Tổng thống Biden thông qua luật thúc đẩy Trung Quốc nối lại đàm phán về Tây Tạng
- Mộc Vệ
- •
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu tuần trước (12/7) đã ký Đạo luật Giải quyết Tây Tạng (Promoting a Resolution to the Tibet-China Dispute Act), kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nối lại đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của ông để đạt được “thỏa thuận về vấn đề Tây Tạng”. Tổng thống Biden nhắc lại rằng biện pháp này không đồng nghĩa thay đổi trong chính sách của Mỹ.
Nhóm Tây Tạng của RFA vào ngày 13/7 cho hay, Tổng thống Biden chỉ ra trong một tuyên bố vào ngày 12/7: “Tôi chia sẻ cam kết của lưỡng đảng tại Quốc hội nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Tây Tạng và hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và di sản tôn giáo độc đáo của họ”.
Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 12/6 lưu ý rằng người Tây Tạng có bản sắc tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử độc đáo, đồng thời khuyến khích Bộ Ngoại giao Mỹ chống lại những thông tin sai lệch của ĐCSTQ về lịch sử và thể chế Tây Tạng.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố rằng Đạo luật Giải quyết Tây Tạng không thay đổi chính sách của Mỹ về vấn đề công nhận Khu tự trị Tây Tạng và các tỉnh của Trung Quốc có đông người Tây Tạng là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tuy nhiên, những người ủng hộ luật này cho rằng đây vẫn là một bước đi quan trọng, vì gây áp lực lên các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trong việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho các khu vực liên quan.
“Tất cả mọi người đều có quyền sống trong hòa bình và tự quyết định tương lai của mình. Nhưng người dân Tây Tạng đã không có được những quyền tự do này trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi chỉ đang thực hiện một bước quan trọng để thay đổi điều đó”, Nghị sĩ Jeffrey Alan phe Dân chủ là người đồng khởi xướng luật này cho biết.
Năm 2002, đại diện ĐCSTQ và Tây Tạng đã tổ chức các cuộc đàm phán về khuôn khổ quản lý Khu tự trị Tây Tạng.
Nhà lãnh đạo tinh thần Đức Đạt Lai Lạt Ma của hầu hết Phật tử Tây Tạng không chối bỏ công nhận khu vực này là một phần của Trung Quốc, nhưng ông kêu gọi quyền tự trị “thực sự” cho Tây Tạng, kêu gọi trao cho Tây Tạng nhiều quyền tự do hơn về văn hóa, tôn giáo và các quyền về ngôn ngữ. Những quyền này cần được bảo vệ bởi Hiến pháp Trung Quốc.
Nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào năm 2010. Kể từ đó đến nay hai bên chưa có cuộc đàm phán chính thức nào. Giới quan sát có lên án ĐCSTQ trong giai đoạn này đã tăng cường nỗ lực buộc người Tây Tạng phải hòa nhập vào văn hóa Hán bằng cách thúc đẩy các trường nội trú nói tiếng phổ thông và cấm thờ phượng Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Chỉ vài ngày sau ngày 6/7 khi người Tây Tạng và những người ủng hộ trên khắp thế giới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 89 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tổng thống Mỹ đã ký Đạo luật Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày 28/6 tại New York đã trải qua ca phẫu thuật đầu gối thành công, hiện ông vẫn đang ở Mỹ để hồi phục.
Ngay trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Mỹ, tại nhà riêng của ông ở Dharamsala – Ấn Độ, ông đã tiếp đón một phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ do ông McCaul – Dân biểu Đảng Cộng hòa của Texas và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện – dẫn đầu.
Trước đó vào tháng Sáu, ông McCaul đã gửi cho cho Đức Đạt Lai Lạt Ma một bản sao của Đạo luật Giải quyết Tây Tạng.
Ngay sau đó vào thứ Bảy (13/7), ĐCSTQ đã bày tỏ phản đối đạo luật. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng động thái này “vi phạm quan điểm và cam kết lâu dài của Chính phủ Mỹ, vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, là tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho lực lượng thúc đẩy ‘Tây Tạng độc lập’”.
Người phụ trách Penpa Tsering của Chính quyền Trung ương Tây Tạng và các nhà lập pháp Mỹ hoan nghênh động thái này.
Ông Penpa Tsering cho biết hôm thứ Bảy rằng, tin này “đã nhen nhóm lại niềm hy vọng của tôi”. Ông cho hay Đạo luật Giải quyết Tây Tạng đã trở thành luật và củng cố cam kết của Mỹ trong việc đàm phán một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột giữa Tây Tạng và ĐCSTQ.
Chủ tịch Tencho Gyatso của Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng thì chỉ ra, dự luật “là lời kêu gọi rõ ràng ủng hộ người Tây Tạng đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ và hòa bình”.
Ngoài việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Tây Tạng, Đạo luật Giải quyết Tây Tạng còn yêu cầu các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nỗ lực chống lại thông tin sai lệch của ĐCSTQ nhắm vào Tây Tạng. Luật cũng công nhận vai trò của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc hối thúc ĐCSTQ giải quyết các yêu sách của người dân Tây Tạng về bản sắc của họ.
Người phát ngôn của Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington nói với Đài RFA rằng vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép “thế lực bên ngoài” nào có quyền can thiệp.
Gần đây, “Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công” đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ giúp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn từ các học viên Pháp Luân Công còn sống và các tù nhân lương tâm khác.
“Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công” quy định rõ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người tham gia và hỗ trợ hoạt động thu hoạch nội tạng.
Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt bao gồm những người bị tổng thống Mỹ coi là người nước ngoài cố ý, trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động thu hoạch nội tạng không tự nguyện ở Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản ở Mỹ, cấm nhập cảnh vào Mỹ, không cấp thị thực, tự động thu hồi thị thực hiện có, cùng hàng loạt hình phạt kinh tế và phạt tù.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công