Thủ tướng Đức nói không giới hạn Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công Nga
- Hải Đăng
- •
Thủ tướng Friedrich Merz hôm thứ Hai (26/5) cho biết Đức cùng với các nước ủng hộ phương Tây quan trọng khác của Ukraine đã dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn đối với vũ khí mà họ gửi đến Kiev để chống lại Nga. Moskva đã nhiều lần cảnh báo Berlin rằng động thái như vậy sẽ khiến Đức trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
“Không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn đối với vũ khí được chuyển giao cho Ukraine nữa — cả từ Anh, Pháp, chúng tôi hay Mỹ”, ông Merz nói.
“Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ, bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga… Với rất ít ngoại lệ, cho đến gần đây, họ vẫn chưa làm như vậy. Bây giờ họ có thể làm như vậy“, ông Merz nói tiếp.
Ông Merz cũng tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả về mặt quân sự“, phối hợp chặt chẽ với những bên ủng hộ khác.
Chính phủ Đức của thủ tướng Olaf Scholz trước đó đã ủng hộ mạnh mẽ Kiev nhưng lại tránh gửi tên lửa tầm xa Taurus cho chính quyền Zelensky, lo ngại rằng điều này có thể làm leo thang căng thẳng với cường quốc hạt nhân.
Ông Merz trước đây đã từng nói rằng ông ủng hộ việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Loại tên lửa nay có thể được dùng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Kể từ đó, chính phủ của ông Merz đã nhấn mạnh rằng họ sẽ không còn nêu chi tiết về loại vũ khí mà họ đang gửi cho Ukraine nữa, mà muốn có lập trường mơ hồ về mặt chiến lược.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dài với đài truyền hình công cộng WDR, ông Merz không nói liệu Đức có gửi tên lửa Taurus đến Kiev hay không.
Tuy nhiên, thủ tướng mới được bổ nhiệm vào tháng trước của Đức đã tận dụng cơ hội trả lời đài WDR để chỉ trích sự miễn cưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc tham gia vào các cuộc hòa đàm kết thúc chiến tranh với Ukraine.
Người đứng đầu Điện Kremlin đã phản ứng lại các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh bằng cách tiếp tục cuộc chiến “mạnh hơn trước“, ông Merz nói với WDR.
“Rõ ràng Putin coi những lời đề nghị đàm phán là dấu hiệu của sự yếu kém“, ông Merz nói thêm.
Kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay, ông đã tìm cách thúc đẩy hai bên tham chiến hướng tới các cuộc hòa đàm trực tiếp ở cấp cao nhất.
Tuần trước, ông Trump đã gợi ý Vatican là nơi có thể tổ chức một cuộc họp, và chính phủ Ý cũng cho biết nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo đã sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Nhưng Moskva đã đặt ra nghi ngờ về khả năng Tòa thánh Vatican là nơi tổ chức hòa đàm.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sẽ là “thiếu tế nhị” nếu Giáo hội Công giáo làm trung gian cho các cuộc thảo luận giữa hai quốc gia chủ yếu theo Chính thống giáo.
Điện Kremlin đã gọi những tuyên bố mới nhất của thủ tướng Đức là “nguy hiểm“. Hành động của Berlin đi ngược lại những nỗ lực giải quyết chiến tranh Ukraine một cách hòa bình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo. “Nếu những quyết định như vậy được đưa ra, chúng trái ngược với mong muốn của chúng tôi là tìm kiếm một giải pháp chính trị, trái với mọi nỗ lực giải quyết [xung đột]“, ông Peskov nói.
Moskva cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng muốn có một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột hơn là một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Từ khóa Friedrich Merz Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine
