Thủ tướng Nhật Bản Kishida xin lỗi các nạn nhân bị cưỡng bức triệt sản
- Theo RFI
- •
Hôm 17/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã xin lỗi các nạn nhân bị cưỡng bức triệt sản – vụ việc theo “Đạo luật Bảo vệ Ưu sinh” trước đây hiện không còn hiệu lực. Mới đây, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã ra phán quyết rằng Đạo luật này vi hiến và Chính phủ phải bồi thường cho các nguyên đơn. Trong cuộc gặp với các nạn nhân tại Dinh Thủ tướng, ông Kishida cho biết Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng giải quyết các vụ việc hiện nay trước tòa án và thậm chí bồi thường cho những nạn nhân chưa nộp đơn kiện.
Sau phán quyết của Tòa án tối cao Nhật Bản vào ngày 3/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã lần đầu tiên trực tiếp xin lỗi các nạn nhân. Ông nói: “Chính phủ thực thi pháp luật này phải chịu trách nhiệm. Tôi xin lỗi và thay mặt Chính phủ gửi lời xin lỗi”.
Đạo luật Bảo vệ Ưu sinh liên quan trước đây của Nhật Bản buộc triệt sản đối với những người thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc bệnh di truyền mà không có sự đồng ý của họ, nhằm ngăn cản họ sinh ra những đứa con “thấp kém”, luật này thường bị lên án là trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai.
Ông Kishida nói trước hơn 130 nguyên đơn, luật sư và những người ủng hộ phán quyết: “Chúng tôi vô cùng hối lỗi vì ít nhất 25.000 người đã bị tổn hại nghiêm trọng do triệt sản từ năm 1948 – 1996 theo Đạo luật Bảo vệ Ưu sinh”.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt đối với 5 vụ kiện, Tòa án Tối cao Nhật Bản cho biết, thời hạn 20 năm đối với vụ kiện các hành vi bất hợp pháp không áp dụng cho các trường hợp liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Ưu sinh. Ông Kishida cho biết Chính phủ sẽ không còn đề cập đến thời hiệu trong các thủ tục tố tụng hiện hành [liên quan đến các trường hợp này].
Tòa án Tối cao Nhật Bản tuyên bố trong phán quyết rằng việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý của Chính phủ bằng cách áp dụng thời hiệu là “cực kỳ bất công”, “vi phạm nghĩa vụ thành tín” và là “lạm dụng quyền lực”. Các nguyên đơn đã đệ đơn kiện lên 5 tòa án quận ở Sapporo, Sendai, Tokyo, Osaka và Kobe. Họ nằm trong tổng số 39 người đã nộp đơn kiện tương tự để đòi bồi thường tại 11 tòa án quận và một tòa án chi nhánh kể từ năm 2018.
Trong 5 vụ kiện nêu trên có 4 vụ tòa án cấp cao đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải trả từ 11 triệu yên đến 16,5 triệu yên cho mỗi nạn nhân và 2,2 triệu yên cho vợ hoặc chồng của các nạn nhân đã qua đời. Số tiền bồi thường này cao hơn nhiều so với khoản bồi thường một lần 3,2 triệu yên (theo luật ban hành vào tháng 4/2019) mà Nhật Bản trả cho mỗi người bị cưỡng bức triệt sản. Khoảng 1100 người đã nhận được giấy chứng nhận bồi thường.
Ông Kishida cho biết không chỉ bản thân nạn nhân mà cả vợ/chồng của họ cũng sẽ được bồi thường. Thủ tướng Kishida nói: “Tôi đã chỉ đạo (những người liên quan) đưa ra kết luận càng sớm càng tốt về hình thức bồi thường. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này sớm nhất”.
Cân nhắc phán quyết của Tòa án Tối cao Nhật Bản, ông Kishida đề xuất kế hoạch bồi thường “đầy đủ và phù hợp”. Ông không nêu rõ số tiền cụ thể. Trong cuộc họp, một nguyên đơn 81 tuổi có danh tính phụ là Saburo Kita cho biết ông không hài lòng với phán quyết và kêu gọi Chính phủ “kiên quyết chịu trách nhiệm”. Ông bị buộc phải triệt sản ở tuổi 14.
Theo RFI
Từ khóa Nhật Bản Triệt sản Fumio Kishida