Tỉnh mộng trước Trung Quốc, Mỹ tái khởi động vũ trang Đông Á
Trong khi Mỹ, Trung khẩu chiến cật lực về COVID-19, một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn đằng sau cánh gà đang tiến đến giai đoạn kịch liệt: Mỹ chuẩn bị thực thi một chiến dịch mới, tăng cường vũ trang tên lửa cho Đông Á nhằm đánh bật vị thế thống trị về hỏa lực của Trung Quốc tại khu vực này.
Trong hai thập kỷ gần đây, Mỹ phần lớn đã ngủ quên ở Châu Á trong khi Trung Quốc mở rộng vượt bậc hỏa lực quân sự của mình. Nay khi ràng buộc của thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, Mỹ sẽ rảnh tay trang bị cho khu vực vành đai đảo bao vây Trung Quốc hệ thống tên lửa tân tiến đủ sức chốt chặn Hải quân Trung Quốc khi xảy ra biến động.
Theo yêu cầu Ngân sách của Tòa Bạch Ốc cho năm 2021 và biên bản điều trần Quốc hội của các tướng lĩnh cấp cao Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng muốn Thủy quân Lục chiến được trang bị các phiên bản tên lửa Tomahawk trên Tàu Chiến. Lầu Năm Góc cũng đang đẩy nhanh tốc độ triển khai các tên lửa tầm xa chống hạm mới trong hàng chục năm qua.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters trả lời động thái mới nhất của Mỹ, Bắc Kinh thúc giục Washington “hãy thận trọng trong lời nói và hành động”, “ngừng di chuyển các quân cờ” trong khu vực” và “chấm dứt việc khoe cơ bắp quân sự xung quanh Trung Quốc”
Các động thái của Hoa Kỳ nhằm đối trọng lại lợi thế áp đảo của hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lục địa của Trung Quốc, theo Reuters. Lầu Năm Góc cũng muốn đẩy lùi vị thế của Trung Quốc trong cái mà các nhà chiến lược gọi là “cuộc chiến phạm vi”. Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã tích lũy được một lực lượng tên lửa khổng lồ, gần như vượt qua phạm vi của Mỹ và Đồng Minh, theo các tư lệnh cấp cao và cố vấn chiến lược của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Các tướng lĩnh, chuyên gia này từ lâu đã cảnh báo về việc Trung Quốc chiếm lợi thế rõ ràng so với Mỹ về hỏa lực lửa trong khu vực Tây Thái Bình Dương, tuy tới nay mới thực sự được Bộ Quốc phòng hành động.
Thêm vào đó, trong một sự thay đổi hoàn toàn về chiến lược, Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ tham chiến cùng với Hải quân trong các cuộc tấn công tàu chiến của kẻ thù. Các đơn vị di động nhỏ lẻ của Thủy quân lục chiến được trang bị tên lửa chống hạm sẽ trở thành các đội sát hạm mới của Mỹ.
Trong một cuộc xung đột, các đơn vị này sẽ được tản ra tại các điểm quan trọng ở Tây Thái Bình Dương và dọc khu vực được gọi là chuỗi đảo số một, tư lệnh Mỹ nói. Chuỗi đảo số một là một vành đai các hòn đảo chạy từ quần đảo Nhật, qua Đài Loan, Philippines tới Borneo, vây xung quanh khu vực duyên hải của Trung Quốc.
Các tư lệnh đứng đầu Hoa Kỳ lý đã giải thích về chiến lược mới với Quốc hội hồi tháng Ba, trong một loạt các phiên điều trần ngân sách. Sĩ quan chỉ huy Thủy quân Lục chiến Mỹ, Tướng David Berger, nói trước Ủy an Vũ trang Thượng viện hôm 5/3 rằng các đơn vị tinh binh nhỏ được trang bị tên lửa độ chính xác cao có thể hỗ trợ Hải quân Mỹ trong việc chiếm quyền kiểm soát biển, đặc biệt là Biển Tây Thái Bình Dương. “Tên lửa Tomahawk là một trong các công cụ sẽ cho phép chúng ta làm như thế”. Thủy quân sẽ thử bắn các tên lửa này trong năm 2022 để chuẩn bị cho mục tiêu đưa Tomahawk vào vận hành trong các năm tiếp theo, quan chức Lầu Năm Góc nói.
Ban đầu, một số lượng tương đối nhỏ các tên lửa triển khai ở Thái Bình Dương sẽ không thể thay đổi cán cân sức mạnh với Trung Quốc. Nhưng động thái này vẫn gửi tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Mỹ đang chuẩn bị chạy đua với kho vũ trang đồ sộ của Trung Quốc, theo các chiến lược gia cấp cao tại Mỹ. Trong dài hạn, việc tăng cường triển khai vũ khí cộng với các động thái tương tự từ hệ thống tên lửa tại Nhật Bản và Đài Loan có thể đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng tới các lực lượng Trung Quốc. Mối đe dọa tức thời lớn nhất đối với quân đội Trung Quốc hiện đến từ các tên lửa tầm xa chống hạm mới đang được đưa vào sử dụng trong Hải quân và Không quân Mỹ.
“Hoa Kỳ đang trở lại vô cùng mạnh mẽ”, Ross Babbage, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Úc, nay là nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược Mỹ nói.
“Tới năm 2024 hoặc 2025, rủi ro nghiêm trọng của PLA sẽ là trang bị quân sự mà họ đã triển khai sẽ hết thời”.
Phát ngôn viên Quân đội Trung Quốc, Đại tá Wu Qian, tháng 10 năm ngoái cảnh báo rằng Bắc Kinh “sẽ không đứng yên” nếu Washington dám đưa tên lửa tầm xa tới cắm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án Mỹ áp dụng “tâm lý chiến tranh lạnh” và “liên tục tăng cường triển khai quân sự trong khu vực”.
“Gần đây, Hoa Kỳ ngày càng tệ hơn, đẩy mạnh theo đuổi cái gọi là ‘Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương’ nhằm triển khai thêm vũ khí mới, trong đó có các tên lửa mặt đất tầm trung ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, Bộ Ngoại giao TQ nói trong một tuyên bố với Reuters.
“Trung Quốc phản đối mạnh mẽ điều đó”.
Trong khi đại dịch virus corona oanh tạc thế giới, Bắc Kinh âm thầm tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan và Biển Đông. Hôm 11/4, Bắc Kinh có mà phô diễn sức mạnh bằng việc cho Tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu một đội 5 tàu chiến đi qua Eo biển Miyako phía đông bắc Đài Loan. Hôm 12/4, các chiến hạm Trung Quốc tập trận tại vùng biển phía đông và nam Đài Loan.
Trong khi đó, Lực lượng Hải quân Mỹ bị chói chân xung quanh Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Guam trong khi sĩ quan trên tàu vật lộn với virus corona. Tuy nhiên, trong tình cảnh đó Mỹ cũng đã gửi được tàu khu trục gắn tên lửa hành trình USS Barry đi qua eo biển Đài Loan 2 lần nhằm khẳng định quyền lực của mình trong khu vực. Tháng trước, tàu tấn công thủy bộ USS America đã tập trận tại biển Đông và Biển Hoa Đông, Bộ Tư lệnh quân đoàn Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho hay.
Trong gần 2 thập kỷ qua, trong khi Mỹ bị cuốn vào các cuộc chiến tốn kém ở Trung Đông, Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng tên lửa hùng mạnh với khả năng tiêu diệt các tàu sân bay, các chiến hạm và vươn tới một loạt các căn cứ là xương sống của sức mạnh Mỹ ở Châu Á, theo Reuters. Cũng trong thời gian này, các xưởng tàu của Trung Quốc xây dựng được một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, đủ sức thống trị vùng biển duyên hải của mình và khiến lực lượng Mỹ phải dè chừng.
Các báo cáo đặc biệt của Reuters cũng cho thấy trong hầu hết các hạng mục, tên lửa của Trung Quốc đã đủ sức đối đầu, thậm chí vượt trội so với kho vũ trang của đồng minh Mỹ.
Không giống Mỹ, Trung Quốc không bị trói tay vào hiệp ước hạn chế vũ trang thời Chiến tranh Lạnh (INF). Hiệp ước này cấm Mỹ và Nga sở hữu các tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình có phạm vi từ 500 đến 5.500 km. Điều này giúp Bắc Kinh rảnh tay sản xuất và triển khai 2.000 tên lửa tầm trung loại này, theo ước tính của Mỹ và phương Tây.
Trong khi hệ thống tên lửa dựng lên khắp các căn cứ trên mặt đất, PLA cũng lắp đặt các tên lửa chống hạm tầm xa, có sức công phá lớn lên các chiến cơ và chiến hạm của mình.
Sự tích lũy hỏa lực này đã khiến cán cân sức mạnh trong khu vực nghiêng hoàn toàn về phía Trung Quốc. Hoa Kỳ, quốc gia vốn có sức mạnh quân sự thống trị ở Châu Á từ sau Thế Chiến II, nay không còn tự tin luôn giành chiến thắng trong một cuộc xung đột trên biển ngoài khơi Trung Quốc, theo đánh giá của một số sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu của Mỹ.
Nhưng năm ngoái, Tổng thống Trump đã quyết định rời khỏi hiệp ước INF để cho phép quân đội Mỹ khôi phục vị thế sức mạnh. Gần như ngay sau khi rút khỏi hiệp ước này ngày 2/8, ông Trump đánh tín hiệu rằng Mỹ sẽ có phản ứng trước lực lượng tên lửa Trung Quốc. Hôm 3/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói ông muốn thấy các tên lửa cắm đất được triển khai ở Châu Á trong khoảng thời gian vài tháng.
Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng đã thử nghiệm một tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Tháng 12/2019, Bộ cũng phóng thử một tên lửa đạn đạo mặt đất. Nếu còn trong Hiệp ước INF, Mỹ đã không thể thực hiện các vụ thử nghiệm này.
Tư lệnh Thủy quân cấp cao, trung tướng Eric Smith hôm 11/3 nói với Ủy ban Vũ trang Thượng viện rằng Lầu Năm góc đã chỉ đạo thủy quân lục chiến nhanh chóng bắn thử các tên lửa hành trình mặt đất.
Văn kiện ngân sách cho thấy Thủy quân đang yêu cầu 125 triệu USD để mua 48 tên lửa Tomahawk vào sang năm. Theo công ty sản xuất Raytheon, phạm vi của Tomahawk là 1.600 km.
Ông Smith cũng cho biết Thủy quân đã thử nghiệm thành công tên lửa chống hạm mới tầm ngắn hơn, Tên lửa Naval Strike, từ một máy phóng mặt đất và sẽ tiếp tục thử tiếp vào tháng 6. Ông cho hay nếu thành công, Thủy quân sẽ đặt hàng thêm 36 chiếc loại này để tăng cường khả năng tiêu diệt các chiến hạm. Loại tên lửa này cũng bị cấm theo hiệp ước INF.
Trong một tuyên bố Thủy quân cũng cho biết họ đang đánh giá khả năng dùng tên lửa Naval Strike tấn công tàu bè và dùng tên lửa Tomahawk để đánh trúng các mục tiêu trên mặt đất. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống có thể tiêu diệt mọi mục tiêu di động cả ở trên biển và trên mặt đất.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay họ đang nghiên cứu thêm các vũ khí tấn công tầm xa mới, với yêu cầu ngân sách 3,2 tỷ USD cho công nghệ tên lửa siêu thanh.
Trước các động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các tên lửa của Trung Quốc được đặt trong lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, và không thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Điều này khác biệt một cách cơ bản với Mỹ, vốn đang thúc đẩy việc triển khai tên lửa rầm rộ”.
Mỹ đáp trả với lập luận rằng hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình từ trong lãnh thổ của Trung Quốc vẫn có thể đe dọa nghiêm trọng đến di chuyển của hải quân Mỹ và đồng minh trong các vùng biển cận duyên hải Trung Quốc.
Bị bao vây bởi chuỗi đảo số một, Mỹ có thể lợi dụng địa hình tự nhiên này để trang bị hệ thống vũ trang đối đầu với hải quân Trung Quốc.
“Chúng ta phải có thể đóng nút các eo biển này lại”, James Holmes, giáo sư Cao Đẳng Hải quân Mỹ nói. “Nếu chúng ta có thể, hãy thử hỏi Trung Quốc xem họ có muốn chiếm Đài Loan và đảo Senkaku và trả giá bằng việc bị chặn hết đường ra biển Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là không”.
Tuy vậy để đóng nút các eo biển này không đơn giản. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bất ngờ xoay trục sang Trung Quốc và ghẻ lạnh Hoa Kỳ khiến Mỹ khó có thể triển khai quân sự ra các hòn đảo nằm ở địa điểm chiến lược tại nước này. Một số chiến lược gia cũng đánh giá rằng việc đóng chốt tên lửa chống hạm ở vành đai đảo số một cũng khiến thủy quân Mỹ dễ rơi vào tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.
Mỹ vẫn còn các lựa chọn khác. Hỏa lực của các máy bay ném bom tầm xa của Không Quân Mỹ còn là mối đe dọa lớn hơn cho quân đội Trung Quốc so với Thủy quân lục chiến. Các máy bay tiêm kích B-21 là cực kỳ có hiệu quả khi được trang bị các tên lửa tầm xa, một số chiến lược gia nói, theo Reuters.
Lầu Năm Góc đã có động thái tăng cường hỏa lực của các chiến cơ hiện có ở Châu Á. Các máy bay phản lực Super Hornet và máy bay ném bom B-1 của Hải Quân hiện đang được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa mới vừa xuất xưởng của hãng Lockheed Martin, theo văn kiện ngân sách. Các tên lửa mới này được sử dụng để phản ứng lại “nhu cầu tác chiến khẩn cấp” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Tên lửa mới mang đầu đạn nặng 450kg, có khả năng nhắm mục tiêu bán tự động. Tầm bắn của tên lửa mới vẫn được giữ kín, tuy các chuyên gia phương Tây dự đoán rằng nó có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 800km.
Tài liệu Ngân sách cũng cho thấy Lầu Năm Góc đang xin cấp thêm 224 triệu USD để mua thêm 53 tên lửa lại này vào năm 2021 và tới năm 2025 sẽ có hơn 400 tên lửa loại này sẵn sàng hoạt động.
“Việc Hoa Kỳ và đồng minh tập trung vào các tên lửa tầm xa đối đất và chống hạm là cách nhanh nhất để khôi phục hỏa lực tầm xa truyền thống ở Tây Thái Bình Dương”, Robert Haddick, cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ và nay là nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu không gian vũ trụ Mitchell có trụ sở tại bang Virginia, nói.
Đối với Hải quân Mỹ ở Châu Á, các chiến cơ phản lực Super Hornet phóng từ Tàu sân bay và được trang bị tên lửa chống hạm loại mới có thể tăng cường mạnh mẽ hỏa lực trong khi cho phép các chiến hạm đắt tiền hơn vận hành ở khu vực xa hơn, thoát khỏi tầm nguy hiểm tiềm tàng của hệ thống tên lửa Trung Quốc.
Từ lâu, các tướng lĩnh Hải quân Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc trang bị cho tàu chiến Mỹ các tên lửa chống hạm tầm xa hơn để cho phép họ có thể cạnh tranh với các loại tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu chiến được trang vụ vũ trang hạng nặng của Trung Quốc. Hãng Lockheed cho hay họ vừa bắn thử thành công tên lửa chống hạm tầm xa mới, sử dụng đế bắn trang bị trên chiến hạm của Mỹ và đồng minh.
Ông Haddick, một trong những người đầu tiên cảnh báo về sức mạnh hỏa lực của Trung Quốc năm 2014 trong cuốn sách “Lửa trên Biển” nói rằng mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc đã kích động buộc Mỹ phải thay đổi tư duy và xây dựng ngân sách để chuẩn bị cho các cuộc xung đột công nghệ cao với các cường quốc như Trung Quốc.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Biển Hoa Đông Hải quân Mỹ Tên lửa Dòng sự kiện đối đầu Mỹ Trung Trung Quốc