Nhân ngày 1/7 đánh dấu 25 năm ngày bàn giao chủ quyền Hồng Kông về Trung Quốc, Thủ tướng Anh Boris Johnson cáo buộc Bắc Kinh không tuân thủ cam kết “một quốc gia, hai chế độ“, nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh “sẽ không từ bỏ Hồng Kông” và sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để khiến Bắc Kinh giữ lời hứa, để khôi phục “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông”.

Thu tuong Anh Boris Johnson
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukriane)

Trước thời điểm ngày kỷ niệm 1/7, Hội nghị thượng đỉnh G7 một lần nữa đề cập đến Hồng Kông trong thông cáo chung, yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết trong Tuyên bố chung Trung – Anh để bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông trong hai ngày liên tiếp đã nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng vào ngày 1/7 rằng “bảo vệ và duy trì chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia” mới là nguyên tắc cao nhất của “một quốc gia, hai chế độ”, còn về Tuyên bố chung Trung – Anh thì không hề nhắc đến.

Ông Johnson: Bắc Kinh đã không giữ lời hứa của mình

Tổng hợp thông tin từ Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle), v.v, đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu video vào ngày 1/7. Ông dẫn lời Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten nói cách đây 25 năm, rằng ngày 1/7 nên là “một ngày khắp nơi cùng vui mừng, chứ không phải là thời khắc cảm thấy đau thương”. Chính phủ Trung Quốc ban đầu từng tích cực nhấn mạnh rằng họ sẽ tuân thủ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” trong Tuyên bố chung Trung – Anh, nhưng tại lễ kỷ niệm 25 năm bàn giao chủ quyền về Trung Quốc, “Chúng ta chỉ đơn giản là không thể tránh né một thực tế rằng: trong một khoảng thời thời gian qua, Bắc Kinh đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình”.

Năm 2019, sau khi phong trào “chống dẫn độ” nổ ra ở Hồng Kông, Bắc Kinh đã thực hiện nghiêm ngặt “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vào đêm trước ngày 1/7/2020. Ông Johnson cho biết các quyền và tự do của người Hồng Kông đang bị đe dọa, sự phát triển và thịnh vượng của quê hương họ cũng bị đe dọa. Do đó, Vương quốc Anh, thông qua chương trình thị thực BNO, cung cấp một con đường cho những người Hồng Kông có hộ chiếu Quốc gia Anh (ở nước ngoài) trở thành công dân Anh. “Vương quốc Anh là nơi tôn trọng quyền tự do ngôn luận, quyền tụ tập và lập hội, sẽ không coi đó hành vi phạm tội, 120.000 người Hồng Kông và người nhà của họ đã bắt đầu con đường này (chương trình thị thực BNO).”

Ông Johnson nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh sẽ không từ bỏ Hồng Kông, “Vương quốc Anh đã hứa với Hồng Kông và người dân Hồng Kông 25 năm trước, chúng tôi sẽ giữ lời hứa và làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng Trung Quốc thực hiện cam kết của mình, để Hồng Kông một lần nữa do người Hồng Kông quản lý, phục vụ người Hồng Kông, để mọi người một lần nữa đối mặt với tương lai của Hồng Kông không phải bằng nỗi buồn mà bằng tiếng cười.”

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng đã đưa ra tuyên bố, nói rằng các quyền dân sự và chính trị của Hồng Kông đã bị xói mòn trong hai năm qua, và chính quyền đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để “đàn áp phe đối lập, kết tội những người bất đồng chính kiến ​​và đàn áp tất cả những người dám nói sự thật”. Bà nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ Hồng Kông và “làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, như một phần của mạng lưới tự do toàn cầu, để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken lên án ĐCSTQ làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông

Tại Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đưa ra một tuyên bố vào ngày 30/6, nói rằng ngày 1/7 năm nay là khoảng giữa của cam kết “một quốc gia, hai chế độ” và “50 năm không thay đổi” của phía Trung Quốc. Nhưng dường như bây giờ Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh “sẽ không còn coi sự tham gia một cách dân chủ, các quyền tự do cơ bản và các phương tiện truyền thông độc lập như một phần của tầm nhìn trong cam kết này.”

Ông Blinken lên án việc Bắc Kinh thực thi Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông đã làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông, “Chính quyền đã cầm tù những người thuộc phe phản đối … Đánh úp tổ chức truyền thông độc lập … Làm suy yếu chế độ dân chủ, trì hoãn bầu cử”. Ông nhấn mạnh rằng tất cả những gì Bắc Kinh làm là tước bỏ những lời hứa của họ với người dân Hồng Kông. “Chúng tôi lên tiếng ủng hộ người dân Hồng Kông, đồng thời tăng cường kêu gọi họ khôi phục các quyền tự do đã hứa.”

Ngoài ra, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng phát biểu vào ngày 1/7 ủng hộ Hồng Kông. Bà cho biết kể từ khi thực thi Luật An ninh Quốc gia cách đây 2 năm, Úc vẫn quan ngại sâu sắc về việc các quyền, tự do và tự chủ của Hồng Kông tiếp tục bị xói mòn.

Tại Bắc Kinh, trước bài phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhắc lại rằng các thế lực bên ngoài không có quyền can thiệp vào Hồng Kông, tuyên bố rằng Vương quốc Anh không có chủ quyền, quyền quản trị và giám sát đối với Hồng Kông sau khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, và còn tuyên bố rằng về cơ bản không tồn tại “cái gọi là cam kết”.