Tòa án ICC không đạt được đồng thuận về truy tố lãnh đạo thế giới
- Thiên Vân
- •
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã không thể thông qua một tu chính án nhằm mở rộng thẩm quyền của mình trong việc điều tra các lãnh đạo thế giới về tội ác xâm lược.
Tội ác xâm lược được xem là trọng tội nghiêm trọng nhất theo Quy chế Rome – văn kiện lập pháp sáng lập ICC. Hiện tại, ICC có quyền truy tố các nguyên thủ quốc gia về tội ác chiến tranh và tội diệt chủng; tuy nhiên, để có thể khởi tố về tội ác xâm lược, các Tu chính án Kampala năm 2010 – định nghĩa phạm vi thẩm quyền của Tòa án trong lĩnh vực này – cần được phê chuẩn bởi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột. Cho đến nay, chỉ mới có 41 trong tổng số 125 quốc gia thành viên phê chuẩn các tu chính án này.
Từ Thứ Hai (7/7) đến Thứ Tư (9/7) vừa qua, ICC đã triệu tập một phiên họp đặc biệt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York nhằm thảo luận về tu chính án điều chỉnh sự nhất quán, do Đức, Costa Rica, Slovenia, Sierra Leone và Vanuatu đề xuất. Đề nghị này yêu cầu cho phép ICC khởi tố điều tra về tội ác xâm lược nếu ít nhất một bên trong cuộc chiến đã phê chuẩn các Tu chính án Kampala.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên vẫn chưa thể đạt được tiếng nói chung về vấn đề này, khi Anh, Canada, Pháp, Nhật Bản và New Zealand nhất quyết rằng quyết định sau cùng chỉ nên được đưa ra khi có ít nhất hai phần ba số quốc gia thành viên ICC phê chuẩn các tu chính án kể trên.
Một đại diện của Pháp lập luận rằng tu chính án điều chỉnh sự nhất quán có thể gây mâu thuẫn với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong khi đại diện Nigeria cảnh báo rằng việc thông qua tu chính án này có thể vô tình tạo ra một hệ thống mà trong đó các quốc gia đã phê chuẩn “một cách nghịch lý, lại trở thành những bên bị ràng buộc pháp lý nhiều hơn”.
Kết quả phiên họp đưa đến quyết định các thành viên ICC sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt khác vào năm 2029 để tiếp tục bàn thảo vấn đề.
“Khi chúng ta bàn về tội ác xâm lược, chúng ta đang đứng trước một cuộc thi chạy vượt rào, nơi chúng ta phải chạy và nơi những chướng ngại ngày càng gia tăng, và những nạn nhân của tội ác xâm lược bị buộc phải chờ đợi trong thời gian đó”, một đại diện của Palestine phát biểu vào ngày cuối cùng của hội nghị.
Năm 2024, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các tội ác chiến tranh mà nước này bị cáo buộc đã phạm trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, bao gồm cả việc sử dụng nạn đói như một hình thức chiến tranh. Israel – quốc gia không ký kết Quy chế Rome – đã phản ứng bằng cách cáo buộc ICC là “một công cụ chính trị phục vụ kẻ thù của Israel”.
Trước đó vào đầu năm 2025 này, Hoa Kỳ đã áp đặt biện pháp chế tài đối với công tố viên hàng đầu của ICC – ông Karim Khan – cùng một số vị thẩm phán, với cáo buộc rằng những hành động của họ đối với Hoa Kỳ và Israel là “phi pháp và vô căn cứ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện cũng bị ICC phát lệnh truy nã vì cáo buộc di tản bất hợp pháp trẻ em khỏi vùng chiến sự trong cuộc chiến tranh tại Ukraine. Moskva đã bác bỏ các cáo buộc này là “vô hiệu lực”, khẳng định rằng việc di tản chỉ nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em cho đến khi các em có thể được đoàn tụ với gia đình. Nga – quốc gia không phải là thành viên của ICC – vẫn giữ lập trường rằng tòa án quốc tế này không có thẩm quyền xét xử mình.
Từ khóa ICC Tòa án hình sự quốc tế
