên thần) là điều mà các đứa trẻ Mariupol hình dung về người lính Nga, như những gì được thấy trong sự kiện.
Video: Trẻ em Mariupol cảm ơn quân Nga đã cứu chúng, trong một sự kiện cực lớn nhân ngày chiến tranh Ukraine tròn 1 năm (phút 59’10’’, Sky News Anh quốc truyền trực tiếp)
Sự kiện văn hóa nhắm vào giới trẻ được truyền thông phương Tây ước tính có 200.000 người tham gia này được xem là một nỗ lực lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, và ủng hộ “nhiệm vụ quân sự đặc biệt” của ông ở Ukraine. Nhiệm vụ mà theo ông mô tả, là để “giải phóng” người dân khỏi nanh vuốt của nhóm những kẻ “tân phát xít” được phương Tây nâng đỡ đang nắm chính quyền ở Kyiv.
“Đó là hàng xóm của tôi!” Tờ The Guardian đã đưa ra lời chứng thực từ người dân từng sinh sống ở Mariupol, cho biết rằng cô bé Anna cùng gia đình cô từng là hàng xóm của họ ở thành phố cảng này.
“Điều ghê tởm là đây không phải là diễn viên. Chúng thực sự là những đứa trẻ đến từ Mariupol.” Chỉ vào một đứa trẻ khác, Shrycheva nói thêm, “Cậu bé đội mũ đen và áo khoác xám đang ôm quân xâm lược là Kostya, hàng xóm của tôi. Chúng tôi sống trong cùng một tòa nhà, và trải qua tháng đầu tiên của cuộc chiến trong cùng một nơi trú ẩn.”
“Bố mẹ của Kostya là những người tốt,” Shrycheva nói với tờ Observer, nhớ rằng bà Kristina, mẹ của Kostya, từng làm việc trong một cửa hàng ở khu vực lân cận của họ. “Chúng tôi chia sẻ thức ăn với họ, họ cũng vậy. Kostya là một cậu bé rất tốt bụng và tử tế.”
“Chồng tôi cùng [Igor] bố của Kostya chạy đi lấy nước và thức ăn cho chúng tôi dưới lửa. Igor đã giúp dập lửa khi tòa nhà của chúng tôi bị người Nga phóng hỏa. Tôi biết căn hộ của họ đã biến mất, toàn bộ ngôi nhà của họ bị thiêu rụi và đã bị phá bỏ.”
Thành phố cảng Mariupol bên bờ biển Azov là một trọng điểm tấn công của quân Nga kể từ giai đoạn đầu cuộc chiến, do vị trí đặc thù của nó.
Nơi đây đã từng được truyền thông của Ukraine ca ngợi nhiều tháng như một pháo đài bất bại, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất quãng thời gian khi người lính Ukraine còn nghèo túng trong những ngày đầu cuộc chiến, loay hoay với những quả bom tự chế ‘cocktail molotov’ để vất vả kìm chân quân Nga.
Người Nga sau khi chiếm lĩnh thành phố cảng biển quan trọng này, biến nó trở thành một bàn đạp cho bước tiến của mình, đã và đang xây dựng lại thành phố với tốc độ chóng mặt với mong muốn biến nó trở thành một thành phố tiêu biểu cho hình tượng “giải phóng” của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin, dần dần đưa cuộc sống của người dân nơi đây trở về bình thường, theo AP đưa tin cuối năm ngoái.
Ngay đêm trước ngày Moscow tổ chức sự kiện ái quốc hôm 22/2 nói trên, Ukraine đã nã hàng loạt tên lửa vào thành phố Mariupol như một báo hiệu thách thức rằng Ukraine đã có vũ khí tấn công tầm xa.
Mariupol cách điểm gần nhất vùng đất do phe Ukraine kiểm soát tới tận 80 km. Theo giới quan sát phân tích, đây là Kyiv muốn lên tiếng rằng quân đội của họ đã đưa tên lửa với tầm bắn ít nhất 100 km do phương Tây viện trợ ra tiền tuyến rồi.
Video của hãng AP tháng 12/2022: Mariupol được xây dựng lại theo phong cách thành phố Nga
Về sự kiện ái quốc hôm 22/2, mà được miêu tả như “một sự kiện quan trọng nhất trong năm” của chính quyền Moscow, tờ The Guardian của Anh cho biết những người được các báo chí phương Tây phỏng vấn đã tỏ ra bị sốc hoặc cảm thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng xóm của họ cảm ơn quân Nga xâm lược.
“Tôi không biết tại sao gia đình Kostya lại thay đổi thái độ với người Nga. Tôi nghĩ họ là ‘những người thích nghi [theo hoàn cảnh]’… Đây là những người không quan tâm đến việc sống dưới lá cờ nào. Họ đang tìm kiếm lợi ích cho mình từ cả hai phía. Có thể lúc đó họ ủng hộ Ukraine thì thuận tiện, còn bây giờ thì thuận tiện cho họ ủng hộ Nga,” Shrycheva kể với phóng viên. Theo tờ báo đưa tin, bà Kristina, mẹ của Kostya, hiện đang làm việc trong chính quyền của mới của Mariupol.
Tờ báo đã tìm cách liên lạc với cha Igor và mẹ Kristina của Kostya để có thêm bình luận, nhưng không nhận được trả lời.
Theo The Guardian, thiếu nữ Anna cũng được xác nhận bởi một tờ báo khác do Ukraine kiểm soát, tờ Informator, rằng cô gái đúng là dân cư thành phố Mariupol. Tờ báo cho hay có một nhân chứng khác nói rằng mẹ Olga của cô đã thiệt mạng vào tháng 4 trong một vụ nổ ở thành phố này.
Polina Tsvetkova, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga, người đã giúp tổ chức sự kiện này, viết:
“Sau buổi phát sóng, tôi đã gặp những đứa trẻ được tình nguyện viên Yuri Gagarin cứu ở Mariupol. Hơn 300 trẻ em! Họ gọi ông ấy là thiên thần, tôi và cả nhóm cũng cố gắng trở thành thiên thần cho lũ trẻ và tổ chức một khoảng thời gian vui vẻ ở Moscow! Chúng tôi sẽ chiếu video câu chuyện về những đứa trẻ của chúng tôi trên Channel One vào tuần tới.”
Người lính Nga tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế ở Ukraine theo cách nói của truyền thông Nga, đã được gọi với biệt danh “Yuri Gagarin”, một cái tên trong quá khứ đã từng quá quen thuộc với người Việt Nam chúng ta, với hình tượng to lớn trong các tuyên truyền nhiều năm của nhà nước về một phi hành gia, một anh hùng, và là người đầu tiên bay vào vũ trụ.
- Ukraine yêu cầu dân chúng lập tức rời khỏi Bakhmut
- Ukraine đánh sập chiếc cầu gần Bakhmut khi quân Nga tiếp cận
Bakhmut, một thị trấn nhỏ hơn nhiều so với thành phố Mariupol gần 450.000 cư dân trước chiến tranh, cũng là một “pháo đài” theo cách gọi mỹ miều của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và được cả hai phe tham chiến mệnh danh là “cối xay thịt” do nó đang trong chiến loạn thảm khốc giằng co từ tháng 6 năm ngoái.
Tại khi thị trấn từng có 70.000 cư dân từ trước chiến tranh này đang bị quân Nga bao vây 3 mặt, và các ngôi nhà đã thành gạch vụn, thì hầu hết dân chúng đã sơ tán rồi. Nhưng theo báo cáo của Pravda Ukraine có khoảng 6.000 cư dân đang được chính quyền Ukraine hối thúc vào hôm 17/2 vừa qua, rằng các “công dân” “tuân thủ luật pháp” và “yêu nước” ngay lập tức phải rời hết khỏi Bakhmut.
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine trẻ em Ukraine lính Nga