Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm thứ Sáu (4/10) đã nói rằng lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam nên từ chức sau nhiều tháng diễn ra biểu tình chống lại chính quyền của bà.

Embed from Getty Images

Sự phản kháng ngày càng tăng đối với chính phủ Hồng Kông đã khiến trung tâm tài chính này chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ và đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Phát biểu trong một buổi họp báo tại Kuala Lumpur hôm 4/10, Thủ tướng Malaysia Mahathir nói rằng bà Lam “phải vâng lệnh quan thầy [Bắc Kinh] và đồng thời bà ta phải tự vấn lương tâm mình”.

Tôi nghĩ điều tốt nhất là từ chức,” tờ  MalaysiaKini dẫn tuyên bố của ông Mahathir.

Ông Mahathir, 94 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất tại Châu Á. Ông đã từng giữ chức thủ tướng trong 22 năm từ năm 1981, và sau một thời gian nghỉ hưu, ông đã quyết định quay lại chính trường Malaysia vào năm ngoái, tạo nên chiến thắng lớn cho đảng đối lập.

Tuyên bố hôm 4/10 là lần đầu tiên Thủ tướng Malaysia Mahathir công khai bình luận về phong trào biểu tình đã kéo dài hơn 3 tháng tại Hồng Kông.

Biểu tình Hồng Kông khởi phát ban đầu nhằm chống dự luật dẫn độ hiện đã được rút lại và bây giờ đã trở thành phong trào biểu tình rộng lớn đòi duy trì nền dân chủ Hồng Kông và các yêu cầu khác.

Tình hình tại Hồng Kông đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi hôm thứ Ba (1/10), cảnh sát đã bắn đạn thật vào một học sinh trung học khiến cậu này phải nhập viện.

Cảnh sát nói rằng viên sĩ quan liên quan tới vụ nổ súng nêu trên đã hành động tự vệ vì tính mạng của ông bị đe dọa. Đây là lần đầu tiên một người biểu tình tại Hồng Kông bị cảnh sát bắn đạn thật. Hiện tại nạn nhân này đang được điều trị tại bệnh viện, trong điều kiện sức khỏe ổn định.

Trước vụ nổ súng này, theo thông tin mà Apple Daily có được, đêm khuya 30/9, cảnh sát Hồng Kông thông báo cập nhật “Sổ tay quy trình” của lực lượng cảnh sát và Chương 29 trong “Quy định chung của cảnh sát”, thay đổi định nghĩa cho phép sử dụng súng ống đối với hành vi “tấn công vũ lực chí mạng”, chỉ cần cảnh sát cảm thấy đối phương “rất có khả năng” gây ra nguy cơ bị thương nghiêm trọng hoặc tử vong, thì lập tức có thể sử dụng súng.

Theo phiên bản mới nhất trong Chương 29 “Sổ tay quy trình” về “Sử dụng vũ lực và súng ống”, “cấp bậc sử dụng vũ lực” của cảnh sát được chia làm 6 cấp, cảnh sát cần phải phán đoán tình hình mức độ đối kháng, để sử dụng vũ lực thích đáng. Mức độ đối kháng phân thành “Đe doạ tâm lý”, “Đối kháng về ngôn ngữ”, “Đối kháng tiêu cực”, “Đối kháng ngoan cường”, “Tấn công bạo lực” và “Tấn công vũ lực chí mạng”, cảnh sát có thể căn cứ vào mức độ đối kháng khác nhau để lựa chọn vũ lực tương ứng như khống chế tay không, xịt hơi cay hoặc dùng súng, v.v.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền của bà Carrie Lam dường như đang rất quyết tâm trấn áp phong trào biểu tình đến cùng khi quyết định ban hành lệnh cấm người biểu tình đeo mạng che mặt.

Bà Carrie Lam tổ chức họp báo vào 3 giờ chiều 4/10 (giờ Hồng Kông) để công bố lệnh cấm mới này. Theo Reuters, lệnh cấm mọi người đeo mạng che mặt khi tụ tập đông người nơi công cộng sẽ có hiệu lực ngay giữa đêm 4 rạng sáng ngày 5/10.

Xuân Thành

Xem thêm: